Trong lúc đàn ong mải mê tìm mật nuôi tổ, Lê Văn Quang và nhóm bạn nuôi ong (tạm trú tại ấp 1, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cũng cố tìm cho mình việc làm để kiếm thêm. Mùa mật kết thúc, người và ong di chuyển đến những vùng quê xa xôi khác để tìm hoa thơm, cỏ lạ mới.
Lập nghiệp từ ong
Quang thật sự lo lắng khi đàn ong của mình một lần nữa đốt (chích) cu Quốc (cháu nội dì Ba Lăng), người đã cho Quang đặt các thùng nuôi ong trong vườn. Nhìn môi trên của cu Quốc sưng húp, Quang vỗ nhẹ vai thằng bé dỗ dành: “Chút nữa chú mua bánh cho cháu nhé”. Rồi Quang quay sang phân trần với chúng tôi: “Chúng rất hiền, chỉ đốt những ai nghịch ngợm chọc phá tổ của chúng mà thôi”.
Chuyện cu Quốc bị ong đốt làm môi xưng húp, dì Ba Lăng không phàn nàn Quang hay la rày thằng bé. Dì Ba Lăng bày tỏ sự thông cảm: “Ong mật chích chẳng sao cả. Sau một ngày là xẹp liền, chẳng cần thuốc men đâu. Tui không như người khác, hễ không ưa thì kiếm cớ đuổi người nuôi ong”.
Cu Quốc bị ong đốt xưng húp môi nhưng dì Ba Lăng không phàn nàn trách Quang |
Được dì Ba Lăng thông cảm, Quang bộc bạch, mỗi lần di chuyển đàn ong chi phí rất lớn, phải từ 2-3 triệu đồng (tùy thuộc vào độ dài quãng đường). Chẳng may ong của mình đốt người thì rất phiền hà như bị kiện ra chính quyền, buộc phải bồi thường và chuyển ong đi nơi khác. “Với điều kiện nuôi hiện tại, nếu phải di chuyển đàn đột ngột, em rất chật vật”- Quang trần tình.
15 tuổi Quang rời Nghệ An vào tỉnh Bình Phước chăn trâu, bò thuê. Dành dụm được chút vốn liếng, thấy người ta nuôi ong vừa lãng tử, vừa thu nhập cao, Quang mạnh dạn đề xuất với cậu ruột nhường lại cho mình 50 thùng ong (tổng chi phí trên 60 triệu đồng).
Quang cho biết, dù trong tay chỉ có được hơn 20 triệu đồng làm vốn, để khởi nghiệp từ 50 thùng ong Quang phải huy động nhiều nguồn từ người thân và vay bên ngoài. “Phần lo cho ong thì em đã trù tính đủ cho đến mùa khai thác mật. Riêng chi phí cuộc sống hàng ngày thì em phải biết lấy ngắn nuôi dài. Chính vì vậy, đi đến đâu em cũng tranh thủ hỏi thăm người dân địa phương để tìm việc làm”.
Công việc làm thêm của Quang trong thời kỳ di cư đàn ong về ấp 1, xã Trị An là làm cỏ mỳ, cạo mủ cao su. “Em phải tự túc cho đến tháng Chạp. Đến mùa thu mật thì mọi khó khăn đã được đàn ong chia sẻ”- Quang bày tỏ.
Cùng nhóm bạn nuôi ong của Quang tại xã Trị An có 6 người gồm: Thành Em (200 thùng), Dũng (220 thùng), Hùng (300 thùng), Lệ (220 thùng), Chín Hà (250 thùng), Dương (170 thùng). Mỗi người tự chọn một hộ dân để xin đặt thùng.
Anh Hùng cho biết, để cho đàn ong đủ mật rừng, mỗi đàn phải đặt xa nhau trong phạm vi bán kính 2 km. Trước khi tìm địa điểm di trú cho ong, nhóm phải cử người đi khảo sát địa bàn, liên hệ với người dân địa và chính quyền địa phương để người cùng ong tá túc.
“Cánh thanh niên, kẻ ham của lạ còn khảo sát thêm cho mình nơi nào có gái đẹp, đàn bà góa tán tỉnh, cốt cho vơi nỗi cô đơn trong những tháng ngày xa nhà, và thể hiện tài tán gái”, anh Hùng nửa đùa, nửa thật nói.
Trong khi đó, một người mới ra nghề như Quang thì khát vọng về tương lai: “Em mong sao ngay mùa mật đầu tiên sẽ thu hồi được vốn đầu tư. Vụ tiếp theo thì nhân tổng đàn lên 100 thùng. Sau đó, sở hữu 500 thùng là vừa”.
