Làng Vân (còn gọi Làng Hy Lạc Viên, thuộc thôn Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng), từng là nơi nương náu của những người bị xa lánh kỳ thị vì mắc bệnh phong. Sau nửa thế kỷ tồn tại, vùng đất sơn thủy hữu tình được nhường lại cho Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp trong tương lai. Đổi lại, bà con được vào đất liền, sống trong khu nhà liền kề ở tổ 13 và 14 phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu).
Nặng lòng với làng xưa
Những ngày cuối năm, khu nhà liền kề Hòa Hiệp Nam nhộn nhịp đón con cháu đi làm ăn, học tập phương xa về vui Tết. Sáu năm nay, cuộc sống đã thôi nơm nớp lo sợ những thiên tai bão lụt như lúc còn ở làng cũ. Cuộc sống nay có sự quan tâm của chính quyền; y tế, giáo dục, chợ búa… đủ đầy hơn. Thế nhưng nỗi nhớ làng cũ vẫn ngập tràn.
Nhắc đến chốn xưa, ông Nguyễn Văn Bốn (58 tuổi) rời đôi bàn tay mất ngón khỏi tấm lưới đang đan dở, hướng ánh mắt về vùng đất bên bờ biển 40 năm gắn bó.
Làng Vân thơ mộng xưa còn có tên gọi xót xa làng cùi, làng hủi… Vào những năm 1950, bệnh phong bị xếp vào loại “tứ chứng nan y”, bị xa lánh hắt hủi. Không nơi nương tựa, nhiều phận đời không may mắn ở khắp các tỉnh miền Trung dắt díu tìm tới rẻo đất hiểm trở bên chân núi Hải Vân. Dù khác quê, nhưng có chung nỗi đau, họ xích lại gần nhau. Làng Vân ra đời từ đó.
Năm 1968, chính quyền cũ xây tại làng một trung tâm điều trị cho bệnh nhân phong, đặt thêm cái tên khác là làng Hy Lạc Viên, mang ý nghĩa hy vọng và niềm vui.
Muốn đến được làng Vân, chỉ có một con đường độc đạo xuyên qua rừng, men theo đường sắt khoảng 10km nguy hiểm rình rập. Con đường thứ hai là chèo thuyền vượt biển gần một tiếng. Có điều vùng biển này thỉnh thoảng lại có lốc tố bất ngờ, nên mùa mưa bão, liều lĩnh đến mấy người làng vẫn chọn đường núi.
Một ngư dân chuẩn bị dong mủng ra biển bắt cá |
Giao thông đi lại hiểm trở cộng với tủi phận, người làng Vân thường co mình trong “ốc đảo”, sống tự cung tự cấp, ngày ngày mò cua bắt ốc, vào rừng săn bắn. Tình yêu giữa những người làng vẫn đâm chồi nảy lộc, dìu dắt vượt qua bạo bệnh, kết tóc se tơ vợ chồng.
Nửa thế kỷ sau, năm 1998, làng được công nhận đơn vị hành chính cấp thôn thuộc Đà Nẵng với 127 hộ, 350 nhân khẩu. Lần đầu tiên dân làng có hộ khẩu, đi bầu cử. Năm 1998 cũng ghi dấu mốc lịch sử của làng khi toàn bộ người Hòa Vân được chữa dứt điểm bệnh phong.
Có điều dẫu làng đã thành “thôn”, tuy nhiên do đi lại khó khăn, nhiều người bị di chứng bệnh tật, nên làng vẫn nghèo nàn, lạc hậu. Nhiều đứa trẻ vượt lên số phận, học hành đầy đủ, nhưng phần lớn sau ngày nhận mảnh bằng tốt nghiệp, đành ngậm ngùi cúi đầu tạ lỗi ba mẹ làng xóm, đi nơi khác lập nghiệp. Thi thoảng làng có thêm vài nhân khẩu, chủ yếu là người không nhà cửa, sống cuộc đời lênh đênh mặt nước, thấy chốn bình yên nên dạt vào định cư.
Ký ức có buồn, nhưng quê hương mình, khi rời xa sao tránh khỏi nỗi nhớ đau đáu. Năm 2008, Đà Nẵng chấp thuận cho một tập đoàn nước ngoài khảo sát dự án với tổng số vốn 5 tỷ USD, dự kiến biến làng Vân thành khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, bến du thuyền, casino… Đến tháng 5/2011, chủ trương trên tiếp tục được thực hiện bởi một công ty khác. Đến nay hầu hết những kế hoạch vẫn chỉ trên giấy, trong khi người làng Vân đã di dời vào đất liền.
