Cuộc đời và sự nghiệp của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn gắn liền với cuộc kháng chiến 3 lần chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII. Với tri thức quân sự uyên bác và tư tưởng đoàn kết giai cấp, dân tộc tiến bộ, Trần Hưng Đạo đã đưa khoa học và nghệ thuật quân sự nước Đại Việt thời Trần đạt tới đỉnh cao về "võ công, văn trị", tạo nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp giữ nước, dựng nước. Lễ hội Trần được tổ chức vào ngày 20-8 âm lịch hàng năm, để tưởng nhớ ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng đạo và công lao của các vị vua Trần trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII trên quê hương Nam Định, là lễ hội giàu ý nghĩa nhân văn, trở thành một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, tâm linh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.
ĐỨC THÁNH TRẦN TRONG TÂM THỨC DÂN TỘC
Nghi thức rước tại Đền Thiên Trường.
Ảnh: Thu Hà
|
Là bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, văn võ song toàn, Trần Hưng Đạo từ một vị tướng trong lịch sử bước vào thế giới tâm linh, tâm thức dân tộc. Nhân dân tôn thờ, suy tôn Người là bậc "Thánh", thường gọi là "Đức Thánh Trần", "Đức Thánh Cha". Điều kỳ diệu trong 3 lần đại phá quân Nguyên - Mông, Trần Hưng Đạo và các vị vua Trần đã phát huy nội lực của đoàn kết dân tộc, làm nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc. Điểm cốt lõi trong tư tưởng đoàn kết của Anh hùng Trần Hưng Đạo là tập trung xây dựng mối quan hệ gắn bó, tương thân, tương ái "Vua tôi đồng tâm, anh em hoà mục, cả nước góp sức…, trên dưới đồng lòng, lòng dân không lìa". Trong tác phẩm "Binh thư yếu lược", tư tưởng này đã được Trần Hưng Đạo đề cập cụ thể, sâu sắc, có tác dụng tích cực đến sự nghiệp dựng nước và giữ nước: "Hoà mục có công hiệu rất lớn cho cuộc trị an. Hoà ở trong nước thì ít phải dụng binh, hoà ở ngoại biên thì không sợ bạo động. Vua tôi hoà mục thì dụng được người tài; tướng sỹ hoà mục thì trong lúc thưởng sẽ nhường nhịn nhau, gặp nguy nan sẽ giúp nhau. Đó, hoà mục là đạo rất hay cho việc trị nước, hành binh không thay đổi được".
Chủ nghĩa anh hùng và chủ nghĩa yêu nước vốn là truyền thống quý báu của dân tộc và nhân dân ta. Nhưng để tạo nên khối đoàn kết dân tộc "Quốc gia tích lực" (cả nước góp sức) thì không phải thời đại và vương triều phong kiến trong lịch sử cũng tạo ra được. Qua đó, mới thấy hết giá trị to lớn trong tư tưởng đoàn kết của Hưng Đạo Đại vương khi Người luận giải: "Vua tôi đồng tâm, anh em hoà mục", tạo nên sức mạnh hào khí Đông A của nước Đại Việt thời Trần. Bên cạnh đó, trong kế sách giữ nước, dựng nước của Trần Hưng Đạo còn thấy quan điểm tiến bộ về bồi dưỡng sức dân, xây dựng nguồn mạch giữ nước từ trong lòng nhân dân. Trong vòng 30 năm, 3 lần chỉ huy toàn quân đánh giặc, Trần Hưng Đạo luôn tâm niệm: Cố kết lòng dân, tăng cường sức dân, tranh thủ sự đồng tình của nhân dân là "kế sâu rễ bền gốc", là điều kiện tiên quyết để chiến thắng quân thù và sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong bối cảnh Tổ quốc luôn bị đe doạ trước âm mưu xâm lược của đế chế Nguyên - Mông hùng mạnh, thì tư tưởng "lấy dân làm gốc" của Trần Hưng Đạo là một tư tưởng tiên tiến. Sau chiến thắng quân Nguyên, vua Trần Nhân Tông có ý định xây lại kinh thành Thăng Long, Trần Hưng Đạo đã can và khuyên rằng: "Việc sửa chữa thành không cần kíp lắm. Việc cần kíp của triều đình cần phải làm ngay là quan tâm đến nhân dân, tuỳ tình hình nặng nhẹ mà cứu tế. Có như thế dân mới nức lòng, càng quy hướng về triều đình hơn nữa. Người xưa nói "Chúng chí thành thành" (ý chí của quần chúng là bức tường kiên cố) đó mới là cái cần để sửa nguy". Vua Trần Nhân Tông cho phải và tạm định việc xây thành, miễn thuế cho dân 3 năm.
