Xứ sở mai anh đào
Ở Đà Lạt, người ta nhận ra mùa xuân đến bằng những cánh hoa mai anh đào. Bởi mai anh đào thất thường lắm, khi nở sớm, khi nở muộn, nên người Đà Lạt cũng dựa vào đó mà đón xuân theo. Nhưng say đắm mai anh đào không chỉ có người Đà Lạt.
Nguyễn Trần Thanh Phương, cô gái 26 tuổi làm công việc truyền thông tại một công ty có tiếng ở TP HCM. Mỗi năm, đến thời điểm mai anh đào nở ở Đà Lạt, cho dù bận đến mấy, Phương cũng thu xếp cùng bạn bè lên Đà Lạt để ngắm hoa và chụp ảnh cùng hoa. Họ ở tại một homestay xinh xắn, ngày ngày vác máy ảnh rong ruổi để bắt lại những khoảnh khắc đẹp nhất của mùa xuân thành phố cao nguyên.
Có lẽ không thành phố nào nhiều mai anh đào như Đà Lạt nên mai anh đào đã trở thành biểu tượng của thành phố này. Như trong câu hát của nhạc sĩ Hoàng Nguyên: “Ai lên xứ hoa đào/ Đừng quên mang về một nhành hoa”. Đó là vào cái thời trước đây mười, vài mươi năm, khi hoa đào Đà Lạt còn nhiều lắm, nở rộ trên những mái nhà, dốc phố, sườn đồi. Giờ đây, đô thị hóa đã làm Đà Lạt bớt đi nhiều những cành đào. Mai anh đào nay là để ngắm nghía, nâng niu, chứ chẳng phải để hái đem về nhà.
Có không ít người thắc mắc về cái tên của loài hoa kì lạ. Vì sao không gọi là hoa đào hay anh đào, mà lại là mai anh đào? Đơn giản, bởi loài hoa này có thân giống cây đào, nhìn phớt trông cũng giống hoa đào, nhưng ngắm kĩ cánh hoa thì lại có 5 cánh với cấu trúc tương tự hoa mai. Cái tên mai anh đào từ đó mà ra.
Về nguồn gốc xuất xứ, quanh mai anh đào có không ít tranh cãi. Nhiều người vẫn nghĩ rằng, đây là giống hoa từ Pháp mang đến Việt Nam trồng từ thời Pháp thuộc. Nhưng nhiều người chỉ ra rằng, mai anh đào là loài hoa của Đà Lạt. Nó do một người dân làm công việc chăm sóc vườn hoa cho người Pháp tại Đà Lạt phát hiện mọc trong núi nên đề xuất với người Pháp nhân giống, trồng rộng khắp phố phường.
Đến nay, người ta tin rằng mai anh đào chắc chắn là loại hoa có nguồn gốc từ cao nguyên Đà Lạt xinh đẹp và duy chỉ Đà Lạt mới có giống hoa lạ lùng mang cả vẻ đẹp phớt hồng của cánh đào phương Bắc và sự rạng rỡ kiêu hãnh của đóa mai phương Nam như thế.
Thông thường, mai anh đào thường nở vào tháng 11 - 12 dương lịch. Từ giữa tháng 10, tức là vào mùa khô, mai anh đào bắt đầu rụng lá. Lúc ấy, khách phương xa không biết cứ ngỡ đó là những hàng cây chết khô, trụi lá. Đâu ngờ đó chính là những ngày “ngủ đông” của loài cây kì lạ này.
Để rồi, vào đúng thời điểm, chỉ như trong tích tắc, như nàng công chúa được đánh thức bởi nụ hôn của tình yêu, những cành khô đột nhiên bừng tỉnh dưới ngọn gió ấm đầu tiên. Và những đóa mai anh đào bỗng nở bừng, rực rỡ trên cành. Mùa xuân của phố núi cao nguyên thường đến sớm như thế.
Người Hàn Quốc có một phong tục rất lãng mạn. Đó là khi những bông tuyết đầu mùa chuẩn bị rơi xuống, người ta sẽ nô nức hẹn nhau đi ngắm tuyết. Có một truyền thuyết xa xưa ở xứ sở này cho rằng, các cặp đôi khi cùng nhau được ngắm tuyết đầu mùa thì tình yêu ấy sẽ đơm hoa kết quả.
