Các nạn nhân có thể gửi trình báo tới đơn vị cảnh sát nữ bằng cách gọi điện thoại hoặc thậm chí chỉ với việc gửi tin nhắn trên ứng dụng WhatsApp. Ngay sau khi nhận được thông tin, các nữ cảnh sát sẽ có mặt tại hiện trường để xác minh.
Đặc biệt, những cảnh sát này đều đã được đào tạo về võ thuật và được học luật trong nhiều tháng nên hoàn toàn có thể đối phó với những kẻ gây rối bằng cả hành động lẫn luật pháp. Ngoài Jaipur, các đơn vị cảnh sát nữ tương tự cũng đã được thành lập ở thành phố Udaipur thuộc cùng bang Rajasthan và một số nơi khác ở Ấn Độ.
“Thông điệp mà chúng tôi muốn phát đi là chúng tôi sẽ không khoan nhượng với các hành vi phạm tội nhằm vào phụ nữ”, bà Kamal Shekhawat, người đứng đầu đơn vị cảnh sát đặc biệt mới được thành lập ở Jaipur cho hay.
Động thái của giới chức Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh nước này trở nên nổi tiếng “bất đắc dĩ” khắp thế giới vì những vụ phạm tội tình dục dã man nhằm vào phụ nữ. Mỗi năm, ở Ấn Độ có gần 40.000 vụ hãm hiếp được trình báo nhưng con số thật được cho là còn cao hơn nhiều do nhiều nạn nhân lo ngại về việc đơn trình báo của họ sẽ không được xử lý thỏa đáng.
Trong khi đó, lực lượng cảnh sát Ấn Độ lại bao gồm chủ yếu là nam giới, khiến các nạn nhân đôi khi bị đối xử theo vẻ bề ngoài, bị hỏi những câu hỏi mang tính chất nghi ngờ hoặc đôi khi bị đổ lỗi gây ra vụ phạm tội. Nỗi xấu hổ vì bị hãm hiếp vốn ăn sâu vào tư tưởng của xã hội cũng như nỗi lo sợ bị trả thù cũng là nguyên nhân khiến nhiều vụ phạm tội tình dục không được trình báo còn thủ phạm thì không bị trừng phạt.
Do đó, bà Shekhawat hy vọng sự hiện diện của lực lượng cảnh sát nữ sẽ khuyến khích người dân tố cáo kẻ lạm dụng họ với niềm tin những thông tin mà họ trình báo sẽ được người thấu cảm lắng nghe. “Nữ cảnh sát sẽ có thái độ thông cảm hơn và nạn nhân cũng sẽ cảm thấy tự tin hơn, cởi mở hơn khi trình báo thông tin”, bà nói.
Radha Jhabua – một bà mẹ trẻ - cho biết bà muốn tố cáo người hàng xóm thường xuyên có hành vi rình rập mình nhưng đã bị chồng ngăn lại vì không muốn mang tiếng xấu cho gia đình. “Chồng tôi nói tôi giữ mồm giữ miệng, chờ gã hàng xóm thay đổi. Tôi rất vui vì bây giờ có thể gửi tin nhắn thông qua Whatsapp và chờ cảnh sát đến xử lý mọi chuyện”, Jhabua cho hay. Một phụ nữ khác tên Seema Sahu thì cho biết cô giờ có thể tự tin đưa con ra ngoài chơi vào buổi tối với sự hiện diện của những nữ cảnh sát trên đường phố.