Chiếc xe máy giờ đây không chỉ đơn thuần là phương tiện đi lại. Mỗi loại xe, mỗi thương hiệu xe còn thể hiện phong cách, cá tính và sở thích của người đi xe, trong đó, xe Minsk không phải là một ngoại lệ. Với Nguyễn Công Thức, người chơi Minsk và “dọn” Minsk, có quá nhiều lí do để yêu chiếc xe này.
Có duyên với anh “khù khờ”
Tôi lên Bắc Giang gặp Thức trong một sáng chủ nhật. Đi từ đầu làng, chẳng cần hỏi cũng có thể tìm ra nhà Thức bởi từ xa đã nghe thấy tiếng động cơ đặc trưng và quen thuộc. Căn nhà nông thôn rộng rãi ngổn ngang phụ tùng xe minsk. Giàn phơi, góc bếp, sân giếng biến thành những góc xưởng nhỏ.
Giàn phơi phụ tùng |
Thức đón tôi bằng một bàn tay đầy dầu mỡ. Anh đang “mổ” chiếc minsk cũ ra để kiếm một vài phụ tùng cho cậu em mê chơi minsk lặn lội từ Hà Nội lên nhờ thay thế giúp. Bên trong sân, mấy cậu trẻ cũng đang hí húi tập tành sửa minsk. Hỏi ra mới biết, các cậu đều từ Hà Nội lên đây từ sáng sớm, nhờ Thức sửa xe. Thấy tôi ngạc nhiên vì điều này, một cậu tên Huy ngước lên giải thích: “Ở Hà Nội chẳng thiếu gì chỗ sửa xe minsk, nhưng thỉnh thoảng chủ nhật bọn em vẫn chạy lên đây. Xa gần trăm cây số, nhưng vừa được anh Thức sửa xe giúp, vừa được học cách sửa xe. Chơi minsk mà không biết tí gì về xe để tự xoay trở, lúc nó hỏng trên đường dài là “đứt” luôn anh ạ!”.
Thức được anh em chơi minsk biết đến trên các diễn đàn từ cách đây khá lâu. Không phải chỉ vì anh có một tay nghề sửa chữa giỏi mà vì đến với Thức, anh em được học hỏi, được chia sẻ kĩ thuật và được yêu minsk hết mình. Thức đến với minsk cũng thật tình cờ. Anh quyết định “tậu” cho mình một chiếc “minsk khù khờ” cũng chỉ vì trông nó bụi phủi, đơn giản giống mình. Hơn nữa, kiếm một chiếc xe vừa khỏe, vừa có giá thành rẻ để chạy đường dài thì lựa chọn Minsk là hợp lí nhất đối với Thức lúc đó.
Lúc đầu chạy Minsk, Thức còn thừa nhận có lúc cảm thấy xấu hổ với bạn vì xe mình vừa cũ, vừa kêu to lại còn nhiều khói. Nhưng càng chạy, lại càng thấy thích minsk, thích vì sự đặc biệt của nó, vì cái cá tính, cái sở thích của mình được thoải mái thể hiện trên chiếc xe. Bạn bè cũng thường xuyên trưng dụng chiếc minsk của Thức vào mỗi dịp lượt phượt cuối tuần.
Anh em chơi Minsk đến với Thức để được học cách sửa xe |
Tuy nhiên, theo Thức, “thú chơi nào cũng lắm công phu”, xe minsk cũng giống với những loại “đồ cổ hai kì” khác, rất hay hỏng vặt và “nhiều bệnh dở hơi”. Gì chứ chuyện đẩy xe minsk vài cây số vì hết xăng hay đứt côn là chuyện thường tình. “Nếu xe cứ hỏng một tí mà lại mang ra thợ thì cũng thật bất tiện, mà thợ chuyên sửa Minsk ở Hà Nội thì không nhiều”, nghĩ vậy, anh mày mò lên mạng tìm hiểu về cấu tạo, về bệnh thường gặp của xe minsk. Cứ rảnh là Thức lại ra mấy bác thợ minsk để học hỏi.