Chẳng biết tự bao giờ, nhiều thanh niên nam nữ Đà Lạt đã bắt đầu cho rằng, cùng nhau ngắm những bông mai anh đào đầu mùa trên mảnh đất cao nguyên, tình yêu sẽ gặp nhiều may mắn, “tươi hồng” như cánh mai anh đào. Và rồi không chỉ có những người trẻ ở Đà Lạt, thanh niên nam nữ khắp nơi cũng bắt đầu tin vào truyền thuyết không rõ xuất xứ ấy.
Khi những cánh mai anh đào đầu tiên bắt đầu nở, với sự tiếp sức của mạng xã hội, những bức ảnh được lan truyền khắp nơi, những lời thì thầm “mùa mai anh đào đến rồi” cũng tỏa khắp. Và rồi người ta nô nức, như trẩy hội, kéo nhau lên phố núi.
Những con đường hoa
Ở Đà Lạt, có nhiều khu vực để ngắm mai anh đào. Trong những con đường trung tâm, cây mọc lác đác đây đó, thi thoảng khách có thể dừng chân dưới bóng mai anh đào, nghỉ ngơi và ngắm nghía. Ở nhiều biệt thự cổ, nhà xưa ở Đà Lạt cũng có thói quen trồng hai cây mai anh đào trước cổng. Mùa hoa đến, cây mai anh đào nở rực che bóng ngôi nhà, làm thành những cảnh tượng đẹp không thua gì châu Âu. Nhiều du khách phương xa đến thường ngỏ lời xin vào trong sân một số ngôi nhà cổ có cây trổ hoa rực để chụp những bức ảnh “để đời”.
Quanh hồ Xuân Hương thơ mộng không có nhiều mai anh đào như các nơi, nhưng được cái mai anh đào mọc ven hồ đều là cây cổ thụ, to, hình dáng cây đẹp mắt, mỗi lần ra hoa là cây nở rợp, soi bóng xuống mặt nước làm sáng hồng cả một góc hồ.
Ngoài ra, còn có một số con đường khác, đi dần ra phía ngoại ô có trồng nhiều loài cây này. Con đường Trần Hưng Đạo, nơi có dãy biệt thự cổ Cadasa là con đường cây mai anh đào mọc dày, vào mỗi mùa hoa, cây nở rợp rất đẹp mắt. Cùng các căn biệt thự cổ nằm thấp thoáng, đây là một cảnh tượng đẹp lãng mạn làm say lòng khách phương xa.
Con đường ra Đồi chè Cầu Đất, cách trung tâm Đà Lạt tầm 20km cũng là một “con đường mai anh đào” nổi tiếng. Mùa mai anh đào đến, người Đà Lạt và du khách thường làm một hành trình “dã ngoại ngắm hoa”. Hàng trăm cây hoa mai anh đào nằm dọc trục quốc lộ 20 đi Đồi chè, nếu may mắn nở rộ cũng một lúc, sẽ là một cảnh tượng đẹp như mơ.
Dương Huyền Thanh, cô gái Hà Nội gốc, đến lập nghiệp tại Đà Lạt được 6 tháng, lần đầu tiên đi ngắm mai anh đào. Cô hồ hởi chia sẻ: “Nghe nói mai anh đào đẹp lắm, tôi cùng bạn bè háo hức đi ngắm, mường tượng có lẽ cũng như vườn đào Nhật Tân của Hà Nội. Đến nơi mới thấy trong tưởng tượng và sự thật khác xa nhau quá đỗi.
Những vườn đào ở Hà Nội quê tôi thì rộng thênh thang bát ngát, nhưng phải trả phí mới được vào chụp ảnh. Vườn mai anh đào ở đây là những cây cổ thụ nằm ven đường, rải rác dọc các con đường chứ không cố định thành một cụm, ai muốn vào chụp cứ thoải mái. Chụp ảnh xong mọi người còn ngồi picnic dưới gốc cây bên vệ đường, cùng nhau nhâm nhi bánh mứt, uống trà, ngắm hoa, lạ và hay lắm”.
