Làng Vân (tên gọi khác là “làng cùi”, Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng) cái tên gọi đẹp và thơ mộng, nhưng vốn từ xưa là nơi “tránh đời” của bao phận người mang trong mình căn bệnh phong bị người người xa lánh, kì thị….
Nhưng nay, vùng đất sơn thuỷ đã có tên gọi mới: Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp cao cấp Hoà Vân (mức đầu tư 5 tỉ USD), đổi lại, ngày 25/8, hơn 350 nhân khẩu thuộc 127 hộ gia đình ở đây được chuyển vào đất liền (khu nhà liền kề Hòa Hiệp trên đường Nguyễn Tất Thành, quận Liên Chiểu). Sau nửa thế kỷ tồn tại, kể từ đây “làng cùi” chính thức rời xa ký ức người dân...
|
Làng Vân nhìn từ trên cao |
Xót xa làng cùi!
Không phải ngẫu nhiên mà cái tên làng Vân thơ mộng nép mình nơi eo biển bên chân đèo Hải Vân sừng sững có tên gọi khác xót xa hơn là làng cùi, làng hủi… Vào những năm 50-60 của thế kỷ trước, khi mà căn bệnh phong được xếp vào hạng “tứ chứng nan y”, người mắc bệnh phong thường bị người đời xa lánh, hắt hủi. Không còn nơi nương tựa, những phận người không may mắn từ những vùng quê khác nhau ở miền Trung: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… dắt díu nhau tìm đến trú ẩn ở rẻo đất hiểm trở bên chân đèo Hải Vân. Mỗi người một quê xứ khác nhau nhưng có chung nỗi đau, họ xích lại gần nhau để san sẻ lấy tên ngọn đèo làm tên làng của mình. Làng Vân ra đời từ đó!
Làng Vân, qua nửa thế kỷ với bao đổi thay đến chóng mặt, riêng đường đến đây vẫn ghập ghềnh hiểm trở như ngày trước và vẫn là một ốc đảo tách biệt với thế giới bên ngoài. Có chăng, cái khác bây giờ là làng có trường, có tiếng bi bô đọc bài của trẻ con và có thêm đoạn đường bê tông dẫn vào trường. Muốn đến được làng Vân, chỉ có một con đường độc đạo xuyên qua rừng, men theo đường sắt khoảng gần 10km với muôn vàn hiểm hoạ rình rập. Con đường thứ 2 để vào làng là chèo thuyền vượt biển khoảng gần 1 giờ đồng hồ. So với đường núi, đường biển có vẻ “bằng phẳng” hơn, tuy nhiên ở vùng biển khá bình yên này thỉnh thoảng lại có lốc tố bất ngờ nên vào mùa mưa bão dù có liều lĩnh đến mấy người làng Vân vẫn chọn đường núi trơn trượt để đi.
|
Dãy nhà liền kề Hòa Hiệp- nơi người dân làng Vân vào ở |
Bà Năm (72 tuổi), một người dân làng Vân cho hay, giao thông đi lại hiểm trở cộng với nỗi tủi phận, người làng Vân hầu như rất ít khi ra khỏi nơi mình sinh sống. Những mảnh đời khổ đau cứ lặng lẽ kiếm kế mưu sinh bằng việc mò cua, bắt ốc ven bãi biển hoặc đi vào rừng săn chim bắt thú. Cuộc sống chủ yếu tự cung, tự cấp. Như một lẽ sinh tồn bản năng, tụi nhỏ tự tìm đến với nhau chia sẽ nỗi đau, rồi kết tóc xe tơ thành chồng thành vợ.
Mỗi đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời đầu tiên ở nơi này là sẽ chứng kiến đủ hạnh phúc, khổ đau và lo âu của cha mẹ chúng. Cũng không khác lắm với cha mẹ, những đứa trẻ ở làng Vân lớn lên vì nỗi tủi hỗ “đồ con hủi” nên không dám đi ra ngoài, mà nếu có đủ cái “dũng khí” ấy họ cũng không đi vì không bằng cấp, trình độ. Rồi chúng lại lập gia đình với người trong làng, suốt một đời quanh quẩn nghề quăng chài bủa lưới.
Cũng có những đứa trẻ may mắn hơn, được học hành thành đạt nhưng phần lớn sau ngày nhận mảnh bằng tốt nghiệp đại học họ đành ngậm ngùi cúi đầu tạ lỗi ba mẹ, làng xóm để ra đi, rời xa một phần ký ức ở cái làng phong đầy mặc cảm… Thi thoảng, cư dân làng Vân được góp thêm vài nhân khẩu, nhưng chủ yếu họ là những ngư dân không nhà, không cửa, sống cuộc đời lênh đênh mặt nước, thấy chốn bình yên nên dạt vào định cư. Cuộc sống của người mắc bệnh phong ở làng Vân cứ thế loay hoay trong cái vòng tuần hoàn đơn điệu đầy xót xa ấy suốt nửa thế kỷ nay.
|
Chủ nhân của những ngôi nhà mới làng phong |
Vẫn còn nhiều nỗi lo!
