(HPĐT)- Ngày 14-1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tổ chức hội nghị lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự và dự án Luật phòng, chống mua bán người.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, một số đại biểu cho rằng, luật cần quy định rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền, quyền hạn trong cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự, Tòa án…khi có yêu cầu. Trong thực tế, việc lấy tài liệu, chứng cứ thường gặp khó khăn do người có thẩm quyền chưa làm hết trách nhiệm của mình, gây khó khăn cho quá trình điều tra, thu thập chứng cứ. Do đó, luật ghi rõ đó là đối tượng nào, cung cấp đến mức nào, trách nhiệm trước pháp luật nếu không làm đúng trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật. Nhiều đại biểu cho rằng, dự án luật bổ sung quy định: “Trong quá trình xét xử vụ án dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự” là không phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến thiếu thống nhất trong hoạt động của cơ quan tư pháp và hành pháp, có thể dẫn đến mâu thuẫn trong phối hợp…Một số đại biểu cũng cho rằng, luật không nên quy đinh cụ thể 12 tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án vì trong thực tế, nếu có trường hợp khác thì Tòa án không thể xử dù đó là lĩnh vực tố tụng dân sự…
Về dự án Luật Phòng, chống mua bán người, một số đại biểu đề nghị giải thích rõ khái niệm “buôn bán người” vì đến nay vẫn chưa rõ nội hàm của khái niệm, gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng, khi hành vi buôn bán người ngày càng tinh vi, phức tạp. Để tăng tính khả thi của luật, cần quy định rõ cơ chế đối với nhân chứng như cơ chế bảo vệ, hỗ trợ để khuyến khích người dân tích cực tham gia tố giác tội phạm. Đồng thời, cần quy định rõ nghiêm cấm việc bao che, không tố giác hành vi buôn bán người, cũng như trách nhiệm bồi thường, xin lỗi khi xảy ra oan sai. Một số ý kiến đề nghị quy định rõ cơ chế về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của hành vi buôn bán người, chế tài đối với những cá nhân, tập thể nhận được sự kêu gọi, cầu cứu, đề nghị hỗ trợ của nạn nhân nhưng không tham gia bảo vệ nạn nhân, tố giác tội phạm…