Càng hiểu về minsk, Thức lại càng thấy yêu nó hơn. minsk có nhiều bệnh nhưng đều là bệnh dễ sửa, và nếu mình hiểu nó, việc chơi minsk sẽ không là sự vất vả nữa. Thức khẳng định, chơi xe minsk, 50% chiếc xe chạy ngon lành nhờ thợ sửa chữa, 50% còn lại phụ thuộc vào chính người sử dụng. Với Thức, yêu minsk còn là sự chia sẻ và nhân rộng đam mê với người khác. Vì thế, đó cũng là lí do Thức thường mời anh em về nhà, giúp họ sửa nhưng đồng thời cũng dạy họ sửa xe, và đó cũng là lí do anh quyết định mua xe cũ về “dọn” lại, cung cấp xe cho anh em mê minsk.
Chia sở thích, nhân đam mê
Thức đến với công việc “dọn” minsk cũng tình cờ như khi anh mua chiếc xe minsk đầu tiên. Nghe cậu em trai kể, cách thành phố Bắc Giang không xa có một điểm chuyên thu mua minsk sắt vụn ở khắp các tỉnh thành phía Bắc về bán lại, Thức quyết định mua một “chú” về dọn lại. Đã hiểu minsk, có kiến thức cơ bản về minsk, không có cớ gì để không tự làm một chiếc xe theo ý mình.
Những chiếc xe Minsk sắt vụn như thế này sẽ được dọn lại như mới |
Nghĩ là làm, Thức và em trai mua xe cũ về, “dọn” thành một chiếc xe mới coóng đúng theo nguyên bản. Khoa, em trai Thức, vốn là thợ sửa chữa ôtô nên nắm khá rõ về nguyên lí kĩ thuật. Khoa phụ trách phần bổ máy, làm lại hơi, khung sườn. Thức, ngoài giờ làm, tiếp tục mày mò trên mạng, tìm hiểu các công đoạn dựng lại một chiếc minsk hoàn chỉnh. Vật vã cả tháng trời, cuối cùng thì “đứa con đầu lòng” của hai anh em cũng ra đời. Thức chạy xe xuống Hà Nội khoe xe và xin ý kiến góp ý của anh em. Chiếc xe là sản phẩm thành công ngoài sự mong đợi.
Tiếng lành đồn xa, Thức liên tục nhận được đơn đặt hàng từ anh em yêu minsk, người nhờ sửa, người nhờ tìm minsk cũ dựng lại. Công việc và niềm đam mê cứ cuốn đi, sau hai năm, hai anh em đã trở thành dân “dọn” minsk chuyên nghiệp. Anh em đã, đang và chưa từng chơi minsk đến với Thức nhiều hơn nhờ cách làm tỉ mỉ, cẩn thận và hết lòng vì chiếc xe. Mỗi một chiếc xe dựng lại, Thức đều ghi lại nhật kí làm xe. Mỗi một chiếc xe là một điều đáng nhớ, là ý tưởng, tâm huyết và mồ hôi công sức của hai anh em.
Thức cho biết, việc dựng lại một chiếc xe từ đống sắt vụn không hề dễ dàng chút nào. Để có được một chiếc xe trông như mới và có thể vận hành ngon lành là cả một quá trình. Thêm vào đó, phụ tùng minsk rất khó tìm, có khi phải “bổ” đến hai, ba con xe mới dọn được thành một chiếc xe cho ra hồn.
Công đoạn đầu tiên của quá trình “dọn” xe là bổ xác xe cũ. Những phụ tùng dùng được, nhỏ nhất là một con ốc, đều được giữ lại. Sau khi đã gom đủ phụ tùng, việc nhất thiết phải làm là lên cốt cho máy, doa xilanh, ép lại biên, sơn lại các bộ phận khung vỏ theo ý của chủ xe… Tiếp đó là công đoạn ráp máy, lên khung, chỉnh bi, côn, phanh, đấu nối hệ thống điện bán dẫn. Theo Thức, khó nhất là khâu ráp máy và lên khung, phải làm thật cẩn thận và tỉ mỉ. Đôi khi, chỉ một chi tiết nhỏ như vòng bi thay thế không khớp cũng khiến hai anh em mất rất nhiều thời gian và công sức tìm cách khắc phục và thay thế.
