Hôm qua (12/12), trong khuôn khổ Dự án Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam, Bộ Tư pháp và Liên hợp quốc (LHQ) phối hợp tổ chức Diễn đàn Đối tác pháp luật năm 2012 với chủ đề “Tăng cường cải cách pháp luật và tư pháp tại Việt Nam”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Điều phối viên thường trú tại Việt Nam Pratibha Mehta tham dự và phát biểu khai mạc diễn đàn. Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên và Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam Louise Chamberlain đồng chủ trì diễn đàn.
Diễn đàn Đối tác pháp luật năm 2012 |
Yêu cầu khách quan trong xây dựng Nhà nước pháp quyền
Các đại biểu tham dự diễn đàn đã nghe đại diện Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương trình bày về tình hình thực hiện các nhiệm vụ CCTP năm 2012 và chương trình trọng tâm công tác CCTP giai đoạn 2012 – 2016.
Trong hơn 7 năm qua, cải cách tư pháp và pháp luật ở Việt Nam đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ. Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh hàng năm đã được thực hiện nghiêm túc, thể hiện qua việc một số lượng khá lớn văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, sửa đổi, bổ sung, góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội ngày càng đa dạng và có nhiều biến đổi. Nhiều chương trình, đề án cải cách tư pháp đã được xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả, trong đó có các đề án liên quan đến tổ chức và hoạt động của tòa án, cơ quan điều tra, phát triển đội ngũ luật sư đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại… |
Ông Nguyễn Tất Viễn - Ủy viên chuyên trách, Thường trực BCĐ – cho biết, cùng với việc hoàn thiện thể chế, BCĐ Trung ương đã tập trung chỉ đạo xây dựng, tiếp tục hoàn chỉnh một số đề án nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp như Đề án “Nghiên cứu việc chuyển VKS thành viện công tố”, Đề án “Tổ chức lại cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối”, Đề án “Chuẩn bị các điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để thực hiện việc chuyển giao tổ chức và công tác thi hành án cho Bộ Tư pháp”; tích cực chỉ đạo triển khai chủ trương thành lập TAND sơ thẩm khu vực và VKSND khu vực…
Sau một năm nhìn lại, “mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc về thể chế và các điều kiện bảo đảm thực hiện, nhưng các nhiệm vụ CCTP nhìn chung tiếp tục khẳng định rằng CCTP là yêu cầu khách quan, cần thiết trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN” – ông Viễn đánh giá.
Vì vậy, theo ông Viễn, để tiến hành CCTP trong thời gian tới thì cần làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm như đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các luật về tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp và các luật khác có liên quan sau khi Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung; hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử, đảm bảo phát huy quyền dân chủ của nhân dân trong việc giám sát các hoạt động tư pháp; tăng cường đầu tư trang, thiết bị kỹ thuật hiện đại, phục vụ có hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án…
Diễn đàn còn thảo luận về một số thành tựu đạt được trong thực hiện Chiến lược CCTP ở ngành Tư pháp cũng như những thách thức mà ngành Tư pháp cần phải giải quyết nhằm ban hành và thực hiện các chương trình tổng thể, chương trình hàng năm để góp phần thực hiện thành công Chiến lược CCTP.
Nhiều hình thức lấy ý kiến nhân dân để sửa đổi Hiến pháp
Cũng tại diễn đàn lần này, Phó trưởng Ban thường trực Ban biên tập về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông đã chia sẻ những thông tin mới nhất về tiến trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992, những kết quả đã đạt được tính đến thời điểm này.
Đặc biệt, kế thừa kinh nghiệm xây dựng các bản Hiến pháp trước đây, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Theo đó, bản dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội sẽ được công bố rộng rãi để lấy ý kiến của tất cả các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương, bắt đầu từ ngày 2/1/2013 và kết thúc vào ngày 31/3/2013.
Hoan nghênh việc Quốc hội thông qua nghị quyết trên, bà Mehta nhận định, nghị quyết đã quy định khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho quá trình tham vấn ý kiến người dân đối với vấn đề sửa đổi Hiến pháp.
“Chúng tôi đánh giá cao vai trò chủ động và quan trọng của báo chí cũng như Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong quy trình tham vấn ý kiến. Chúng tôi đánh giá cao công tác nâng cao nhận thức và giáo dục người dân về những giá trị và tầm quan trọng của Hiến pháp, các đề xuất trong dự thảo và việc lắng nghe ý kiến của người dân”.
Trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân sao cho hiệu quả, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, ông Thông khẳng định, mặc dù còn những khó khăn nhưng bằng nhiều hình thức như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là internet; qua hệ thống chính trị được tổ chức tới cơ sở…, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ được đăng tải, in, cấp phát để người dân được tiếp cận và đóng góp ý kiến.
Trên cơ sở ý kiến của nhân dân và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ tập hợp, tổng hợp đầy đủ, giải trình, tiếp thu nghiêm túc và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6. “Còn quá sớm để nói rằng việc đó hiệu quả đến đâu nhưng chúng tôi cam kết rằng mọi ý kiến của nhân dân đều được lắng nghe, tiếp thu, giải trình” – ông Thông nhấn mạnh.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Đối tác pháp luật năm 2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, trong hơn bảy năm qua, cải cách tư pháp và pháp luật ở Việt Nam đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ trong việc thực hiện các Chiến lược về cải cách pháp luật (Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị) và Cải cách tư pháp (Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị), tuy cũng còn có những hạn chế, bất cập, là điểm yếu, "điểm nghẽn" cho sự phát triển đất nước. Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam nhận thấy để đẩy mạnh hơn nữa tiến trình hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp, ngoài quyết tâm về chính trị còn đòi hỏi phải có sự nhận thức đầy đủ, đầu tư lớn về thời gian, công sức và tài chính. Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng và đánh giá cao những tình cảm, sự hỗ trợ và hợp tác quy báu mà cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế đã dành cho Việt Nam trong thời gian vừa qua; đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa những chương trình, dự án trợ giúp quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, nhất là sự tư vấn, đối thoại chính sách từ các đối tác phát triển, những quốc gia đi trước trong quá trình phát triển kinh tế thị trường và hợp tác quốc tế. Bộ trưởng nhận định, “Diễn đàn Đối tác pháp luật với vai trò và vị thế là một thiết chế thường niên trong đối thoại phát triển của Việt Nam nói chung và cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam nói riêng sẽ góp phần thổi làn gió mới vào khuôn khổ và phương thức hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác nước ngoài”. Với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện công tác điều phối hợp tác pháp luật và tư pháp, “Bộ Tư pháp cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với Liên hợp quốc duy trì và phát triển Diễn đàn Đối tác pháp luật thành một kênh đối thoại cởi mở, trên tinh thần xây dựng vì sự phát triển, góp phần hỗ trợ việc hoạch định và thực hiên các chính sách phát triển, góp phần hỗ trợ việc hoạch định và thực hiện các chính sách phát triển của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, cũng như cung cấp thêm thông tin về những cơ hội kinh doanh và đầu tư ngày một mở rộng ở Việt Nam cho cộng đồng doanh nghiệp quốc tế” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định. |
H.Thư – H.Giang