Gìn giữ “thánh địa” hoa
Nhiều khách phương xa thuộc giới chuyên du lịch hoặc săn ảnh, sau những mùa chụp ảnh mai anh đào trong phố, bắt đầu tìm kiếm những điểm ngắm mai anh đào đẹp và lạ hơn. Thế là họ tìm vào trong những bản, làng của người dân tộc, hoặc tìm vào cánh rừng mai anh đào sâu trong núi. Ban đầu, rừng mai anh đào trong núi chính là “thánh địa” của người “săn” hoa. Tuy nhiên, trước cơn lốc của ngành du lịch, những bản làng, rừng mai đã bị “tấn công” bởi lượng du khách khổng lồ.
Cánh rừng mai anh đào trên sườn núi Lang Biang mới nổi tiếng, nay cũng đứng trước nạn “chặt chém”. Để vào trong núi, có một đoạn tầm 1km khó có thể di chuyển được bằng phương tiện cá nhân, người đi ngắm hoa buộc phải xuống gửi xe, đi bộ hoặc thuê xe ôm khu vực này chạy vào trong núi. Những cảnh tượng bát nháo, ồn ào, trả giá và “chặt chém” du khách diễn ra.
Không chỉ thế, nhiều người vô ý thức vào rừng đào vít cây, bẻ cành, xả rác bừa bãi làm ảnh hưởng đến nét đẹp nguyên sơ của cánh rừng. Nhiều người dân địa phương và người yêu Đà Lạt lo lắng, với tốc độ “xâm lấn” thế này, chẳng mấy chốc mà những cánh rừng mai anh đào còn nấp kín trong làng bản, núi sâu cũng bị tàn phá để phục vụ nhu cầu ngắm nghía của con người.
Chị Nguyễn Thị Minh Tuyết, một doanh nhân chủ thương hiệu làm đẹp ở TP HCM chia sẻ: “Mùa mai anh đào năm nay, tôi may mắn được bạn làm một chuyến phiêu lưu đi thật sâu vào trong núi. Ở đó có một bản dân tộc K’ho sống cạnh rừng mai anh đào. Chưa bao giờ tôi được ngắm một rừng đào tự nhiên đẹp đến thế.
Tuy nhiên, đồng bào sống nơi đây và những người bạn tôi dặn dò, có đi thì ngắm vậy thôi, chứ đừng đăng tải, đừng chỉ đường cho ai, bởi một khi nổi tiếng, rừng mai anh đào này rồi sẽ bị du lịch hóa, ảnh hưởng đến đời sống đồng bào”.
Nhiều cư dân Đà Lạt gốc cũng chia sẻ, mấy năm nay, phong trào kéo nhau lên Đà Lạt ngắm mai anh đào trở nên rầm rộ, nhưng thực chất, mai anh đào ngày xưa nhiều hơn bây giờ rất nhiều. Hồi ấy, từng con phố, ngõ hẻm Đà Lạt ngập sắc hoa. Mùa xuân đến, hoa cũng nở rực các sườn đồi. Nhưng những năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa, do các nhà ở, khách sạn, công trình du lịch mọc ồ ạt, những cánh rừng thành đồi trọc, nhiều cây mai anh đào đã phải “hy sinh”, trong đó có nhiều những gốc cây cổ thụ.
Nhiều vườn mai anh đào đang được trồng tái sinh, nhưng để đẹp như xưa thì cần một thời gian nữa. Mong rằng, những cây mai anh đào sẽ tiếp tục được trồng, mọc lên tại thành phố cao nguyên xinh đẹp. Mong rằng những mảng đồi đã và đang trọc sẽ được phủ đầy. Và sắc hoa sẽ nồng nàn trên phố núi…
Về nguồn gốc xuất xứ của mai anh đào có không ít tranh cãi. Nhiều người vẫn nghĩ rằng, đây là giống hoa từ Pháp mang đến Việt Nam trồng từ thời Pháp thuộc. Nhưng nhiều người chỉ ra rằng, mai anh đào là loài hoa của Đà Lạt. Nó do một người dân làm công việc chăm sóc vườn hoa cho người Pháp tại Đà Lạt phát hiện mọc trong núi nên đề xuất với người Pháp nhân giống, trồng rộng khắp phố phường.
Đến nay, người ta tin rằng mai anh đào chắc chắn là loại hoa có nguồn gốc từ cao nguyên Đà Lạt xinh đẹp và duy chỉ Đà Lạt mới có giống hoa lạ lùng mang cả vẻ đẹp phớt hồng của cánh đào phương Bắc và sự rạng rỡ kiêu hãnh của đóa mai phương Nam như thế.