Quan điểm "Khoan thư sức dân" cũng là quan điểm chung của vương triều Trần và giới quý tộc tiến bộ. Với những chính sách mở cửa "Ngụ binh ư nông", nhà nước phong kiến Đại Việt thời Trần đã cố kết được dân tộc, đoàn kết toàn dân, tập hợp được đông đảo nhân lực cho sự nghiệp chung, đặc biệt khi đất nước có giặc ngoại xâm.
XỨNG TẦM LỄ HỘI CẤP QUỐC GIA
Hơn 10 năm trở lại đây, lễ hội Trần đã trở thành một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, tâm linh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. Về Thành Nam dự lễ hội Trần, du khách không chỉ thoả mãn ước nguyện cầu lộc, cầu may, cầu phúc, bên cạnh đó, còn được "mục sở thị" vẻ đẹp cổ kính, độc đáo của quần thể Khu di tích Lịch sử - Văn hoá Trần. Đó là những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể từ công trình kiến trúc, di vật, hệ thống chân tảng đá, đồ gạch ngói, gốm sứ hay nền móng của cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa xưa dần phát lộ qua những cuộc thăm dò và khai quật khảo cổ học. Cùng với lễ hội Khai ấn đầu xuân, lễ hội Trần ngày càng được tổ chức với quy mô lớn, số lượng du khách ngày càng đông. Lễ hội Trần đã thực hiện đúng mục đích, ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông ta, đặc biệt là thời Trần; thu hút và quảng bá nét đẹp văn hoá của quê hương Nam Định đối với khách trong nước và quốc tế. Để chuẩn bị cho lễ hội Trần 2010, Ban Tổ chức đã phân công nhiệm vụ, giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị triển khai các biện pháp an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, huy động các lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ làm nhiệm vụ tại các tuyến phòng thủ và các điểm chốt. Ban Tổ chức có những đổi mới trong công tác phân luồng giao thông, trông coi phương tiện, tổ chức dịch vụ, vệ sinh môi trường, công tác an ninh, y tế, phòng cháy chữa cháy. Năm nay, hai bãi xe (chứa khoảng 3000 ô tô) thuộc Dự án xây dựng công viên văn hoá Trần được đưa vào sử dụng góp phần giảm bớt tình trạng ách tắc giao thông. UBND phường Lộc Vượng và các đoàn thể được giao việc trông giữ phương tiện đã thực hiện tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn, đúng giá Nhà nước quy định. Với sự "vào cuộc" tích cực của các cấp, các ngành, các đơn vị hữu quan, lễ hội Trần 2010 diễn ra đúng nghi thức truyền thống, tổ chức theo quy chế lễ hội hiện hành, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách.
Về dự lễ hội Trần, du khách không chỉ "mục sở thị" hệ thống quần thể di tích kiến trúc văn hoá Trần mà còn được thưởng thức những hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian như: múa Bài Bông, múa lân, múa sư tử, hát chèo, chọi gà, đấu vật, tổ tôm điếm… Trong tâm thức tâm linh của mỗi người dân đất Việt, về với quê hương Đức Thánh Trần với ý nguyện tự gột rửa, hướng về cái thiện, cầu ban phúc lành cho cá nhân và gia đình. Quần thể di tích văn hoá Trần cùng với lễ hội Trần là những trang sử nuôi dưỡng truyền thống yêu nước hào hùng; là nơi hội tụ những nét đẹp tinh hoa văn hoá dân tộc có ý nghĩa nền tảng để sáng tạo nên những giá trị văn hoá mới "tiên tiến đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc" trong sự nghiệp CNH, HĐH phát triển đất nước./.
Việt Thắng