Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn tranh giải Báo Hải Phòng được tổ chức hằng năm với quy mô ngày càng lớn. Trưởng ban tổ chức lễ hội, Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Hoàng Trung Hiếu trò chuyện với phóng viên Báo Hải Phòng về ý nghĩa sự kiện; công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh, trật tự… vì thành công cho lễ hội.
- Lễ hội chọi trâu năm nay có ý nghĩa và tầm vóc như thế nào, thưa ông?
- Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có cách đây hàng trăm năm, là một trong những lễ hội lớn cấp quốc gia. Có thể nói, Hội chọi trâu thấm vào máu của người dân Đồ Sơn, là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng, ý chí và khát vọng vươn lên của người dân miền biển, thể hiện nét văn hoá độc đáo, tinh thần thượng võ, tính nhân văn sâu sắc.
Đây là năm thứ 21 khôi phục và phát triển lễ hội. Quận Đồ Sơn tiếp tục phối hợp với Báo Hải Phòng, Đài PTTH Hải Phòng, nhà tài trợ chính Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng và đồng tài trợ Viễn thông Hải Phòng tổ chức lễ hội chọi trâu truyền thống tranh giải Báo Hải Phòng. Các chủ trâu đầu tư công sức, vật chất tìm mua, chăm sóc, huấn luyện công phu, trải qua vòng đấu loại hấp dẫn nên chất lượng các trâu vòng chung kết được giới chuyên môn đánh giá cao. Truyền hình Hải Phòng tổ chức truyền hình trực tiếp vòng chung kết lễ hội với sự tài trợ đường truyền của Viễn thông Hải Phòng. Các nghi lễ dâng hương, rước nước linh thiêng theo phong tục truyền thống đã diễn ra thành công, trang trọng. Hy vọng, phần hội thật sự hấp dẫn với nhiều trận đấu hay giữa các “ông” trâu, tạo ra dấu ấn của ngày hội lớn. Mỗi năm, lễ hội thu hút hàng vạn người dân, du khách đến dự và xem các trận “đấu ngưu”. Đây chính là dịp quảng bá hình ảnh, nâng tầm du lịch Đồ Sơn trong mắt của du khách trong và ngoài nước. Người dân Đồ Sơn và Hải Phòng rất mong Hội chọi trâu Đồ Sơn sớm được công nhận chính thức là lễ hội cấp quốc gia.
Ông Hoàng Trung Hiếu |
- Nét mới của lễ hội chọi trâu năm nay là gì?
- Sau nhiều năm đúc rút kinh nghiệm, công tác tổ chức lễ hội năm nay được chi tiết hóa, cụ thể trách nhiệm từng phần việc nhỏ nhất. Trong đó, Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao quận là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm chính chuẩn bị cơ sở vật chất, điều hành tổ chức phần hội; tổ chức bán vé, bảo vệ lễ hội; giúp Trưởng ban tổ chức lễ hội điều hành, giải quyết các công việc liên quan đến lễ hội. Điều này góp phần chuyên nghiệp hóa công tác tổ chức, bảo đảm các điều kiện để lễ hội diễn ra thành công. Quận đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hai đường thoát trâu hình zíc zắc bằng bê tông kiên cố thay cột gỗ như trước đây, bảo đảm an toàn, bắt trâu dễ dàng, góp phần hạn chế tối đa thời gian gián đoạn giữa hai trận đấu. Đặc biệt, do các phường có nhiều chủ trâu đăng ký tham gia, ban tổ chức lễ hội của 4 phường tổ chức vòng loại cấp phường. Từ đó, chọn mỗi phường 4 trâu tham dự vòng loại nên chất lượng vòng loại cao hơn, đem lại hy vọng về một vòng chung kết kịch tính, nhiều kháp đấu bất ngờ. Tâm huyết, trách nhiệm lựa chọn, huấn luyện trâu kỳ công của các “trưởng giáp” là yếu tố nâng cao chất lượng, sức hút cho lễ hội năm nay.
