[links()] Vẫn còn cảnh "chặt chém" khách thập phương với những mức giá dịch vụ "trên trời", tuy nhiên, với những cải tiến mới về kịch bản cũng như sự tăng cường lực lượng an ninh, Lễ hội đền Trần năm nay đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Chặt chém “tới bến”
Khi mới đặt chân xuống đền Trần, ấn tượng ban đầu của du khách chính là sự hỗn tạp với những hình ảnh nhem nhuốc, với vô số hàng quán đủ chủng loại hàng hóa phần nào lấn át đi không gian linh thiêng, nghiêm trang của ngôi đền thờ tri ân công đức 14 vị vua Trần.
Hàng quán vẫn mọc nhan nhản và "chặt chém" tới bến |
Không khác gì các nơi khác, với những món ăn “đặc trưng” như mỳ, bún, phở. Tuy nhiên, giá cả ở đây thì “sốc” hơn một số lễ hội khác. Một bát phở, mỳ ăn liền được bổ sung thêm vài miếng thịt mỏng được bán với giá 50 ngàn đồng. Trứng gà, trứng vịt luộc được bán với giá đồng hạng 10 ngàn đồng/1 quả.
Chính vì giá cả quá đắt đỏ nên không ít cảnh khách hàng đã lời qua tiếng lại giữa khách và người bán hàng, làm lễ hội thêm phần hỗn tạp, huyên náo.
Chị Trần Thị Lưu Ba (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Chặt chém thế, dù không muốn thì vẫn phải cố mà ăn. Chắc vì mỗi năm mới có một lần lễ hội nên người dân ở đây tranh thủ “chặt chém”...tới bến”.
Tăng vài chục nghìn với hàng ăn còn cố mà chấp nhận. Nhưng khi nhắc đến giá xe ôm thì thật là kinh hoàng. Đây có lẽ là lực lượng ăn theo thu lợi nhanh nhất.
Với việc cấm xe taxi hoạt động quanh khu vực đền, “đội quân” xe ôm mặc sức “hét” giá. Theo thông tin, bình thường, với mỗi cây số xe ôm ở đây lấy khoảng 4 ngàn. Nhưng vào mấy ngày lễ, 50 ngàn cho một đoạn ngắn vài ba cây số là chuyện bình thường.
“Khách nhiều, phải huy động anh em, họ hàng ra làm cùng tranh thủ kiếm thêm. Thế mà vẫn chở khách không xuể”, một người xe ôm trước cửa đền Trần cho biết.
Cảnh tượng đau lòng khi những đứa trẻ đội rét đi ăn xin |
Như các lễ hội khác, dịch vụ trông xe ở đền Trần cũng “nhảy” giá chóng mặt. Giá giao động từ 150 nghìn đến 400 nghìn tùy thuộc vào chủng loại xe ô tô. Xe máy được thu đồng hạng 20 nghìn/ xe.
Chặt chém là một chuyện, nhưng buồn nhất chính là vấn nạn ăn xin. Đường vào đền, cứ cách 2m lại là hình ảnh một người ăn xin nằm, ngồi vạ vật ngay dưới lòng đường.
Đau lòng nhất, có lẽ là hình ảnh những đứa bé mới 2 đến 3 tuổi, trong thời tiết lạnh giá cộng mưa phùn được bố mẹ đặt ngay giữa lòng đường để làm “nhiệm vụ” xin tiền. Lâu lâu, lại thấy ông bố, bà mẹ đó quay lại thu gom tiền để rồi lại “tất tả” chạy về cổng đền, dùng số tiền đó trong dịch vụ đổi tiền lẻ cho du khách.
Hết cảnh cướp ấn
Nếu như trước thềm lễ hội, UBND tỉnh Nam Định đã quán triệt nhiều phương án, lên nhiều kế hoạch để đền Trần có mùa lễ hội lành mạnh, đúng nghĩa nhưng vẫn chưa khắc phục được những vấn nạn ăn xin, chắt chém diễn ra quanh khu vực đền.
Đêm rước kiệu ấn, ban tổ chức đã mở đến 13 lớp rào chắn ngay trước cổng đền và không cho người dân trực tiếp tham gia vào lễ, tuy nhiên, nạn ùn tắc vẫn diễn ra vì dòng người đổ về đền Trần quá đông.
Hàng rào an ninh đã được thiết lập chặt chẽ |
Rất may, trong lễ phát ấn, cảnh tượng chen lấn đã không tái diễn như mọi năm. Việc có đến 4 điểm phát ấn, cộng với việc khá kiên quyết của lực lượng an ninh đã làm triệt để tình trạng này.
Chỉ sau 1 tiếng đồng hồ phát ấn, hầu hết những người tham gia lễ hội đều đã nhận được những tờ ấn cho riêng mình.
Thông báo ban đầu, mỗi người chỉ được nhận tối đa hai lá ấn và người phát ấn không được nhận tiền trực tiếp từ người xin ấn. Tuy nhiên, tại lễ phát ấn đã xuất hiện một mức giá 20 nghìn/1 lá ấn cho vào hòm công đức. Điều đó đồng nghĩa với việc cho càng nhiều tiền sẽ càng nhận được nhiều ấn.
Lễ hội năm nay được coi là một bước tiến mới trong công tác chuẩn bị của lễ hội đền Trần |
Không khó, để nhận thấy khá nhiều người dân, đặc biệt là người dân bản địa cầm trên tay cả một tập ấn. Và rất có khả năng, đây sẽ là một món hàng “béo bở” được bán trong những ngày sắp tới.
Sự khác biệt đã dần được thay đổi, với nhiều tín hiệu đáng mừng ở lễ hội đền Trần năm nay, tuy vẫn còn đó những cảnh tượng đáng buồn. Nhưng nếu so sánh với những cảnh tượng kinh hoàng diễn ra trong những năm trước thì đây được coi là một bước tiến mới trong công tác chuẩn bị của lễ hội đền Trần.
Hy vọng, với kịch bản mới này, đền Trần sẽ có một bộ mặt tươi mới, dần khắc phục được những vấn nạn để lại sự linh thiêng, tri ân công đức 14 vị vua nhà Trần.
Ông Nguyễn Minh Thắng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Nam Định cho biết: “Năm nay, tỉnh đã quán triệt rõ ràng và cân nhắc khá kỹ lưỡng danh sách những người được vào tham gia lễ rước ấn tối 5.2 để đảm bảo có một nghi lễ rước ấn đúng nghi lễ truyền thống, cũng như hạn chế thấp nhất tình trạng chen lấn, xô đẩy làm mất đi mỹ quan của lễ hội đền Trần”. Theo ông Nguyễn Xuân Hoạt, Trưởng Ban quản lý đền Trần (Nam Định): “Việc không còn nạn chen lấn, xô đẩy trong ngày phát ấn là một tín hiệu vui của lễ hội đền Trần. Đây sẽ mô hình để đền Trần tiếp tục sử dụng trong những năm sắp tới. Bên canh đó, chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa để khắc phục những vấn nạn “đáng buồn” thường xảy ra trong những ngày lễ hội”. |
Hoàng Phan