Tiếng đàn mang nỗi niềm thân phận
Nếu có dịp đi qua chuyến phà ngang trên dòng sông Hậu, từ Cồn Khương (Cần Thơ) sang thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) thi thoảng hành khách sẽ được thưởng thức tiếng đàn du dương gợi buồn man mác phát ra từ cây độc cầm tự chế của ông lão mù.
Ai thường xuyên qua lại chuyến phà này chắc không xa lạ gì với hình ảnh ấy. Một ông lão già nua, gầy còm với khuôn mặt in hằn vết thời gian vẫn cần cù đi từng bước vô định với chiếc độc cầm tự chế trên tay. Khi nghe được tiếng đờn sâu lắng và da diết ấy họ chắc chắn rằng đó là ông lão Trương Thanh Liêm.
Lão hành khất mù Trương Thanh Liêm đã cùng cây đàn “độc” của mình mưu sinh hàng chục năm qua. |
Đã bước sang cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông vẫn rong ruổi trên khắp nẻo đường để mua vui cho đời và tìm kế mưu sinh.
Nói về cuộc đời bất hạnh của mình, ông Liêm chia sẻ, thuở nhỏ ông cũng có một gia đình êm ấm như bao người khác. Thế nhưng trớ trêu, năm ông 3 tuổi do bạo bệnh, đôi mắt ông trở nên mù lòa, rồi cha lần lượt sớm từ giã cõi đời. Từ đó ông lưu lạc khắp nơi làm đủ nghề để kiếm sống.
Khiếm thị nên mọi sinh hoạt đều trở nên khó khăn, thỉnh thoảng ông Liêm mở radio nghe nghệ sĩ hát, dần dần những lời ru, tiếng hát đã tạo trong ông đam mê âm nhạc cháy bỏng...
Ông bắt đầu học “lỏm” chơi guitar. Trời cao không phụ lòng người, nhờ cần cù học hỏi, thêm vào đó năng khiếu thiên bẩm, trong thời gian ngắn ông Liêm đã bước đầu mưu sinh bằng “ngón đờn” “học lỏm”. Tuy nhiên, do cuộc sống ngày càng khó khăn, ông đành rời xa nơi “chôn nhau cắt rốn”...
Ông Liêm kể, trước đây có cây đàn guitar “ngon lành” lắm, nhưng bị trộm lấy mất, không có tiền mua cây khác. Trong cảnh khốn cùng, bất chợt ông lóe lên ý nghĩ làm cây đàn tự chế mà hiện giờ được cho là "cây đàn độc nhất miền Tây".
Cây đàn của ông Liêm độc và lạ ở chỗ thân đàn được làm từ một tấm ván dài chừng 1m, phía trên và dưới thân đàn đóng vài cây đinh, dây đàn được làm từ dây thắng xe đạp được buộc vào đầu đinh kéo từ dưới lên trên ngang qua một cái thau nhôm có tác dụng làm thành hộp cộng hưởng.
“Thấy kết cấu đơn sơ vậy chứ mỗi năm tốn cả chục cái thau nhôm để thay mới, bởi mỗi khi tiếng đờn vang lên dây đàn dao động, do cọ sát nên thau sẽ bị mòn. Còn dây đàn đứt mua dây thắng xe đạp về thay dễ ợt”, ông Liêm bộc bạch.
Đàn của ông không giống những đàn bình thường khác, nhưng với đôi bàn tay điêu luyện của ông, tiếng đàn vẫn trở nên thánh thót, nhẹ nhàng đi vào lòng...
Thả hồn theo tiếng nhạc, tình đời
Cách đây hơn 30 năm, một người phụ nữ đã rung động trước tiếng đàn và cảm thông cho số phận kém may mắn của ông nên đã cùng ông nên nghĩa vợ chồng. Ngót hơn 30 năm ông đánh đàn, bà bán vé số, tuy khổ cực nhưng ấm áp tình cảm.
Cuộc đời lam lũ, nghèo khó, thương tật đeo bám song chưa một lần ông mở miệng than vãn để đổi lấy sự thương hại của bất kì ai. Ông vẫn miệt mài gảy đàn mua vui cho khách lấy vài đồng bạc lẻ sinh sống qua ngày.
Với ông, niềm vui lớn nhất là được gảy đàn cho mọi người nghe và có người đồng điệu với tiếng đàn của mình. “Khách thương thì họ cho tiền, cho ít, cho nhiều hoặc không cho cũng được. Đờn thì cứ đờn bằng cả nỗi lòng chứ không suy nghĩ gì nhiều”, ông Liêm bày tỏ.
Tiếng đàn cất lên trĩu nặng biết bao nỗi niềm, đầy ắp tâm tư khiến những người đi ngang không ai không mở lòng cảm thông và ngẫm nghĩ. Bà Phùng Thị Năm (một người buôn bán gần đó) cho biết, 5 năm trước bà đến đây buôn bán, thấy ông Liêm đã “bán” tiếng đàn để mưu sinh ở bến phà này. “Tiếng đờn của ông Liêm hay lắm. Đặc biệt nể phục ở ông là nghị lực, mặc dù bị mù nhưng ông Liêm có rất nhiều phẩm chất mà người lành lặn cũng khó mà có được”, bà Năm nói.
Anh Trần Văn Nam (khách đi phà) chia sẻ: "Tôi thường xuyên đi trên chuyến đò này, thấy thương người đánh đàn đã già, yêu quý tiếng đờn mà ông tạo ra. Hễ gặp ông là lại được thưởng thức những giai điệu mà ông đàn, nghe nó vừa hay vừa mùi “hết sẩy”. Điều ngạc nhiên hơn là tôi chưa từng thấy ông xòe tay xin xỏ ai một đồng nào”.
Nốt nhạc vang lên cũng là ước mơ, là khát vọng ông lão mù thả vào... Chiếc phà cứ làm công việc thường nhật của nó, cập bến đưa biết bao khách sang sông. Dòng sông Hậu dịu dàng đến lạ. Khách lên bờ ngoái lại vẫn thấy ông vẫn cặm cụi nâng niu từng phím đàn, nốt nhạc mặc cho dòng người đổ xô lên bến, xuống phà...