Các chính sách bảo hiểm đối với người lao động có đi vào cuộc sống, quyền và lợi ích của người lao động có được bảo đảm, vai trò của LĐLĐ và Bảo hiểm xã hội thành phố góp phần quan trọng. Kết quả chương trình phối hợp giữa hai đơn vị khẳng định điều đó. Song để doanh nghiệp tự nguyện tham gia các chính sách bảo hiểm cho người lao động, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa hai cơ quan trong giám sát, kiểm tra.
Công nhân, lao động trong các doanh nghiệp cần được đóng bảo hiểm xã hội để bảo đảm quyền lợi Ảnh: Phương Linh |
Vì quyền lợi người lao động
Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố Nguyễn Văn Thực cho biết: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp khá chặt chẽ với Bảo hiểm Xã hội thành phố thực hiện chính sách đối với người lao động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Vì vậy, số đơn vị và người lao động tham gia các loại hình bảo hiểm năm sau cao hơn năm trước. Năm 2009, Bảo hiểm Xã hội thành phố phát triển được 568 đơn vị, với hơn 42 nghìn lao động. Hết quý 1-2010, Bảo hiểm Xã hội thành phố phát triển thêm 124 đơn vị, với hơn 11 nghìn người được tham gia bảo hiểm xã hội.
Công tác triển khai bảo hiểm thất nghiệp được tổ chức bài bản, chặt chẽ. Hai bên phối hợp tổ chức 4 đợt tập huấn đến đối tượng cán bộ, lãnh đạo các cơ quan quản lý và tổ chức tại các đơn vị để tuyên truyền về bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động. Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức tập huấn đến đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, nắm chắc quyền lợi, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Vì vậy, đến quý 2-2010, trên địa bàn thành phố có 2659 đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, với số lao động hơn 203 nghìn người tham gia BHTN. Do ảnh hưởng biến động kinh tế, số lao động bị thất nghiệp có tham gia BHTN được lập danh sách, chi trả. Đến tháng 8-2010, Sở Lao động-Thương binh-Xã hội xét duyệt tổng 276 hồ sơ của người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền chi trả 412 triệu đồng.
Với những trường hợp có ý kiến cần tư vấn, giải đáp, Trung tâm tư vấn pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố) tư vấn, hỗ trợ kịp thời. Do đó, ít xảy ra vụ việc khiếu kiện phức tạp. Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Mạnh Tuân cho biết: Nhiều lao động được tư vấn, hỗ trợ, các cơ quan giải quyết thỏa đáng quyền lợi nên ngày càng có nhiều lao động đến Trung tâm tư vấn pháp luật nhờ được tư vấn, giải đáp. Qua đó góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Phối hợp giám sát đơn vị không thực hiện
Mặc dù kinh tế có dấu hiệu hồi phục, song một số đơn vị còn nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, thời gian kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động. Trong số doanh nghiệp nợ đọng các khoản bảo hiểm, ngành đóng tàu chiếm gần một nửa tổng số tiền nợ đọng. Nguyên do các doanh nghiệp sản xuất kém hiệu quả, phải hủy hợp đồng hoặc không thực hiện theo hợp đồng đã ký. Một số đơn vị thuộc ngành xây dựng, ngoài nguyên nhân gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, còn có nguyên nhân sau khi bàn giao công trình, chủ đầu tư không có khả năng thanh toán ngay, nợ đọng với số tiền lớn. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện chính sách bảo hiểm. Số doanh nghiệp thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng thoái thác không thực hiện nghĩa vụ hoặc tham gia không đủ số lao động hiện đang làm việc tại đơn vị, chỉ đạt khoảng 50-70% số lao động hiện có.
Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố Ngô Trọng Quyền cho biết: Một số doanh nghiệp Nhà nước sau khi thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động không quan tâm giải quyết thỏa đáng chế độ cho người lao động như Công ty Cổ phần bao bì xi măng Hải Phòng, Công ty Cổ phần đồ hộp Hạ Long… Chính điều này gây thiệt hại không nhỏ cho người lao động. Một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã bị Bảo hiểm Xã hội thành phố khởi kiện ra tòa, buộc phải thực hiện chế độ đối với người lao động. Để tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhà nước về các loại hình bảo hiểm, ngày 13-8-2010, Chính phủ ban hành Nghị định 86 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội như không đóng BHXH hoặc đóng không đủ cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN, lập danh sách không đúng số người được hưởng chế độ BHXH, chậm lập hồ sơ của người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHTN... Như vậy, từ ngày 1-10-2010, khi Nghị định có hiệu lực thi hành, các chủ doanh nghiệp buộc phải thực hiện đúng quy định về BHXH cho người lao động hoặc sẽ bị xử phạt hành chính khá nặng.
Tính đến 31-12-2009, trên địa bàn thành phố có 4.580 đơn vị tham gia BHXH, với gần 249 nghìn lao động. Tổng số tiền BHXH, BHYT, BHTN thu được hơn 1.145 tỷ đồng, đạt 103,54% kế hoạch được giao. Tính đến 31-8-2010, trên địa bàn thành phố có 4.768 đơn vị tham gia BHXH, với hơn 249 nghìn lao động. Tổng số tiền BHXH, BHYT, BHTN thu được hơn 997,38 tỷ đồng, đạt 57,26% kế hoạch được giao.
|
Do đó, để Nghị định này đi vào cuộc sống, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động cần sự vào cuộc của các cấp công đoàn và cơ quan bảo hiểm từ thành phố đến quận, huyện trong việc giám sát, trao đổi thông tin.
Bài và ảnh Hoàng Dũng