Phó chủ tịch Thường trực UBND quận Kiến An Hoàng Công Nhiên cho biết: Lễ hội văn hoá, ẩm thực, thương mại Kiến An không xuất phát từ lễ hội dân gian truyền thống nhưng có được bản sắc riêng. Lễ hội có sự gắn kết hoạt động ý nghĩa tín ngưỡng, dân gian truyền thống với hoạt động hiện đại. Tiếp nối thành công của các năm trước, lễ hội văn hoá, ẩm thực, thương mại Kiến An Xuân 2011 diễn ra trong 4 ngày từ 11 đến 15-2 (tức mồng 9 đến 13 tháng Giêng âm lịch) với nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ sinh động hấp dẫn như liên hoan văn hoá ẩm thực, văn nghệ, thể thao…
Núi Thiên Văn Kiến An nhìn từ núi Đấu. |
Hoạt động trung tâm của lễ hội là hội chợ thương mại, ẩm thực tổ chức ở Công viên hồ Hạnh Phúc. Hội chợ năm nay có sự tham gia hơn 140 gian hàng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong nước, trong đó có 100 gian hàng thương mại và 40 gian hàng ẩm thực. Đến hội chợ, du khách có cơ hội được thưởng thức những món ăn đặc trưng của Kiến An, bánh đa cua, ốc hầm thuốc bắc, xôi chim,…; được tham quan tìm hiểu, mua sắm nhiều mặt hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dệt may, đồ điện tử, điện lạnh, nông sản, thực phẩm,…Đặc biệt, các buổi tối tại khu vực sân khấu trung tâm của hội chợ có các chương trình biểu diễn văn nghệ, thời trang, tấu hài. Các chương trình biểu diễn có sự tham gia của các diễn viên chuyên nghiệp, không chuyên đến từ các đoàn nghệ thuật trung ương, thành phố.
Không gian lễ hội được trải rộng từ khu vực trung tâm quận đến đồi Thiên Văn và nhiều lễ hội của các đình, đền, chùa trong quận. Trong những ngày lễ hội, tại các sân đấu trên đồi Thiên Văn có các giải thi đấu giao hữu thể thao, như đi bộ lên núi của các cụ cao tuổi, giải bóng chuyền nam mở rộng. Quận tổ chức thi đấu giao hữu cầu lông giữa các phòng, ban, đơn vị, các phường để cổ vũ phong trào thể thao quần chúng ngày càng phát triển. Lễ hội còn có hoạt động ý nghĩa tâm linh, dân gian. Từ xa xưa, với Kiến An công chúa Chiêu Chinh được xem như là vị thành hoàng, nhiều đình, đền, chùa thờ cúng bà như đền Kha Lâm (phường Nam Sơn), đền Tây Sơn (phường Trần Thành Ngọ), đền Kiến Vũ, đền Tứ Phủ (phường Bắc Sơn)… Lễ hội cũng là dịp giỗ công chúa Chiêu Chinh, nhiều đình, đền tổ chức dâng hương tế lễ. Ngoài ra với tập hợp hơn 300 ngôi đình, đền, chùa, quận Kiến An có lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, tín ngưỡng.
Lễ hội văn hóa, ẩm thực, thương mại là dịp để Kiến An tiếp thị, quảng bá rộng rãi hơn về tiềm năng, lợi thế của mình, qua đó đẩy mạnh thu hút đầu tư. Bởi ở mỗi hoạt động của lễ hội đều giới thiệu những nét đặc trưng của vùng đất Kiến An. Hội chợ ẩm thực là dịp để người dân giới thiệu về những món ăn, món ngon đặc sắc của địa phương mình. Các hoạt động văn hóa tâm linh, tín ngưỡng giúp mỗi người dân, du khách hiểu hơn tiềm năng, truyền thống về vùng đất, con người Kiến An. Điều đó được khẳng định qua số doanh nghiệp, gian hàng đăng ký tham dự mỗi kỳ lễ hội lại nhiều thêm. Hội chợ năm 2010 tăng 10 gian hàng so với năm 2009. Năm nay có khoảng 150 gian hàng thương mại, ẩm thực, tăng 20 gian hàng so với năm trước.
Nguyên Mai