- Vòng chung kết dự đoán có hàng vạn người xem, vậy công tác chuẩn bị, nhất là vấn đề an ninh được triển khai thế nào?
- Mọi công việc chuẩn bị được hoàn tất sớm, nhưng vẫn bổ sung những phương án cần thiết, sẵn sàng cho ngày hội thành công. Cơ sở vật chất; in ấn, phát hành vé xem; khu giết mổ tập trung; khu gửi xe, điều hành, hướng dẫn người dân vào dự hội đều có kế hoạch chi tiết và được giao cho từng đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm.
Một số trận vòng loại, trâu húc đổ hàng rào, lao vào khu vực người xem. Do vậy, vấn đề an ninh được ban tổ chức đặt lên hàng đầu. Sân vận động trung tâm quận, nơi diễn ra các kháp đấu chọi được cải tạo, nâng cấp. Hàng rào bảo vệ trong sân bãi được gia cố chắc chắn, dựng thêm nhiều thanh đỡ, bảo đảm an toàn cho người xem. Lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp với hàng chục người trực hai cửa thoát trâu, bảo đảm đường chạy thông thoáng khi trận đấu kết thúc. Mặt khác, Công an quận Đồ Sơn phối hợp với các đơn vị chức năng bảo đảm an ninh trong và ngoài sân bãi; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp in ấn, phát hành, bán các loại vé giả, giấy mời của ban tổ chức.
Với niềm tự hào, tình cảm và trách nhiệm, Ban tổ chức và các đơn vị chức năng đồng lòng góp sức, quyết tâm đem lại thành công cho ngày hội lớn. Mặt khác, chính sự bất ngờ của các kháp đấu, khó đoán ngôi vô địch thuộc về trâu nào đem lại sự hấp dẫn, cảm xúc thú vị cho người xem, làm nên sự độc đáo của lễ hội.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hứa hẹn những kháp đấu bất ngờ, gay cấn
Ông Lê Đình Cò, chủ trâu số 20 (phường Ngọc Hải):
Chọn trâu chọi: Bí quyết và may mắn
Trâu số 20 của tôi được mua từ Lào với giá 100 triệu đồng, sau thời gian luyện kỹ lưỡng, bài
bản, “ông” trâu sẵn sàng xung trận. Chiến thắng trong trận đấu hay nhất vòng loại vừa qua với trâu số 22 của ông Lưu Đình Hiếu, nhiều người nghĩ tôi có bí quyết chọn và luyện trâu chọi. Điều đó đúng một phần song ngoài nhiệt huyết, hiểu biết, cần may mắn, có duyên để tìm được trâu ưng ý. Trâu của tôi có ưu điểm là cực lỳ, cung sừng đẹp nên thường đánh đối phương vào gần mặt. “Ông” đánh không giật ra mà luôn ghịt đầu, ghì sát mắt đối thủ. Sau 10 năm có trâu tham gia lễ hội, tôi nghiệm thấy trâu có mắt màu nâu, hột và mi dầy. Trâu phải thanh mặt; cặp sừng đẹp, cung sừng 80 phân, vòng sừng hai đầu khoảng từ 50 đến 60 phân. Có 4 khoáy chung, “tiền leo, hậu lũi”; “trường đùi, ngắn quản”. Trâu lì thường có mi mắt dầy, tai bé sát sừng, da nâu đen, một khoáy (độc khoáy)./.
Ông Nguyễn Văn Trọng, chủ trâu số 05 (phường Minh Đức):
Nhiều “ông” trâu rất mạnh
Phường Minh Đức sáp nhập quận Đồ Sơn cách đây 3 năm và cũng là thời điểm chúng tôi được tham gia lễ hội. Năm trước tôi mua 8 trâu, nhưng chỉ có một ‘ông” trâu được tham gia vòng chung kết và giành giải nhì. Đó là niềm khích lệ rất lớn đối với người dân hai phường mới Minh Đức, Hợp Đức. Tôi nghĩ, mỗi người có trâu tham gia lễ hội đều xác định bằng cái tâm của người đam mê, yêu mến lễ hội truyền thống. Khi được mang danh chủ trâu thì hết lòng vì lễ hội, được giải thì càng hạnh phúc, nhưng trước hết việc tham gia lễ hội phải bằng thực tâm để có được may mắn và niềm vui trong cuộc sống. Có lẽ các chủ trâu đều quan niệm như vậy và cống hiến cho lễ hội các “ông” trâu có chất lượng.
