Mới đây, tại Gia Lai, chúng tôi được phép xem bức thư của Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) thừa lệnh Bộ trưởng gửi cho giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai. Nội dung đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tạo mọi điều kiện cho ông Nguyễn Tây Hạ, GV Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập, huyện Kông Chro “sớm được chuyển công tác về trường gần nơi ở, trước mắt giảm bớt khó khăn trong công tác tại Trường THPT Hà Huy Tập.”
Cho đến nay, việc Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo Bộ GD-ĐT luôn lắng nghe ý kiến bức xúc ở cơ sở, không những thế còn trực tiếp đọc và trả lời thư cá nhân không còn là chuyện hy hữu và đã được công chúng ghi nhận như một dấu ấn khó quên.
Gần đây, nhiều người nghĩ rằng, đến một lúc nào đó, Bộ trưởng sẽ “không hơi sức đâu mà đọc cho xuể” những bức thư từ khắp mọi miền gửi đến. Thế mà cả khi Bộ trưởng đã nhận lãnh thêm chức trách quan trọng là Phó Thủ tướng, đi đến các cơ sở trường học, chúng tôi vẫn luôn được nghe các giáo viên bày tỏ việc họ viết thư cho Phó Thủ tướng, Bộ trưởng mà như viết cho người thân thích ruột thịt, chẳng hạn như “Việc này tôi đã có thư gửi lên PTT-BT rồi, tôi biết thế nào PTT-BT cũng sẽ chú ý”, “Nỗi niềm của tôi thế nào cũng được Bộ trưởng lưu tâm”…
Học sinh vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Gia Lai |
Trở lại trường hợp của thầy giáo Nguyễn Tây Hạ ở Gia Lai. Nếu biết được nguyên nhân thầy Hạ gửi thư đến Bộ trưởng hẳn mọi người càng ngạc nhiên và khâm phục về sự lưu tâm của Bộ trưởng. Cách đây hơn 2 năm, Báo Giáo dục và Thời đại đã đăng một loạt bài về trường hợp của GV Nguyễn Tây Hạ phân tích thấu tình đạt lý về trường hợp của GV này. Có thể tóm lược lại như sau: đây là một GV bị nhiều giáo viên và cả lãnh đạo Sở Gia Lai cho là “bất bình thường”, vì liên tục viết đơn thư khiếu kiện gửi các cấp về những biểu hiện sai trái của hiệu trưởng cũng như một số lãnh đạo, GV Trường THPT Hà Huy Tập huyện Kông Chro. Sau khi điều tra thực tế, nắm bắt được hoàn cảnh của GV Nguyễn Tây Hạ khá khó khăn, vất vả, không phải mọi điều Nguyễn Tây Hạ nêu trong đơn thư đều sai sự thật, và nhất là sau đó, Nguyễn Tây Hạ tỏ ra có sự điều chỉnh về tính cách, thái độ ứng xử, Báo Giáo dục và Thời đại đã có bài viết: “đánh kẻ chạy đi chứ không nên đánh người chạy lại”. Sau bài viết này, Báo GD-TĐ đã nhận được thư cảm ơn của giám đốc Sở Gia Lai và cho biết sẽ có sự sắp xếp về đội ngũ tại Trường THPT Hà Huy Tập, đồng thời với việc tạo điều kiện cho GV Nguyễn Tây Hạ. Tuy nhiên được biết những năm qua, mặc dù lãnh đạo Sở có nhã ý điều chuyển GV Nguyễn Tây Hạ đi trường khác nhưng không một trường nào dám nhận vì sợ “một kẻ không bình thường, hay gây sự”.
Bức thư của Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục gửi Giám đốc Sở Gia Lai có ghi rõ sự quan tâm của Bộ trưởng đến trường hợp GV Nguyễn Tây Hạ: “Đời sống gia đình ông hàng ngày gặp nhiều khó khăn, hằng ngày ông đến trường bằng xe máy cách nhà 34 km, phải thuê nhà ở, con nhỏ; cháu lớn mới học lớp 1, cháu nhỏ không có người trông nom, kinh tế gia đình thiếu thốn thường phải vay mượn tiền của đồng nghiệp. Ông đã nhiều lần đề đạt nguyện vọng được luân chuyển về trường gần nhà hơn nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết”… Thật xúc động biết bao khi nhà lãnh đạo đầu ngành hàng ngày phải xử lý trăm công nghìn việc, phải đối đầu với bao thách thức mà vẫn quan tâm đến cuộc sống đời thường của người thầy giáo, hiểu được nỗi khó khăn vất vả của họ. Câu chuyện nhỏ mà ý nghĩa lớn lao, bởi vì đậm tính nhân văn sâu sắc, đưa đến cho tất cả những ai làm công tác quản lý giáo dục một phương châm xử thế: Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, đó là chìa khóa để hóa giải những mâu thuẫn nhằm tạo ra một môi trường thân thiện. Vì chỉ khi nào được sống và làm việc trong một môi trường thân thiện, mỗi người mới có ý thức mình vì mọi người.
Theo GDTĐ