Lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị
(PLO) - Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017 diễn ra sáng qua (24/2) tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Kiểm tra, giám sát là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Kiểm tra là một chức năng lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng; lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo. 

Phải nhạy bén, tinh ý, đừng vô cảm

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư hoan nghênh và biểu dương những thành tích mà các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đã đạt được trong công tác kiểm tra, giám sát năm 2016, đóng góp rất quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. 

Tổng Bí thư khẳng định, điểm sáng nổi bật của năm 2016 là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc rất tích cực, quyết liệt; công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ở Trung ương đã diễn ra khá sôi động, có nhiều việc làm và làm được nhiều việc, có kết quả rõ rệt, được dư luận đồng tình, đánh giá cao, tạo ra một làn gió mới, niềm tin mới.

Cái mới của thời gian gần đây là chủ động tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm khá nhiều, kết hợp kiểm tra thường xuyên với kiểm tra vi phạm; làm vụ nào ra vụ ấy, làm bài bản, khoa học, làm đến nơi đến chốn; làm kỷ luật đảng trước không chờ kết luận của các cơ quan nhà nước, thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân, báo chí, công luận... 

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Không ít địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra, giám sát còn chiếu lệ, hình thức, chưa quyết liệt; đấu tranh với những vi phạm vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, không nghiêm túc. Giữa kiểm tra, giám sát và kỷ luật, dường như công tác kiểm tra, giám sát chưa thật mạnh. 

Tổng Bí thư cho rằng Trung ương đã rất chủ động, quyết liệt, nhưng ở các địa phương chưa có chuyển biến rõ nét, chưa có những vụ việc cụ thể, điển hình. Bởi vậy, theo Tổng Bí thư, công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy phòng ngừa, xây là chính. 

Hiện nay, cán bộ, đảng viên và nhân dân vui mừng, ủng hộ, hy vọng vì có Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhưng cũng còn băn khoăn, lo rằng không biết Nghị quyết có được thực hiện đến nơi đến chốn không và vẫn bức xúc về những yếu kém, tiêu cực trong Đảng, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, “lợi ích nhóm” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Trong bối cảnh đó, vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra và cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng ở các cấp là hết sức quan trọng.

Tổng Bí thư yêu cầu ngành kiểm tra của Đảng cần chủ động đề xuất các giải pháp hữu hiệu để giải quyết dứt điểm những việc đang làm với phương châm là làm đến cùng, đồng thời chuẩn bị làm tiếp những vụ việc mới phát sinh. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, cần chú ý khâu phát hiện, phát giác ban đầu. Qua kiểm tra, thanh tra mà phát hiện; qua báo chí, qua công luận, qua tố giác của nhân dân mà chủ động tổ chức kiểm tra, phải rất nhạy bén, tinh ý, đừng vô cảm.

Chống tiêu cực ngay trong những cơ quan chống tiêu cực

Cho rằng nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới hết sức nặng nề, cán bộ kiểm tra luôn phải đối mặt, đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực của đồng chí, đồng đội và cả những người thân… do đó, Tổng Bí thư yêu cầu mỗi cán bộ làm công tác kiểm tra phải nắm vững nguyên tắc, cơ chế, chính sách, các quy định của Đảng, Nhà nước để thực thi nhiệm vụ với động cơ trong sáng, không vì lợi ích cá nhân, không làm liều, làm ẩu, kết luận kiểm tra phải rõ ràng, nghiêm minh, thuyết phục, phải có dũng khí đấu tranh, thật sự công tâm, khách quan, chính trực và hơn ai hết, phải liêm, phải sạch.  

“Không liêm, không sạch thì không nói được người khác, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác”, Tổng Bí thư nhắc nhở và lưu ý cán bộ kiểm tra phải gương mẫu, đi đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phải chống tiêu cực ngay trong những cơ quan và những người làm nhiệm vụ chống tiêu cực. 

Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan có liên quan, sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của cán bộ, đảng viên và nhân dân, Tổng Bí thư tin tưởng Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đáp ứng được đòi hỏi của Đảng, nhân dân và đất nước.

Tổng Bí thư cũng đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải có hình thức thích hợp để tăng cường chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật các tổ chức, đảng viên ở cấp huyện và cơ sở khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, tránh tình trạng bao che sai phạm của các địa phương, cơ quan, đơn vị; chủ động phối hợp chặt chẽ, thực sự hiệu quả với các cơ quan tư pháp, thanh tra, kiểm toán trong thực hiện nhiệm vụ, đẩy nhanh tiến độ xem xét, kiểm tra, giám sát các vụ việc với tinh thần quyết tâm cao, kiên quyết bảo vệ cái đúng, không khoan nhượng với những hành vi vi phạm kỷ luật đảng. “Thực tiễn đang đòi hỏi chúng ta phải hành động, nói phải đi đôi với làm, không nói lý thuyết, đạo lý chung chung”, Tổng Bí thư nhấn mạnh. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng nêu rõ, nhiệm vụ của hội nghị là kiểm điểm, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và hoạt động của ủy ban kiểm tra các cấp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng năm 2016 - năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, đồng thời bàn biện pháp khắc phục, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát năm 2017.

Đọc thêm

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá
(PLVN) -  Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 tổ chức ngày 7/12 vừa qua, nhìn lại 11 tháng của năm 2024, cho thấy cả nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước đều phục hồi và phát triển tốt. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao.

Hình thành thiết chế luật sư công tại Việt Nam từ góc nhìn thực tiễn hành nghề

Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
(PLVN) - Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là quyền tiếp cận công lý của người dân, đặc biệt là những nhóm yếu thế còn những hạn chế. Từ góc nhìn thực tiễn hành nghề luật sư, việc hình thành thiết chế luật sư công trong hoạt động trợ giúp pháp lý là một giải pháp cần thiết để bảo đảm quyền lợi pháp lý cho mọi tầng lớp Nhân dân.