Công cụ hữu hiệu giải quyết các tranh chấp
Gia đình bà Nguyễn T.A (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có hai người con trai, con trai lớn làm việc ở nước ngoài và gửi về cho bố mẹ nhiều khoản tiền để đầu tư xây nhà. Vì vậy, gia đình thống nhất lập giấy phân chia cho người anh giá trị tài sản là 2/3 ngôi nhà, người em được phần còn lại. Lúc đầu, người em nhất trí nhưng do một số tác động bên ngoài nên đã thay đổi và một mực muốn chia đều tài sản. Từ đó, mối bất hòa giữa hai anh em cũng như sự căng thẳng trong gia đình kéo dài trong nhiều năm.
Không muốn đem chuyện nhà ra Tòa, bà A đã tìm đến TPL. Theo đó, TPL đã lập vi bằng ghi nhận sự thỏa thuận bằng cách xác nhận cụ thể số tiền đóng góp của mỗi anh em, sự phân chia tài sản từ cha mẹ, ý kiến đồng ý của từng thành viên…Vi bằng đó đã trở thành một chứng cứ quan trọng, giúp ngăn chặn những tranh chấp phát sinh về sau khi thành viên trong gia đình có sự thay đổi.
Một trường hợp khác đó là vợ chồng anh L và chị T (Hà Nội), 2 người sở hữu nhiều ngôi nhà ở Việt Nam và Nga với tổng giá trị lên tới 4 triệu USD. Do không còn tình cảm với vợ, anh L muốn ly hôn để tiến tới với người khác nhưng chị T chưa chấp thuận bởi còn tranh chấp về mặt tài sản. Sau khi tìm hiểu, hai người đã tìm đến TPL để tư vấn và lập vi bằng. Từ việc mâu thuẫn gay gắt không nhìn mặt nhau, TPL đã giúp 2 vợ chồng có thể ngồi lại bàn bạc và quyết định cách giải quyết. Theo đó, hai người cùng ký vi bằng xác nhận chị T sở hữu 1/2 giá trị tài sản ở Nga, phần còn lại thuộc về anh L, tài sản ở Việt Nam chia cho các con. Sau đó, người vợ đã chấp thuận thủ tục ly hôn từ chồng.
Để đề phòng rủi ro, anh Trần T.P (Khâm Thiên, Hà Nội) cũng đã tìm đến TPL. Năm 2014, anh P có vay anh Nguyễn P.H (Tây Hồ, Hà Nội) 500 triệu đồng. Tới ngày trả, anh P thấy khá lo lắng bởi đây là số tiền lớn, giao nhận mà không có người làm chứng, nếu bên kia phủ nhận thì sao. Khi đó, anh được hàng xóm tư vấn liên hệ với TPL để ghi nhận việc trao trả tiền giữa hai người. Nhờ vậy, anh đã vô cùng an tâm.
Phạm vi lập vi bằng còn bị giới hạn
Theo TPL Chu Xuân Bình (Văn phòng TPL Hoàn Kiếm, Hà Nội), các sự việc trong cuộc sống hàng ngày luôn đi kèm với không ít những phát sinh khó có thể lường trước. Để đề phòng rủi ro, nhu cầu của các cá nhân, tổ chức muốn ghi lại các hành vi, sự việc làm chứng cứ là rất cao và TPL đã kịp thời đáp ứng được vấn đề này. Người dân tìm tới TPL chủ yếu nhờ người quen giới thiệu, một số ít là nhờ tìm hiểu trên mạng Internet.
Cụ thể hơn, khi cá nhân, tổ chức muốn xác nhận tình trạng tài sản, nhà đất trước khi xây dựng, sau khi xây dựng; xác nhận việc giao nhận tiền, xác nhận tài sản chung, riêng trong hôn nhân, thông báo đòi nợ… đều có thể mời TPL đến lập vi bằng. Vi bằng là cơ sở để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong cuộc sống thường ngày, đồng thời là chứng cứ pháp lý bảo vệ tốt nhất quyền lợi các bên khi bị xâm phạm.
Vi bằng do TPL lập không chỉ đơn thuần là chứng cứ phục vụ cho công tác xét xử của Tòa án mà còn góp phần giảm bớt các tranh chấp, khiếu kiện do các bên trong quan hệ giao dịch đã tự thỏa thuận giải quyết các tranh chấp mà không phải khởi kiện ra Tòa án, ra Trọng tài. Tuy nhiên, việc lập vi bằng hiện nay chỉ giới hạn ở một số lĩnh vực, một số việc nhất định, mặt khác số người dân hiểu về giá trị pháp lý của vi bằng chưa nhiều nên nhu cầu lập vi bằng của người dân chưa cao.
Phó Trưởng Văn phòng TPL Thủ Đô Nguyễn Quế Lợi cho rằng, do chưa có sự sửa đổi, bổ sung Công văn hướng dẫn số 4003/BTP – TCTHADS ngày 19/9/2014 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung về lập vi bằng nên đã ít nhiều gây một số khó khăn trong việc xác lập vi bằng. Cùng với đó, cũng chưa có cách hiểu rõ ràng và thống nhất về giới hạn, thẩm quyền lập vi bằng để tránh nhầm lẫn sang lĩnh vực công chứng và chứng thực. Thiết nghĩ, nên mở rộng phạm vi lập vi bằng để người dân được thụ hưởng các tiện ích từ dịch vụ này một cách rộng rãi hơn.