Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi, trong đó có chính sách thai sản. Có hai phương án, một là tăng thời gian nghỉ lên thành 6 tháng, hai là giữ nguyên 4 tháng như hiện nay.
Đề nghị tăng thời gian nghỉ sinh lên 6 tháng
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Vụ Pháp chế thuộc Bộ Lao động cho biết Ban soạn thảo, nhất là Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, ủng hộ phương án tăng thời gian nghỉ lên thành 6 tháng. Lý do là đời sống đại bộ phận nhân dân đã được cải thiện, sức ép lao động, tiền lương cũng không căng thẳng như trước. Việc kéo dài thời gian nghỉ vừa tốt cho trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, vừa tốt cho bà mẹ có thể phục hồi sức khỏe sau ca sinh nở.
Tuy nhiên, đại diện một số doanh nghiệp có tỷ lệ lao động nữ cao cho rằng tăng thời gian nghỉ thai sản có thể ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của họ, tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội. Số khác lại cho rằng chính sách hiện nay của Việt Nam đã ưu việt hơn các nước trong khu vực ASEAN, như Singapore, Malaysia thời gian nghỉ thai sản chỉ 3 tháng.
Nếu được nghỉ 6 tháng, bà mẹ sẽ có điều kiện cho trẻ bú mẹ hoàn toàn. |
"Cá nhân tôi cho rằng nghỉ 6 tháng không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp. Còn không thể so sánh với các nước vì dù họ được nghỉ ít hơn, nhưng các dịch vụ chăm sóc bà mẹ, trẻ em của họ lại tốt hơn ta", vị lãnh đạo Vụ Pháp chế nói.
Ý tưởng tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng được đề xuất từ giữa năm 2008 bởi Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Ông Nguyễn Trọng An, Cục phó Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho biết, đề xuất này dựa vào quyền được bú sữa mẹ của trẻ em theo Công ước quốc tế mà Chính phủ đã cam kết. Mặt khác sức khoẻ của bé sẽ bị ảnh hưởng và nguy cơ mắc bệnh cao nếu trẻ không được bú mẹ hoàn toàn.
Ông An cho biết, từ trước năm 1983, bà mẹ chỉ được nghỉ đẻ 2 tháng, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng rất cao, trên 50%. Tỷ lệ trẻ chết dưới 1 tuổi cũng rất cao, trên 81 phần nghìn. Giáo sư Từ Giấy, Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia thời đó đã đưa ra các bằng chứng khoa học thuyết phục về lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ và đệ trình Chính phủ tăng thời gian nghỉ sau sinh lên 6 tháng.
Phó thủ tướng Tố Hữu khi đó đã ký ban hành quyết định vào năm 1985. Nhưng vì sức ép lao động, tiền lương và nhiều lý do khác nên đến đầu những năm 90 Chính phủ lại giảm thời gian nghỉ đẻ xuống còn 4 tháng.
Theo lộ trình, dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm. Nếu nhận được sự ủng hộ thì tại kỳ họp đầu năm 2012, dự luật sẽ được thông qua.
Theo VnExpress