Các khu nghĩa trang nằm ven quốc lộ, giữa ngã 3, ngã tư tuyến đường trục liên tỉnh, liên huyện, xen kẽ khu ruộng, liền kề khu dân cư,… hình ảnh này dễ dàng bắt gặp ở hầu hết các địa phương, nhất là ở ngoại thành. Việc xây dựng, bố trí các khu nghĩa trang phân tán, thiếu quy hoạch đã, đang và sẽ gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng xấu môi trường sống của người dân.
Nghĩa trang nhân dân An Khê phường Đằng Lâm (Hải An) nằm giữa khu dân cư Ảnh: Trường Giang
|
Từ chuyện đụng đâu cũng có mộ
Đó là thực trạng công tác giải phóng mặt bằng dự án hiện nay. Giải phóng mặt bằng dự án đường ô tô cao tốc đoạn qua huyện An Lão phải di dời tới 1138 ngôi mộ. Cùng với việc bố trí tái định cư, huyện bố trí hơn 104 nghìn m2 phục vụ việc xây dựng các khu nghĩa trang. Chuyện mở đường, xây dựng các khu công nghiệp, dự án,…, đụng đâu cũng có mồ mả rất thường gặp. Dự án xây dựng tổ hợp resort Sông Giá trên địa bàn xã Lưu Kiếm (Thủy Nguyên) có 106 hộ dân và 527 ngôi mộ. Để phục vụ việc di dời, huyện quy hoạch nghĩa trang mới diện tích 1,2ha. Việc di dời các ngôi mộ thường chỉ thực hiện vào dịp cuối năm, người dân kiêng không di dời vào đầu năm. Việc này ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Đây chỉ là một trong nhiều hệ lụy của tình trạng xây dựng các nghĩa trang phân tán, thiếu quy hoạch. Các nghĩa trang tự phát thường được chọn từ các nghĩa địa có sẵn mở rộng thêm, không quy hoạch phân lô, quy định cụ thể hướng đặt mộ và việc bố trí dải cây xanh cách ly, không có hệ thống thoát nước, không có hệ thống mương bao thu gom nước thải từ xác chết phân hủy. Nước thải thoát trực tiếp ra sông, ao hồ, ruộng trũng chung quanh.
Tình trạng nghĩa trang phân tán, thiếu quy hoạch lại rất phổ biến, nhất là khu vực ngoại thành mỗi thôn lại có nghĩa trang riêng, cá biệt thôn có tới 2 khu. Hình ảnh mộ xen giữa đồng ruộng có ở hầu hết các làng quê. Có những khu vực mộ nằm xen kẽ ngay khu dân cư, liền sát ngay nhà dân, như khu vực Cựu Viên (quận Kiến An), khu vực thôn Đâu Kiên, xã Quốc Tuấn (An Lão), ngay ven quốc lộ 10 có khu mộ nằm gần ngã 3 Quang Thanh (An Lão),…
Đến việc xem nhẹ quy hoạch đất nghĩa trang
Việc quản lý quỹ đất dành cho nghĩa trang, nghĩa địa chưa chặt chẽ, buông lỏng. Các gia đình, dòng họ tự khoanh bao lấn chiếm đất nông nghiệp làm quỹ đất nghĩa địa dự trữ cho dòng họ mình. Một số gia đình có phần đất nông nghiệp được chia gần khu nghĩa trang, nghĩa địa của thôn thoả thuận ngầm với dòng họ để bán phần đất nông nghiệp của gia đình mình cho dòng họ làm đất nghĩa trang. Có trường hợp thoả thuận ngầm với nhau mua bán trái phép đất nông nghiệp để sau này sử dụng chuyển sang đất nghĩa địa. Thậm chí có trường hợp còn làm mộ giả để chiếm đất, giữ đất. Trong khi đó, hầu hết các địa phương chưa có qui chế quản lý, định mức cho việc chôn cất các phần mộ, người dân sử dụng còn tuỳ tiện, không theo hàng lối, không có khoảng cách nhất định, không theo quy hoạch chung. Về kiến trúc phần mộ thì cái to, cái bé, cái cao, cái thấp, vừa lãng phí đất, của tiền, vừa mất mỹ quan chung. Việc xây dựng quy hoạch sử dụng đất nghĩa địa được lồng trong quy hoạch sử dụng đất nói chung, định mức cho loại đất này thì chưa cụ thể, chủ yếu dựa vào kết quả thực hiện của các năm trước, kỳ trước để tính diện tích cho kỳ sau, không phân tích được hiệu quả sử dụng đất. Vì vậy quy hoạch thường xuyên bị phá vỡ, quy hoạch loại đất này hầu như chỉ mang tính hình thức. Giá đất ở nghĩa trang nhân dân rất rẻ, hầu hết được tính theo giá đền bù đất nông nghiệp. Trong khi đó, tại nghĩa trang có quy hoạch của thành phố như Phi Liệt, Ninh Hải giá có thể lên tới hơn 10 triệu đồng/suất.
Tình trạng ô nhiễm từ nghĩa trang phân tán này là rất lớn. Ở hầu hết các nghĩa trang và khu dân cư chung quanh nghĩa trang, nước mặt và nước ngầm đều có độ PH thiên về a-xít, hàm lượng co-li-fom vượt tiêu chuẩn từ 20-400 lần, BOD và COD vượt 2-15 lần, NO3 gấp 2-100 lần.
|
Với tốc độ phát triển dân số hiện nay, theo kế hoạch sử dụng đất, dự kiến 10 năm nữa diện tích nghĩa trang trên cả nước tăng thêm 142 nghìn ha, gấp rưỡi hiện tại; tính bình quân một người sống sẽ phải gánh thêm 10-12m2 đất nghĩa trang. Hải Phòng cũng không nằm ngoài xu hướng này. Để tránh sự lãng phí đất và bảo đảm các yêu cầu vệ sinh môi trường, việc quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đối với đất nghĩa trang cần thực hiện sớm. Từ năm 2006, tỉnh Hải Dương triển khai xây dựng bản đồ quy hoạch đất nghĩa trang, nghĩa địa của tỉnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, làm căn cứ để các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn xây dựng quy hoạch sử dụng đất chi tiết cho địa phương mình, đồng thời đề xuất các giải pháp quản lý. Đây là hướng giảm thiểu ảnh hưởng của những nghĩa trang phân tán do lịch sử để lại.
Nguyên Mai