Bác Hồ thăm nhân dân xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình (3-1962).
Ảnh: Tư liệu
|
Từ thực tiễn lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát "Việc gì cũng phải có lãnh đạo thì mới thành công".
Trở thành đảng cầm quyền, Đảng phải chịu trách nhiệm lãnh đạo mọi mặt đối với đời sống xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Do đó theo Người "Phải đi sâu, xét kỹ; phải luôn luôn kiểm tra công tác; chấp hành chính sách, phải coi trọng từ việc to đến việc nhỏ; phải nhớ rằng "Sai một ly đi một dặm". Thực tiễn cho thấy đối tượng lãnh đạo phát triển, biến đổi không ngừng nên Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu "Phải lãnh đạo chặt chẽ, đôn đốc và kiểm tra thường xuyên". "Lãnh đạo phải sát thực tế hơn. Lãnh đạo phải tập thể và dân chủ, phải thống nhất và tập trung". Do yêu cầu của cuộc sống và nguyện vọng chính đáng của nhân dân nên Người căn dặn các cấp uỷ Đảng khi "lãnh đạo phải cụ thể, phải kịp thời, phải thiết thực, phải có trọng điểm và nắm điển hình". Nếu không thực hiện tốt các tác nghiệp, yêu cầu đó thì không xử lý chính xác, kịp thời những vấn đề nảy sinh, bổ sung hoàn thiện những sơ hở của chủ trương, nghị quyết.
Bằng nhiều kênh thông tin khác nhau, Bác Hồ phê phán một số cấp uỷ chưa coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo, còn quan liêu, xa dân; tính hiệu quả lãnh đạo còn hạn chế như "Lãnh đạo chậm chạp, không kịp thời, thiếu liên tục, không đi sâu đi sát, không toàn diện"; "Lãnh đạo thiếu liên tục, thiếu toàn diện, lúc đầu kém tích cực, không kịp thời tổng kết và phổ biến kinh nghiệm". Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở, phê phán một số cấp uỷ lãnh đạo còn thiếu cụ thể, lãng quên những vấn đề nổi cộm, thúc bách từ cuộc sống. Người nói "lãnh đạo còn chung chung, chưa đi sâu đi sát, chưa chú ý việc lãnh đạo điển hình, thiếu tập trung vào công tác trung tâm".
Hệ quả của bệnh quan liêu, xa rời thực tiễn, xa rời dân chúng trong lãnh đạo, quản lý sẽ dẫn tới "Thành thử cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng với Đảng rời xa nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra".
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo là quá trình bao quát, theo dõi, đôn đốc kiểm tra chặt chẽ, đi tới tận cùng khi chủ trương sắp kết thúc; chẳng hạn "Lãnh đạo nghề nông thì trước khi gieo mạ, phải lãnh đạo, đến lúc lúa và khoai vào bồ, lãnh đạo mới kết thúc". Để nâng cao tính hiệu quả, hạn chế những thiệt hại do hoàn cảnh khách quan mang lại, Người lưu ý "Trong nhiều công việc lớn, trước khi làm rộng khắp, chúng ta phải làm thí điểm để rút kinh nghiệm".
Người nhắc nhở cán bộ lãnh đạo cần phải bám sát thực tiễn để hiểu thấu tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Đây là nhân tố đảm bảo cho người lãnh đạo ra quyết định chính xác và tổ chức thực hiện quyết định có hiệu quả. Người yêu cầu "Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo mà nên hiểu thấu". Đồng thời "Để lãnh đạo tốt, các cấp uỷ phải thật đoàn kết, thật dân chủ, phải thực hành chế độ "Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách", phê bình và tự phê bình để không ngừng tiến bộ".
Lãnh đạo vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, "dĩ bất biến ứng vạn biến" để tìm chọn những phương án, quyết sách xử lý chính xác, tạo động lực cho sự phát triển của địa phương, đơn vị; nếu không sẽ chậm thời cơ, hiệu quả lãnh đạo thấp, nghị quyết không đi vào cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ "Người lãnh đạo trong địa phương hoặc cơ quan phải xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lộn xộn, không có ngăn nắp".
Các tổ chức Đảng không chỉ tập trung lãnh đạo chăm lo đời sống các mặt cho nhân dân mà còn phải "học dân", lắng nghe tiếng nói của nhân dân để bổ sung nội dung, cách lãnh đạo cho phù hợp với thực tiễn, thuận lòng dân. Người chỉ dẫn "Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng... Đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt"; "phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng hay không"; bởi vì theo Bác "Công việc càng gay go thì sự lãnh đạo càng phải liên hợp chặt chẽ với quần chúng... cùng dân chúng bàn bạc" bởi vì quần chúng rất thông minh, khôn khéo, sáng tạo mà "những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra".
Hơn lúc nào hết "Cán bộ lãnh đạo phải nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, phải đi đúng đường lối quần chúng, phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn dân"; và chú ý "Lãnh đạo phải thật sự dân chủ, nhưng đồng thời phải thật sự tập trung". Thiết nghĩ đó là cơ sở để tư tưởng Hồ Chí Minh về lãnh đạo thấm sâu trong mỗi cán bộ, đảng viên, nhằm thúc đẩy tiến trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước hiện nay./.
TS Nguyễn Thế Tư