Muốn được các ngành chức năng công nhận là những đơn vị, tổ chức luôn tiên phong, hết mình vì cộng đồng qua việc làm từ thiện, những "Mạnh Thường quân" “rởm” đã dùng nhiều “chiêu trò” có toan tính để vừa có tiếng lại vừa có tiền.
Bất chấp thủ đoạn
Biết thông tin về bà Nguyễn Thị H. (SN 1968, ngụ quận 12, TP.HCM) - một mạnh thường quân luôn “giấu mặt”, âm thầm góp sức giúp đỡ cho nhiều cơ sở mái ấm nuôi trẻ mồ côi, trung tâm khuyết tật…, với một cái tâm trong sáng: “Nặng lòng yêu mến trẻ thơ”, một số doanh nghiệp, “mạnh thường quân” tìm đến bà, mong hợp tác lâu dài trong các dự án làm từ thiện. Họ không quên hướng dẫn bà những “chiêu” làm sao có tiếng thơm, còn có thêm tiền lại được chính quyền địa phương công nhận.
Một phụ nữ tên L., lãnh đạo của Công ty TNHH T.P, không ngại đường xá xa xôi, vào tận TP.HCM với mục đích muốn đồng hành cùng bà H. và một cơ sở mái ấm nơi bà H. từng làm mạnh thường quân, nhằm giúp các mảnh đời bất hạnh và kêu gọi các nhà tài trợ khác tiếp sức ủng hộ.
“Bà L. bật mí, sắp có dự án được tài trợ 20 triệu USD từ một nhà tài trợ lớn, nên bà vào TP HCM tìm các cơ sở mái ấm nuôi trẻ mồ côi, người già neo đơn… để ủng hộ. Bà L. nghĩ tôi như người cùng một “chuyến tàu” nên không ngại công khai tiết lộ hết những kế hoạch, thủ đoạn đang làm ở quê nhà”, bà H. chia sẻ.
Một cơ sở mái ấm chuyên vẽ tranh tại TP.HCM (xin được giấu tên) đã bị một số doanh nghiệp, mạnh thường quân lợi dụng. Ảnh: Công Hà |
tôi gom hết những người ăn xin, ăn mày quanh khu vực về cơ sở, lo cơm nước, ăn uống đầy đủ trong ngày. Khi kiểm tra xong, qua hôm sau, tôi để họ đi và cho mỗi người 50 ngàn đồng.
Sau đó, chính quyền địa phương sẽ công nhận và cấp giấy xác nhận cơ sở chúng tôi đã giúp ích cho xã hội, ngoài ra còn được phụ cấp cho người cưu mang gần một triệu đồng một tháng/người cơ nhỡ. Nếu khi kiểm tra lại, thấy vắng mặt, tôi sẽ nói tự ý họ bỏ cơ sở đi…”.
“Sau khi nghe bà L. bật mí “bí quyết” làm từ thiện, tôi không khỏi ngỡ ngàng về thủ đoạn của bà này, tôi quyết định không ký, không hợp tác với cách làm từ thiện kiểu vậy…”, bà H. bày tỏ.
Vừa có tiếng, vừa có miếng
Trường hợp của bà Trần Thị Y. (SN 1963, ngụ quận 10), là một mạnh thường quân đã trao tặng hơn 1.000 m2 đất nền cho một cơ sở nuôi trẻ mồ côi, người khuyết tật tại TP.HCM để xây dựng trường học, với điều kiện kèm theo là cơ sở này phải mua thêm phần đất liền kề kế đó với giá cao “ngất ngưỡng” so với giá thị trường, vụ việc chỉ trong nội bộ mới được biết.
Sau đó, vị mạnh thường quân Y. này luôn được Truyền hình, Báo, Đài liên tục khen ngợi trong một thời gian vì tấm lòng nhân ái cao cả trong việc làm từ thiện của bà.
Niềm vui chưa được bao lâu, ông P. (chủ cơ sở nói trên) mới méo mặt: “Khi nhận được một món quà từ thiện cho các cháu, dù lớn hay nhỏ, chúng tôi luôn trân trọng. Cứ tưởng êm ái như chúng tôi đã dự tính cùng bà Y. là sau khi làm xong một chương trình truyền hình, số tiền được ủng hộ bao nhiêu chúng tôi sẽ chi trả đủ vào phần đất bà Y. yêu cầu mua kèm theo. Tuy nhiên, khi chương trình không chạy được, chúng tôi bị bà Y. liên tục đòi tiền phần đất kế bên. Hiện tại, chúng tôi không đủ tiền chăm sóc các cháu, thì làm sao có tiền chi trả”.
Qua sự giới thiệu, chúng tôi cũng gặp gỡ với một mạnh thường quân "rởm" "khét tiếng" có tên là Lê Thị X. (SN 1950, ngụ Thủ Đức). Trong vai là con nuôi của bà X., bà đưa chúng tôi giao lưu, tiếp cận rất nhiều doanh nghiệp. Ngồi nghe họ tính chuyện làm ăn, chủ yếu là tiến hành thực hiện các dự án khá lớn sắp đến, bên cạnh đó cũng không quên nhắc đến vấn đề đi kèm với dự án là làm “từ thiện”.
Bà X. tự xưng là một mạnh thường quân lớn của một tỉnh thuộc miền Tây, tuy lớn tuổi, nhưng bà “nổ” cũng vang trời. Chúng tôi thật sự “choáng” khi nghe bà X. nói chuyện với các đối tác về bản thân bà. Một vị doanh nghiệp trẻ tuổi lên tiếng: “Chị cứ gửi dự án qua chúng tôi xem. Chúng tôi đang có những nhà tài trợ thuộc hàng đầu rất mạnh, nếu xét thấy những việc kinh doanh có kèm thêm việc làm “từ thiện” thì chúng ta cứ việc hợp tác, sau đó tha hồ mà “hốt lúa”…”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, bà X. chỉ lấy tiếng là một mạnh thường quân và luôn “nổ” rằng, những dự án lớn ở các tỉnh thành phía Nam, đất nền xây dựng trường học cho các trẻ mồ côi, người cơ nhỡ là do chính bà đầu tư, luôn kêu gọi thêm các cơ sở, mái ấm, trung tâm hợp tác để được sự giúp đỡ, để rồi họ luôn xem bà X. như là một vị ân nhân.
“Nhiều mái ấm chưa biết nên luôn tin tưởng bà X., sau đó, bà lại làm nhịp cầu trung gian, kết nối với các doanh nghiệp chuyên dùng hình thức làm “từ thiện” để kiêu gọi kiếm tiền từ các nhà tài trợ. Khi hoàn thành tốt công việc, bà X. sẽ được trích hưởng tiền phần trăm trên mỗi dự án được tài trợ. Nói chung, bà chỉ là một mạnh thường quân “rởm” chủ yếu kiếm tiền hoa hồng, muốn vừa được tiếng lại có tiền”, một mạnh thường quân bức xúc.
Công Hà