Trước đề xuất của chuyên gia quốc tế về việc duy trì nòi giống cho “cụ” rùa Hồ Gươm với một cá thể rùa của Trung Quốc (hiện thế giới còn 4 cá thể rùa). GS.TSKH Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch hội Sinh thái học Việt Nam, cho rằng nếu muốn duy trì nòi giống để “cụ” rùa hồ Gươm có “hậu duệ” phải làm 2 việc trước tiên.
Thứ nhất, phải xem đây là “cụ” rùa đực hay cái. Sau đó, xác định thuộc loài nào rồi so sánh với với 3 con rùa còn lại trên thế giới. Nếu cùng loài nào thì nên “ghép đôi”.
Tuy nhiên, GS Yên cũng nhấn mạnh: “trong câu chuyện này không phải cứ muốn là làm được. Bởi nếu chỉ xét trong trường hợp là rùa sinh học, cũng giống như bất kỳ loài nào khác duy trì nòi giống là nên làm, đó là còn chưa kể đây là loài quý, hiếm. “cụ” rùa gắn với tâm linh của Hà Nội, của quốc gia, vì vậy hiện tại không có ý kiến gì” – GS Yên nói.
Nhưng nếu được bỏ phiếu, GS Yên cho biết sẽ bỏ phiếu cho việc duy trì nòi giống “cụ” rùa và đề xuất nên thử nghiệm trên cá thể rùa ở Đồng Mô trước với hai cá thể rùa ở Trung Quốc. “Nếu mọi việc tốt đẹp, sau đó mới tiến hành với cá thể rùa ở hồ Hoàn Kiếm”, ông Yên nói.
Rùa ở Đồng Mô (Ảnh: Timothy McCormack)
Việc xác định loài, giống của “cụ” rùa theo GS Yên và nhiều nhà khoa học cho rằng không khó. Tuy nhiên, do “cụ” vẫn ở dưới nước nên hiện chưa thể khẳng định. Nhiều nhà khoa học cũng nêu ý kiến, nên mời các nhà động vật nổi tiếng cùng tham gia vào việc định loài.
Theo ông Timothy McCormack, điều phối viên Chương trình bảo tồn rùa châu Á, không cần thiết phải tiến hành xác định ADN cho “cụ” rùa vì chỉ cần căn cứ vào hình dáng bên ngoài để xác định. Đối với loài động vật lớn như vậy thì phần phía sau của con đực lớn và dài hơn con cái rất nhiều.
Nếu cho “cụ” rùa ghép đôi với rùa cùng loại ở Trung Quốc thì cần tiến hành cẩn thận vì loại động vật thân mềm này có thể trở nên hung hãn. Việc bắt và vận chuyển con rùa lớn như vậy có thể gây ra rủi ro nên cần một đội chuyên gia đặc biệt thực hiện nhiệm vụ này.
Rùa là loài sống nhiều năm. Rùa ở Đồng Mô trông tương đối trẻ nên có khả năng đủ khỏe thực hiện nhiệm vụ sinh sản. “Tôi không chắc độ tuổi sinh sản nhiều nhất được biết đến trên thế giới là bao nhiêu, nhưng một số con rùa cạn khổng lồ Galapagos vẫn có thể sinh sản dù nhiều tuổi”, ông McComack nói.
Hai cá thể rùa được mai mềm cùng loại ở Trung Quốc đã sinh sản được 600 trứng trong 3 năm nhưng không trứng nào nở ra con. Việc ấp trứng không thành công do nhiều nguyên nhân. Nhóm nhà khoa học chịu trách nhiệm về vấn đề này có thể đã thử thay đổi nhiều yếu tố liên quan đến việc ấp trứng như nhiệt độ, độ ẩm... Những thử nghiệm này rất nhạy cảm và có thể gây ra rủi ro.
Nguồn: Báo Đất Việt