Những phận người co ro trong giá rét, cố kiếm thêm chút tiền để về quê ăn Tết có tấm áo mới cho con.
Từ tờ mờ sáng mặc cho trời rét thấu xương, trên các tuyến đường như đường Bưởi, chợ Long Biên, đường Nguyễn Trãi dọc xuống chợ Phùng Khoang và dọc theo cây cầu vượt Mai Dịch… đã có hàng chục lao động tự do ngồi chờ việc làm.
Ông Nam (huyện Kỳ Anh- Hà Tĩnh), một lao động tự do cho biết: “Năm nay tôi 55 tuổi và đã làm nghề này được 6 năm rồi. Sáng ra khỏi phòng trọ khi mọi người còn chưa ngủ dậy và về thì phụ thuộc vào số lượng công việc, nếu ít thì được về sớm, nhiều thì làm tới khuya”. Ông cho biết thêm ở quê ông quanh năm làm nông, sau khi vụ màu xong xuôi người ta lại đua nhau kéo ra thành phố kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống.
Hoàn cảnh của người đàn ông 55 tuổi này khá vất vả: Vợ mất sớm, một mình nuôi hai con ăn học. Hai đứa con không phụ công cha, hiện một đứa học Đại học Sư phạm, một đứa học Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội. Ông tâm sự: “Đời tôi đã khổ, giờ có vất vả đến mấy cũng phải cố lo cho các cháu ăn học đàng hoàng. Nhà tôi nghèo không có đủ tiền cho hai con ăn học lên phải ra Thủ đô kiếm thêm tiền, chỉ mong chúng nó ăn học lên người”.
Lao động tự do chờ người tới thuê |
Chen vào câu chuyện, anh Hùng (huyện Đông Hưng- Thái Bình, cũng đã lên đây làm việc được 4 năm) bảo: “Chúng tôi làm nghề này vất vả lắm, có khi cả tuần không có ai thuê, suốt ngày chỉ ra đây ngồi thôi. Nếu có người thuê thì cũng được vài trăm nghìn, nếu không có ai thì lại chịu đói về khu trọ. Năm hết tết đến, chúng tôi cố bám trụ lại nơi đây để xem có ai thuê gì làm nấy... kiếm chút tiền về quê mua cho các cháu bộ quần áo mới”.
Từ các tỉnh lẻ, vì cuộc sống nghèo khổ, họ phải về đây kiếm sống để trang trải cho cuộc sống khó khăn. Thế nhưng ở nơi đất khách quê người, muốn kiếm chút tiền về quê ăn tết thật cũng không đơn giản chút nào.
Chị Tâm (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), một trong những người có thâm niên gần chục năm làm lao động tự do ở Hà Nội tâm sự: “Ở quê ruộng vườn ít, quanh năm chỉ có hai vụ, cấy cày xong tôi lại thu xếp lên đây kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Tết nhất đến nơi rồi, tôi cũng muốn về quê sớm lắm chứ, thế nhưng về sớm thế này lấy tiền đâu mà sắm sửa, con cái lại không có cái tết thì khổ. Thế nên phải chịu khó ở lại thêm vài ngày nữa”.
Được biết, mọi năm có những người 28 – 29 tết mới về, cũng có người đến tận chiều 30 mới về đến nhà, rồi qua tết lại đi từ mồng 5, mồng 6.
Thực tế, quãng thời gian gần Tết không nhiều việc làm, nhất là trong năm nay, khi kinh tế khó khăn. Anh Long (huyện Quảng Xương- Thanh Hóa), chốt ở khu vực chợ Long Biên cho biết: “So với các năm trước thì năm nay ít việc hơn nhiều, nếu năm trước 10 phần thì năm nay chỉ được 4 phần thôi, công việc ít mà người lao động lại nhiều đâm ra tiền công cũng thấp. Tôi không phải chốt ở mỗi đây, ở chợ Long Biên thì công việc tập trung chủ yếu vào buổi sáng sớm khi hàng được chở về và tập kết ở chợ, đến sáng thì lại không có việc, nên tôi lại chạy ra các địa điểm khác. Nhưng ở đâu cũng ít việc, không có người thuê mấy nên thu nhập cũng chẳng ăn thua gì”.
Anh cho biết thêm là: “nếu để nói công việc đều nhất là vào khi nào thì phải kể đến khoảng thời gian qua Tết cho đến tháng 4, vì thời gian này người dân sửa lại nhà hay xây lại hoặc thêm cái gì đó nên lúc đó có nhiều việc cho chúng tôi làm”.
Với những công việc không ổn định và đồng tiền ít ỏi, những người lao động tự do trên mảnh đất Thủ đô Hà Nội đang cố gắng từng ngày để kiếm thêm thu nhập về quê ăn Tết cùng gia đình. Khi không khí Tết đang ùa về trên khắp Hà thành thì vẫn còn những phận người “mưu sinh” từng ngày.
Theo ANTĐ