Từ tháng 11.2012, mức lương cơ bản đã tăng gần gấp đôi đã đẩy thu nhập của lao động Việt Nam tại Malaysia lên mức 700 USD/tháng (gần tương đương với thị trường lao động ở Hàn Quốc và Nhật Bản).
Lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia |
Chị Nguyễn Tú Oanh, phụ trách thị trường Malaysia của công ty Vinamotor, cho biết tại một số nhà máy, công ty Vinamotor đưa sang làm việc, nhiều lao động còn đạt mức lương từ 3.000 R.M trở lên (tương đương 18 triệu đồng). Theo chị Oanh, những nhà máy tăng lương sớm chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực điện tử, cơ khí… sử dụng nhiều lao động nữ; còn lao động nam vẫn “yếu thế” hơn dưới con mắt của nhà tuyển dụng thị trường này, cho dù Chính phủ Malaysia mới đây cho biết họ sẽ tăng lương cho lao động ngành xây dựng lên mức 40 R.M/ngày và tăng cường tiếp nhận lao động trong lĩnh vực xây dựng. “Các ông chủ Malaysia vẫn thích lao động nữ hơn vì họ chăm chỉ và ít gây chuyện”, chị Oanh nói.
Đặc điểm của thị trường lao động ở Malaysia là “làm thêm giờ nhiều hơn thời gian lao động chính”, cho nên, khi lương cơ bản tăng, lương làm thêm cũng tăng theo. Cùng với động thái tăng lương, việc Chính phủ Malaysia tuyên bố sẽ tạo ra hơn 10.000 việc làm mới đã khiến cho thị trường này được “hâm nóng” trong mắt của người lao động nước ngoài. Ngoài ra, đại diện một số công ty môi giới lớn của Malaysia còn “tiết lộ”: bộ Nhân lực của Malaysia đang nghiên cứu khuyến khích lao động nước ngoài tới làm việc tại nước này, như: chính phủ sẽ thay đổi thủ tục cấp visa sao cho linh hoạt hơn hiện nay, nới rộng các quy định về khám sức khoẻ để tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp ở Malaysia.
Trực tiếp đi tuyển lao động cho thị trường Malaysia tại các huyện nghèo, ông Trương Đức Vinh, giám đốc công ty công ty cổ phần phát triển Liên Việt, cho biết lao động Việt Nam trước đây “chê” thị trường lao động ở Malaysia chủ yếu là vì… thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay, với mức lương mới, thị trường lao động ở Malaysia sẽ hấp dẫn ngang với Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, bởi vì, họ không đòi hỏi chi phí cao và lao động có tay nghề.
Đại diện nhiều doanh nghiệp ở thị trường Malaysia, cho biết đây là thời điểm lấy lại “phong độ” cho thị trường tiềm năng này. Tuy nhiên, đây cũng là lúc thể hiện vai trò của cục Quản lý lao động ngoài nước (bộ Lao động – thương binh và xã hội). “Nếu cục Quản lý lao động ngoài nước không có các biện pháp ngăn ngừa các doanh nghiệp làm ăn kiểu “chụp giựt” thì sẽ không có đủ nguồn lao động được tuyển dụng kỹ càng, phù hợp với thị trường ở Malaysia”, đại diện một doanh nghiệp nói.
Theo Quế Hà- SGTT