Đến nay, việc thực hiện Nghị quyết này đã được Chính phủ, UBND các địa phương quan tâm và triển khai thực hiện. Kết quả đạt được bước đầu đã góp phần thực hiện tốt chủ trương về xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, tạo tiền đề để tiếp tục giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự (THADS), tạo thêm công cụ pháp lý để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dân khi tham gia các giao dịch và giải quyết các tranh chấp.
Triển khai Nghị quyết nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết với các nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với TANDTC, VKSNDTC và các bộ, ngành, địa phương tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 107/2015/QH13 và Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp cũng đã thường xuyên tổ chức hướng dẫn, kiểm tra hoạt động Thừa phát lại (TPL) tại các địa phương, kịp thời chấn chỉnh những sai sót. Tại địa phương, nhiều UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, tổ chức quán triệt nội dung Nghị quyết nói chung và chế định TPL nói riêng.
Thực tiễn thí điểm thời gian qua cho thấy, hoạt động TPL còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Để phát triển bền vững hoạt động TPL, Bộ Tư pháp đã có Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc triển khai thực hiện Nghị quyết, trong đó yêu cầu các địa phương đánh giá sâu sắc thực tiễn, tình hình kinh tế - xã hội; thói quen, nhu cầu và khả năng sử dụng dịch vụ pháp lý; hoạt động tống đạt các loại văn bản của cơ quan THADS và Tòa án; công tác thi hành các bản án, quyết định của Tòa án; hoạt động xác minh điều kiện THADS, từ đó dự báo nhu cầu khả năng thực tế chuyển giao các công việc nêu trên cho TPL thực hiện. Đến nay, một số địa phương đã gửi văn bản đăng ký và Đề án về Bộ Tư pháp để xem xét, phê duyệt theo quy định để thực hiện hoặc mở rộng việc thực hiện chế định TPL theo Nghị quyết 107/2015/QH13 như: TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, các tỉnh: Bắc Ninh, Bình Phước, Long An.
Công tác hoàn thiện thể chế cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Chính phủ đang tập trung xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009. Đồng thời, Chính phủ hiện đang cùng TANDTC, VKSNDTC tập trung xây dựng quy chế phối hợp trong việc thực hiện chế định TPL.
Đội ngũ TPL cũng không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động. Đến nay, Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm 335 TPL, hành nghề tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó, từ ngày 01/01/2016 đã bổ nhiệm 60 TPL.
Hiện nay, ngoài 13 địa phương đã thực hiện chế định TPL trong giai đoạn thí điểm, các địa phương khác vẫn đang trong quá trình xây dựng Đề án để tổ chức thực hiện, do đó, hiện vẫn có 53 Văn phòng TPL.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết của Quốc hội cho thấy, kết quả hoạt động của một số Văn phòng TPL còn chưa cao, chưa đồng đều ở các địa phương và ở các mảng công việc; số vụ việc trực tiếp tổ chức thi hành án còn ít; chuyên môn, nghiệp vụ tổ chức THADS của các Văn phòng TPL còn hạn chế.Việc chuyển giao văn bản tống đạt cho Văn phòng TPL không đều, còn bị gián đoạn; kết quả hoạt động xác minh điều kiện thi hành án còn hạn chế, số lượng việc do TPL thực hiện không nhiều; TPL ít nhận được sự hợp tác của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan.
Thời gian tới, Chính phủ xác định tiếp tục triển khai chế định TPL; phối hợp với TANDTC, VKSNDTC sớm xem xét phê duyệt Đề án thực hiện chế định TPL của các địa phương. Nâng cao chất lượng đội ngũ hành nghề TPL. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chế định TPL; tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát, nhằm kịp thời xử lý, chấn chỉnh, khắc phục những vi phạm trong tổ chức và hoạt động của TPL.
Tính từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/07/2016, các Văn phòng TPL đã tống đạt được hơn 170.316 văn bản của Tòa án và cơ quan THADS, lập gần 18.196 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án gần 30 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án hơn 54 vụ việc, đạt tổng doanh thu là trên 33 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính trung bình số vụ việc thi hành án của những năm trước đây thì số lượng việc thi hành án do TPL thực hiện trong 7 tháng đầu năm 2016 vẫn duy trì ổn định. Trong các hoạt động của TPL thì hoạt động lập vi bằng chiếm gần 62% tổng doanh thu.