Một trong các công đoạn dọn Minsk là sơn lại phần khung, vỏ |
Mất công là thế, nhưng cả Thức và Khoa đều không coi việc làm minsk với mục đích thương mại. Tất cả là vì sở thích với minsk, vì máu kĩ thuật và vì anh em chơi minsk. Số tiền thu được cho đến khi giao xe cho anh em chẳng đáng là bao vì giá trị một chiếc xe minsk “dọn” lại là không lớn. Đều đã có công việc ổn định, nên Thức và Khoa chỉ coi việc làm minsk như một thú chơi phục vụ cho sở thích. Với họ, thêm một chiếc xe được dựng lại là có thêm một người yêu minsk, thêm một thành viên chơi minsk. Cái được lớn nhất của họ là sở thích được chia sẻ và niềm đam mê được nhân lên.
Cả nhà yêu minsk
Việc Thức và Khoa biến nhà mình thành xưởng độ minsk nếu không được sự ủng hộ từ phía gia đình, có lẽ hai anh em cũng không có cơ hội để nuôi đủ niềm đam mê. Ông Nguyễn Phi Thường, bố của Thức và Khoa tâm sự: “Khi thấy hai đứa lôi mấy cục sắt vụn về chọc ngoáy, tôi đã không hiểu nổi suy nghĩ của chúng. Thời buổi này, người đi minsk đã bị cho là không bình thường rồi, người sửa minsk người ta còn nghĩ sao nữa. Nhưng, thật tâm tôi thì vẫn tôn trọng quyết định của bọn trẻ. Đúng là chúng lây bệnh thích minsk của tôi rồi”.
Ông Thường kể, ông đã chạy minsk đến cả hơn chục năm, từ những năm 1979 đến 1993. Cũng đã từng có thời kì, chiếc xe minsk giúp ông nuôi các con khôn lớn nhờ nghề chạy xe ôm. Những năm tháng gắn bó với xe minsk, ông Thường cũng đều mày mò tự sửa xe. Chính vì thế mà khi Thức “bén” duyên với minsk, anh cũng đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm sử dụng xe minsk của bố mình.
Căn nhà trở thành một xưởng sửa xe nhỏ |
Kể từ khi nhận “dọn” minsk cho anh em, thứ 7, chủ nhật nào nhà Thức ở Bắc Giang cũng rộn ràng tiếng động cơ, nhà cửa góc nào cũng đầy dầu mỡ. Những người như mẹ Thức, em gái Thức thành ra cũng phải sống chung với cái xưởng ngổn ngang phụ tùng. Cũng giống như ông Thường, người mẹ của Thức cũng vì đam mê của các con mà không hề phàn nàn về những sự phiền toái. Bà kể: “Hai anh em nó cứ về đến nhà là xe với cộ. Mải làm xe đến quên cả ăn, mà có ăn thì cũng ăn vội vàng rồi lại buông đũa, lao đến mấy cái xe. Sốt ruột thì có sốt ruột thật nhưng thà chúng nó nghiện xe còn hơn nghiện những thứ khác”.
Cũng kể từ khi nhận “dọn” minsk cho anh em, Thức gần như không có thứ 7, chủ nhật cho vợ con. Đang công tác tại Hà Nội nhưng cứ ngày nghỉ là anh lại chạy về quê tranh thủ “sống” với minsk. Thức thừa nhận: “Mình đã có gia đình, thực sự nếu vợ mình mà không hiểu, không thông cảm cho sở thích có vẻ hơi ích kỉ của mình, có lẽ hai vợ chồng đã không sống nổi với nhau. Cũng đã có lúc cô ấy ghen với minsk, nhưng cuối cùng thì cũng vẫn phải chấp nhận chia sẻ tình cảm vì thấy mình mê minsk quá”.
Đàn ông với xe là vậy. Đôi khi vẫn nảy sinh những tình yêu, những thứ tình cảm thật khó lí giải. Ở đây, “mối tình” giữa Thức và chiếc xe Minsk là một trường hợp như thế.