Bảng thi đấu vòng chung kết năm nay có nhiều “ông” trâu rất mạnh, như trâu số 21 của ông Đinh Đình Ngọc (Ngọc Hải) với biệt danh “mắt chột”; trâu số 20 của ông Lê Đình Cò (Ngọc Hải) từng có trận đấu hay nhất vòng loại; trâu số 28 của ông Lương Duy Khắc (Ngọc Xuyên). Trâu số 05 của tôi cũng được giới chuyên môn đánh giá cao và gặp trâu số 09 của ông Nguyễn Đình Doàn (Hợp Đức) được đánh giá là khá mạnh. Đây là cặp đấu cân tài, cân sức, nếu trâu nào thắng thì cơ hội đoạt giải rất cao./.
Ông Đinh Đình Ngọc, chủ trâu số 21 (phường Ngọc Hải):
Tự tin ở “ông” trâu “mắt chột”
Trâu số 21 của tôi với biệt danh “mắt chột” được nhiều người cho rằng đang sở hữu nhiều cái
nhất của các trâu dự vòng chung kết lễ hội năm 2010. Trâu có thể hình to nhất 21 năm nay kể từ khi khôi phục lễ hội, được mua từ Đắc Lắc với giá 115 triệu đồng, cao 1,62 m; dài 2,56 m; sừng cao 42 cm, rộng 47cm. Trâu có cặp sừng đẹp, cổ dài nên đánh rất “đa hệ” với nhiều miếng đòn hiểm. Các “ông” trâu dự vòng chung kết đều có cơ hội đoạt giải, nhất là những ông trâu thể hiện được bản lĩnh và có những trận đấu hay ở các vòng loại như các trâu số 20; 28; 09; 05… và rất nhiều trâu khác có thể làm nên bất ngờ. Nhưng tôi chăm sóc “ông” trâu này gần một năm nay, trải qua nhiều trận đấu từ khi chọn mua đến đấu thử khi chăm, đấu các vòng loại, nên rất tin tưởng ở khả năng đoạt giải tại vòng chung kết lễ hội./.
Ông Nguyễn Ngọc Chưng, chủ trâu số 31 (phường Ngọc Xuyên):
Ai cũng có cơ hội trở thành “trưởng giáp”
Gần đến ngày hội, vào mỗi buổi chiều, các chủ trâu và rất nhiều người dân tập trung đến xem “ông” trâu số 31 của gia đình tôi. Mọi người trao đổi kinh nghiệm chọn, chăm sóc và luyện trâu kèm theo những lời bình phẩm, chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu. Nhiều người nhận xét “ông” trâu này gan lỳ và thực tế trận đánh ở vòng loại cấp phường kéo dài 32 phút để chiến thắng đối thủ.
Là người quê ở Dũng Tiến (Vĩnh Bảo), nhưng 32 năm sinh sống và gắn bó với mảnh đất Đồ Sơn là chừng ấy thời gian tôi đam mê trâu chọi. May mắn cho tôi là năm nay, quận tổ chức đấu loại cấp phường, trâu tôi thắng liền hai trận và sau đó thắng cả trận vòng loại cấp quận để vinh dự có mặt ở vòng chung kết. Rõ ràng, để nâng cao chất lượng các trận đấu, cách làm này phù hợp và tạo cơ hội cho mọi người được trở thành “trưởng giáp” (chủ trâu). Hy vọng, “ông” trâu của tôi có thể làm nên điều bất ngờ tại vòng chung kết, cống hiến những miếng đánh hay và thể hiện “sở trường” là sự lỳ lợm, gan dạ./.