Các vụ án hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) trong những năm gần đây không có xu hướng giảm, cùng với hàng loạt những vấn đề được xem là rất đặc thù của loại án này đã thúc đẩy nhu cầu có một mô hình Tòa chuyên trách để giải quyết có hiệu quả các vụ việc về gia đình.
Nhận diện “sai sót” trong xử án HN & GĐ
Ngày càng chiếm một số lượng lớn trong các vụ việc dân sự mà Tòa án phải giải quyết, những vụ án HN&GĐ “tưởng dễ mà khó” vì có tác động mạnh, sâu sắc đến tâm lý, tình cảm của các chủ thể tham gia quan hệ. Và với tính nhạy cảm của mối quan hệ này, nhu cầu “xử kín” (chỉ những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng được tham dự phiên tòa) luôn được các chủ thể đặt ra trong các vụ án HN&GĐ, chứ không có xu hướng “mở rộng sự công khai” như các vụ việc dân sự khác.
Theo tâm sự của một cán bộ Tòa án có nhiều năm làm “án HN&GĐ”, mỗi khi thụ lý một vụ án HN&GĐ cán bộ Tòa án thường phải “lên dây cót” vì những khó khăn biết trước sẽ gặp phải từ việc thu thập chứng cứ đến quá trình xét xử. Việc áp dụng pháp luật để giải quyết những quan hệ HN&GĐ cũng không đơn giản vì quan hệ này thường được xác lập trong thời gian rất dài, còn pháp luật thì có nhiều thay đổi…
Một vấn đề rất quan trọng là nhiều vụ án HN&GĐ như các vụ ly hôn, thay đổi cấp dưỡng nuôi con; chia tài sản của vợ chồng khi hôn nhân còn tồn tại; tranh chấp về tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng… thường đem đến hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực đến tình cảm, mối quan hệ của các thành viên trong gia đình. Vì thế, nếu thẩm phán “không thấu hiểu”, nhiều khi quá trình xử lý các vụ án HN&GĐ trở thành “mớ bòng bong” mà các chủ thể liên quan không tìm được lối thoát… và bản án, quyết định được ban hành sẽ đem lại “nhiều ấm ức khó giải tỏa”.
Có thể thấy rõ điều này trong một số trường hợp vợ chồng đã mâu thuẫn sâu sắc, hôn nhân đã thật sự tan vỡ nhưng Toà án lại xử không chấp nhận cho ly hôn, và ngược lại có vụ mâu thuẫn chưa trầm trọng đã xử cho ly hôn; việc nam nữ chung sống với nhau không có đăng ký kết hôn, mặc dù không vi phạm các điều kiện kết hôn nhưng lại xử huỷ hôn nhân trái pháp luật….
Khi giao con cho cha hay mẹ nuôi cũng có sai sót, trong đó có nhiều sai sót về việc giải quyết về phí tổn nuôi con. Do Toà án không điều tra về khả năng kinh tế của mỗi bên nên có trường hợp đã buộc đương sự góp phí tổn nuôi con gần hết thu nhập hàng tháng; cũng có trường hợp Tòa án buộc đóng góp phí tổn nuôi con quá thấp hoặc không buộc bên không nuôi con phải đóng góp phí tổn nuôi con, dù họ có khả năng và bên nuôi con kinh tế khó khăn; cũng có trường hợp buộc bên đóng góp phí tổn nuôi con phải đóng một lần, với số tiền lớn, nên họ không có khả năng thi hành.
Xác định tài sản chung không đúng, như bỏ sót tài sản chung, hoặc tài sản riêng của mỗi bên, tài sản của con lại coi là tài sản chung của vợ chồng; khi vợ chồng sống chung với gia đình, không làm rõ công sức của mỗi bên trong việc duy trì, tạo lập và phát triển tài sản chung, đặc biệt phần đóng góp của vợ chồng... nên đã quyết định phân chia không đúng. Có trường hợp khi phân chia hiện vật thuộc tài sản chung của vợ chồng không xem xét đến yêu cầu, nhu cầu sử dụng của mỗi bên nên đã phân chia hiện vật không hợp lý….
Xử án mang tính trị liệu cho gia đình
Rõ ràng, thiếu tính chuyên trách trong giải quyết các vụ án HN&GĐ là điểm hạn chế lớn cần được khắc phục để giải quyết có hiệu quả các vụ việc về gia đình, giúp đỡ, hỗ trợ và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm sinh lý của những người có liên quan, nhất là trẻ em. Đa số các chuyên gia đều cho rằng, giải pháp căn cơ chính là có một “tòa gia đình” trong hệ thống TAND với đội ngũ Thẩm phán chuyên trách và các thủ tục và kỹ năng tố tụng đặc biệt, chuyên giải quyết các vụ án HN&GĐ.
Trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây, trên thế giới đã xuất hiện mô hình “Toà gia đình”, đưa tất cả các vấn đề gia đình vào xử lý trong một quá trình tố tụng với một mô hình Toà án chuyên biệt và đội ngũ hỗ trợ dịch vụ xã hội. Cách tiếp cận này cho phép Thẩm phán nhìn nhận một bức tranh đầy đủ hơn về những gì đang diễn ra trong gia đình, từ đó có thể thu thập thông tin và áp dụng một biện pháp xử lý mang tính trị liệu hướng vào cả gia đình.
Xu hướng tập trung hỗ trợ, củng cố gia đình để bảo vệ từng “tế bào của xã hội” ngày càng đạt được sự ủng hộ rộng rãi hơn đã có tác động mạnh đến những ý tưởng thành lập tòa gia đình ở nước ta hiện nay theo Đề án thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên ở Việt Nam (do Tòa án nhân dân tối cao đang chủ trì xây dựng). Thêm vào đó, nhiều chuyên gia pháp lý và công tác xã hội đều chung nhận định: “Có Tòa gia đình sẽ có “địa chỉ” để các vấn đề của gia đình được xử lý trên cơ sở đảm bảo cuộc sống và phúc lợi cho tất cả các thành viên của gia đình đó”.
Song một vấn đề có tính then chốt cho Tòa gia đình ra đời là nguồn nhân lực chuyên trách, đáp ứng yêu cầu cũng như đội ngũ cán bộ xã hội để hỗ trợ Tòa án thực hiện việc giải quyết các vấn đề trong quá trình xử lý các vụ án HN&GĐ thì vẫn đang là câu hỏi lớn... trong điều kiện nguồn nhân lực đủ trình độ của bộ máy nhà nước nói chung và ngành Tòa án không hề “xông xênh”./.
Huy Anh