Cán bộ biên phòng cho hay có khoảng hơn 10 hộ trở lại làng cũ mưu sinh |
Nỗi niềm bên bờ biển
Trưa một ngày cuối năm, ông Bốn và vợ lại về “quê” thắp nén nhang cho ngôi nhà bỏ hoang nhiều năm nay, thăm lại mảnh đất ân tình.
Đường đi vào làng vẫn gập ghềnh hiểm trở, vẫn là “ốc đảo” tách biệt với thế giới bên ngoài. Có khác chăng là mảnh đất được khoác “sứ mệnh” thành khu du dịch giải trí đẳng cấp trong tương lai. Ông Bốn cười: “Có người ví von làng Vân như cô gái đẹp của Đà Nẵng đã được “gả bán””.
Sau hành trình cuốc bộ chui hầm đường sắt, rồi xuyên rừng, cũng về được làng Vân. Ông Bốn bồi hồi nhớ lại ngày 25/8/2012, khi người làng được đưa vào đất liền sinh sống. Cuộc di dời không chỉ đơn thuần chuyển đến nơi ở mới, mà còn xóa bỏ định kiến mặc cảm người từng bị bệnh.
Ông Bốn tâm tình: “Mọi người hòa nhập và sống tương đối ổn định tại nơi ở mới. Nhưng ai cũng thấy nhớ ngôi làng cũ quá chừng. Hôm đi, tất thảy đều ngoái đầu nhìn lại. Nhìn mãi cho tới bây giờ”. Nặng lòng với nơi mình đã từng gắn bó nửa đời người là điều dễ hiểu. Huống hồ mảnh đất đã che chở những phận đời bất hạnh hơn nửa thế kỷ.
Bà Lê Thị Liễu vợ ông Bốn đi phía sau chồng thì không nói năng gì. Những khi nhớ qua quay về về chẳng phải dựng lại nhà mà chỉ đơn giản nhớ làng, quen bước chân đường rừng, ngó xem cây nhãn trước ngõ lớn chừng nào, đậu trái chưa…
Trung úy Phạm Tiến Đạt, cán bộ Đồn biên phòng Hòa Vân cho hay, thời gian gần đây có khoảng hơn 10 hộ thường trở lại làng cũ chăn bò, nuôi dê, thả lưới bắt cá. Thấy có khách, ông Đặng Hữu Minh (56 tuổi) gom lưới, vác thúng cá mời khách về căn chòi dưới hàng nhãn rợp bóng. Ngồi bệt xuống cát, ông không giấu diếm, dù tái định cư ổn định, nhưng vẫn giữ nếp cũ, dắt theo đàn bò 5 con về làng cũ thả rông, rảnh rỗi bắt con cá.
Hỏi ông “Sao không chịu ở phố?”, ông thành thật: “Tui sợ cảnh giam chân giữa bốn bề bê tông, xe cộ ầm ầm, khói bụi bủa vây”. Ông kể mình sinh ra ở đây, lớn lên, lập gia đình chốn này. Nay đất đã giao hết, nhà cũ bỏ hoang đổ nát, ông và một số hộ khác dựng dãy lều sống ngay mép biển. Thấy chồng đau đáu chốn xưa, bà Lê Thị Hiền (56 tuổi, vợ ông) cũng theo cùng, mỗi sớm lùa bò đi chăn, thả lưới bắt cá, chăm đàn gà vịt...
“Tui sợ cảnh giam chân giữa bốn bề bê tông, xe cộ ầm ầm, khói bụi bủa vây” |
Kế “nhà” ông Minh là chiếc phản lấm cát lọt thỏm trong căn lều bạt của vợ chồng anh Lê Văn Đức (35 tuổi). Anh Đức đang cùng vài hàng xóm túm tụm ăn trưa. Tiếng nói tiếng cười rộn cả bãi cát vắng. Anh Đức sảng khoái, đây mới đúng cuộc sống đích thực thoáng đãng của dân biển. Không lo xe cộ, quần là áo lượt, miễn mỗi ngày được làm công việc mình thạo, lo đủ cơm áo. “Lúc đói có thể thả lưới kiếm vài con cá, leo lên núi hái ít đọt rau. Còn ở phố, nếu không có tiền, chẳng thể nào xoay sở”, vợ anh Đức đang chăm lũ trẻ ngủ ngoài võng, nói vọng vào.