[links()]Chiều nay,19-3, Cục Quản lý lao động ngoài nước(Bộ LĐTBXH) đã chính thức thông tin ban đầu về vụ việc 42 lao động Việt Nam được giới chức Malaysia “giải cứu” và đưa đến trung tâm bảo vệ phụ nữ ở thủ đô Kuala Lumpur.
Ông Đào Công Hải- Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN cho biết số lao động được “giải cứu” do công ty CP Việt Hà- Hà Tĩnh (Vihatico) đưa sang Malaysia làm việc tại công ty Asamana. Đơn hàng được thẩm định bởi Ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia, công việc của người lao động là dọn dẹp vệ sinh tại bệnh viện. Mức lương người lao động nhận được hàng tháng khoảng 1.200 R.M- 1.500 R.M tương đương 9 – 10,5 triệu đồng).
42 phụ nữ Việt Nam sống chen chúc trong ngôi nhà có 4 phòng ngủ tại thành phố George Town, bang Penang, Malaysia. Ảnh: The Star. |
Có tổng cộng 72 lao động đã được công ty Việt Hà đưa sang làm việc tại Asamana từ năm 2010. Năm thứ nhất, công ty Asamana làm visa cho người lao động đầy đủ. Đến tháng 8-2011, visa lao động hết hạn, công ty đã không làm thủ tục gia hạn visa cho lao động mà chỉ làm giấy lưu trú đặc biệt (mỗi tháng một lần cho người lao động).
Ngày 18/3/2012, cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện lao động chưa được cấp visa mới nên đã đưa về Cục nhập cư để điều tra, làm rõ.
Ông Đào Công Hải cho biết, hiện 69 lao động vẫn khỏe mạnh. 43 lao động muốn được trở lại làm việc bình thường.Trong thời gian chờ đợi, số lao động này vẫn được nhận lương cơ bản là trên 500 ring/tháng/người (khoảng 3,4 triệu đồng).
Ngày 18-3, toàn bộ lao động đã được đi khám sức khỏe. Sáng ngày 19-3 Ban quản lý lao động Việt Nam đã đưa lao động về khu ký túc xá, tạo điều kiện cho người lao động có nơi ăn chốn ở đầy đủ.
Ông Hải cũng khẳng định việc chủ sử dụng chưa gia hạn visa cho người lao động là một sai sót và đây là lỗi hoàn toàn của chủ sử dụng lao động, công ty Việt Hà không có lỗi.
Thực tế, Cục QLLĐNN nhìn nhận công ty Việt Hà đã làm hết trách nhiệm với người lao động. Hiện công ty cũng đã cử cán bộ sang Malaysia để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Ông Hải cũng cho biết thêm, hiện có 26/96 lao động muốn về nước sau vụ việc xảy ra. Ông Hải cho rằng với mức lương cao như vậy thì người lao động nên ở lại làm cho hết hợp đồng. Ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia vẫn đang tiếp tục làm việc với Cục nhập cư Malaysia và công ty môi giới Malaysia để làm rõ việc một số lao động không có hộ chiếu.
Về thông tin trên báo Malaysia cho rằng lao động còn bị nợ lương, ông Lưu Quang Bình - TGĐ Công ty Việt Hà cho biết công ty Asamana đã thanh toán cho người lao động lương tháng 1/2012, lương cơ bản tháng 2/2012 cũng đã thanh toán. Do ngày 21/2/2012 xảy ra sự việc nên người lao động chưa nhận được tiền làm thêm giờ tháng 2/2012. Công ty Việt Hà sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để yêu cầu chủ sử dụng trả đủ lương cũng như các chế độ khác cho người lao động.
Ông Lưu Quang Bình cũng cho biết hiện có 3 nhà máy muốn phỏng vấn để tiếp nhận lại số lao động nói trên.
Malaysia đang trong chiến dịch tổng kiểm tra lao động nước ngoài và cho phép lao động nước ngoài bất hợp pháp trước đây tự nguyện đăng ký với cơ quan nhập cư để được ở lại làm việc hợp pháp.
Từ sự việc này, Cục Quản lý lao đông ngoài nước đã yêu cầu các doanh nghiệp có lao động làm việc tại Malaysia tăng cường công tác quản lý lao động, nhắc nhở chủ sử dụng chú ý gia hạn visa cho lao động khi chuẩn bị hết hạn, ít nhất là trước 01 tháng.
Thanh Lương