Như đàn ong chăm chỉ, Quang khát vọng sẽ thành công từ 50 thùng ong khởi nghiệp |
Lả lơi cùng ong
Là người nuôi ong có tiếng ở tỉnh Đắc Lắc, Sáu Tùng sau khi di cư đàn ong về xã Trị An (nơi có những khu rừng tràm bạt ngàn) đã bén duyên với một bà sồn sồn góa chồng. Hai mùa đánh mật đã qua, Sáu Tùng rất ít khi về quê thăm vợ, ông luôn tìm cớ nấn ná cùng đàn ong nơi đất khách.
Theo anh Hai Tăng (bạn cùng nhóm nuôi ong), Sáu Tùng nuôi ong rất mát tay, đàn ong trên 500 thùng của ông ta mỗi vòng quay mật luôn đạt xấp xỉ gần 2 tấn mật (từ 7 đến 12 ngày/ lần). Vậy mà, Sáu Tùng luôn điện thoại về nói dối vợ, nuôi không lãi, chỉ dư giả được vài triệu đồng sau mỗi lần quay, chỉ đủ trang trải cho sinh hoạt và tái đầu tư.
Ông Năm Huệ (người dân địa phương tại ấp 1, xã Trị An) cho hay, ông chỉ cho những người nuôi ong mượn bóng mát trú ngụ. Chuyện người nuôi ong sinh hoạt ra sao ông chỉ nhắc nhở, họ đừng để ông mất uy tín và mang tiếng xấu với các bà, các chị góa chồng trong làng, trong xã là được. |
Cũng theo Hai Tăng, nghề nuôi ong mật buộc phải bôn ba đây đó, không thể ở cố định một chổ quá lâu. Kết thúc mùa đánh mật (từ tháng 12 năm cũ đến tháng 4 sang năm mới) thì phải di chuyển đàn về những nơi có nhiều hoa tràm (bạch đàn), lúa, bắp, cà phê, cao su, điều, cây ăn trái…để dưỡng ong (từ tháng 5 đến tháng 11).
Người nuôi ong chỉ quay lại nơi đặt thùng cũ chỉ khi nơi đó không có ai đưa ong đến đạt trước mình hoặc nơi cũ vẫn còn nhiều hoa cỏ như năm trước.
Hai Tăng nói: “Thường tụi tôi đi theo nhóm, vừa để hỗ trợ kinh nghiệm, ong chúa, công lao động cho nhau. Đồng thời, chia sẻ nhau những lúc khó khăn và cả chuyện tình cảm”.
Bên đàn ong đang vo ve hút đường, phấn hoa (để trong các thùng nuôi), Chín Hà tâm sự với chúng tôi, người nuôi ong lãng tử như con ong vậy. Nay chỗ này, mai chỗ khác và rất khó cố định một phương. Chuyện gia đình, chăm sóc con cái đều giao cho vợ ở quê nhà.
Đi theo ong chỉ chăm bẵm vào một việc là không để thất thoát đàn, dưỡng ong thật khỏe để chuẩn bị cho mùa khai thác mật. “Đâu phải người nuôi ong nào tính tình cũng lả lơi ong bướm, mê gái, liều lĩnh như Sáu Tùng. Vì đàn ong là cả tài sản của mình, chăm không khéo thì đỗ nợ, vợ con ở nhà nheo nhóc”, Chín Hà cho hay.
Sau khi được ông Năm Huệ (ấp 1, xã Trị An) giới thiệu người thuê công cạo mủ cao su, Quang tỏ ra phấn chấn khoe: “Tuy bám rừng, bám rẫy đặt ong, nhưng không phải nơi nào cũng dễ tìm việc làm. Chính vì vậy, em phải sinh hoạt tử tế, ở uy tín, ngoại giao tốt thì may ra sang năm quay lại vẫn còn chổ để đặt thùng, việc làm”.
Rồi Quang tỉ tê với chúng tôi những câu chuyện mà Quang được những người nuôi ong lâu năm như: Hùng, Thành Em, Chín Hà…kể lại, nếu sinh hoạt không tử tế với dân địa phương, người nuôi ong dễ bị trục xuất đi nơi khác bởi các lý do như xung đột với dân địa phương vì chị em phụ nữ; ong đốt người ; nợ nần và rượu chè, cờ bạc bê tha.
Quang thổ lộ: “Theo kinh nghiệm của các anh chú nuôi ong đã truyền lại cho em, chớ bắt chước ong lả lơi quá đà. Như vậy, rất dễ hư bột hư đường. Mình phải sống như thế nào để đi dân mến, ở dân thương và góp thêm mật ngọt cho đời”.
Đoàn Phú