Năm 2006, Đà Nẵng đã có chủ trương di dời những công dân Làng Vân vào đất liền nhằm giúp người dân tiếp cận dễ dàng, đầy đủ hơn về mọi mặt như văn hoá, y tế, giáo dục… Năm 2008, thành phố Đà Nẵng đã chấp thuận cho tập đoàn Oaktree (Hoa Kỳ) khảo sát dự án với tổng số vốn đầu tư 5 tỷ USD, biến nơi đây thành khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, bến du thuyền, casino… Tuy nhiên, hầu hết những kế hoạch vẫn chưa được triển khai. Đến tháng 5/2011, chủ trương trên tiếp tục được thực hiện với mức đầu tư 5 tỉ USD của Công ty CP Vinpearl để dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp….Điều đáng nói, ngay từ lúc thành phố có chủ trương di dời những công dân Làng Vân vào đất liền thì họ đã vấp phải khó khăn chưa tiền lệ, đó là vấn đề kỳ thị của cộng đồng, thậm chí là đã đến gần ngày được nhận nhà thì sự “e ngại” của người thành phố với bà con “làng cùi” vẫn chưa thuyên giảm.
“Toàn làng Vân có 127 hộ với hơn 350 nhân khẩu. Chừng ấy con người đồng nghĩa với chừng ấy nỗi ước mơ được sống cuộc sống có điều kiện hơn để con em được học hành, người dân mỗi lúc ốm đau được đến bệnh viện kịp thời…. Biết được điều này, thành phố Đà Nẵng cũng đã có nhiều chủ trương khác nhau nhằm cải thiện đời sống người dân nhưng phải đến hơn nữa thập kỷ, ước mơ ấy đến hôm nay mới thực sự thành hiện thực”, ông Phạm Tấn Xử, Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND phường Hoà Hiệp Bắc cho biết… |
Ngày nhận nhà mới, nhiều người dân làng Vân bên cạnh vui mừng cũng không khỏi lo lắng: “Được vào ở đất liền thích lắm, nhưng không biết về sau sẽ sống ra sao, con cháu mình khi đến trường có bị bạn bè trêu chọc không?.
Theo phân tích của ông Trịnh Khen (50 tuổi quê gốc Phú Yên) cũng như những hộ dân khác, họ đồng lòng với chủ trương của thành phố là ra đi nhường đất cho một dự án lớn. Nhưng, mức đền bù chưa thật sự tương xứng. Phần lớn, hộ dân sinh sống ở đây đều có diện tích đất ở, ruộng vườn rất lớn. Nhiều hộ có từ vài trăm đến cả chục ngàn mét vuông đất.
Thế nhưng, vì chưa được Nhà nước cấp “sổ đỏ”, thành ra giá đền bù rẻ mạt. Trong khi đó, nơi ở mới chỉ là gian nhà cấp bốn, liền kề, chung tường chỉ với 75m2. Không ruộng vườn, không đất đai sản xuất, chúng tôi sẽ sống bằng cách gì với 240.000 đồng/tháng trợ cấp xã hội như hiện nay?”. “Mấy anh chị xem, lúc ở làng Vân, ngoài trồng lúa với đất đai rộng mênh mông, chúng tôi còn nuôi được con heo, gà... để bán kiếm tiền. Chừ vô đây rồi thì chịu chết thôi?”, bà Mai Thị Thối (46 tuổi, quê gốc Huế) nói thêm vào.
“Làng Vân rõ ràng tương lai sẽ là nơi lý tưởng khi không chỉ có bến du thuyền, có đường giao thông, mà còn có cả... cáp treo nối từ thành phố... Nhưng ngược lại, người làng Vân phải đánh đổi để tìm những giấc mơ khác, gần gũi, thiết thực hơn và cũng ẩn chứa nhiều rủi ro khi đối mặt với cuộc sống: cơm, áo, gạo tiền …hằng ngày”, ông trưởng thôn làng Vân cũ ngậm ngùi tại nơi ở mới”. Chia tay khu nhà liền kề của người làng Vân, dẫu ước mơ đổi đời của họ vẫn còn đang gập ghềnh, nhưng chúng tôi tin rằng, những mảnh đời chịu nhiều thiệt thòi ở mảnh đất này sẽ được bù đắp.
Vũ Vân Anh