Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, trong khuôn khổ sự kiện 75 năm ngành Lâm nghiệp hình thành và phát triển sẽ diễn ra Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025” với sự tham dự của khoảng 600 đại biểu thuộc các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp cùng các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Lễ kỷ niệm 75 năm ngành truyền thống của ngành Lâm nghiệp nhằm ôn lại lịch sử, giáo dục truyền thống gắn với bồi dưỡng ý chí khát vọng vươn lên, tinh thần tự hào, chủ động sáng tạo của toàn ngành đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.Tuyên truyền về ý nghĩa của các hệ sinh thái rừng đối với đời sống con người, vai trò của kinh tế lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc dân. Đồng thời tri ân, tôn vinh những người có đóng góp, các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động ngành lâm nghoeej cũng như chung tay của toán xã hội trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp.
“Đây là lần đầu tiên trong trặng đường 75 năm hình thành và phát triển ngành lâm nghiệp vinh dự tổ chức sự kiện ngày thành lập…” - Thứ trưởng Hà Công Tuấn chia sẻ.
Cũng trong chuỗi kỷ niệm sẽ diễn ra lễ gắn biển Trung tâm sản xuất giống lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung bộ tại tỉnh Nghệ An.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết, trên chặng đường 75 năm hình thành và phát triển (1945 - 2020), trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều lần thay đổi về tổ chức, nhưng ngành lâm nghiệp đang khẳng định vị thế là một ngành kinh tế vì môi trường, dân sinh, góp phần phát triển bền vững đất nước về kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng.
Về môi trường, từ năm 1990 - 2020, tỷ lệ che phủ rừng tăng trên 14,7% (tăng hơn 1,5 lần), tương đương 5,6 triệu ha rừng. Việt Nam là một trong số ít các nước có tốc độ tăng diện tích rừng ổn định trên thế giới.
Ngành đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án với mục tiêu chung là phát huy chức năng phòng hộ của rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ đa dạng sinh học, là trụ đỡ cho nền kinh tế xanh.
Về xã hội, ngành Lâm nghiệp đã thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá nghề rừng, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo. Ngành Lâm nghiệp đang thu hút khoảng trên 20 triệu lao động. Đặc biệt, ngành đã thu hút được các nguồn lực xã hội thông qua dịch vụ môi trường rừng với trung bình 1.600 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2013 - 2019 để chi trả đến từng người dân.
Về kinh tế, ngành lâm nghiệp đã phát huy lợi thế, phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu lâm sản, năm 2020 dự kiến giá trị xuất khẩu đạt khoảng 13 tỷ USD. Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thế giới, là quốc gia đứng thứ 5 toàn cầu, thứ 2 Châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản.
Người Việt tự hào khi sản phẩm của mình có mặt tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành Lâm nghiệp cao và ổn định, giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 6%/năm gấp 5,6 lần so với giai đoạn 1990 - 1998.
Ghi nhận những thành tích của ngành Lâm nghiệp, nhiều phần thưởng cao quý đã được Đảng, Nhà nước trao tặng cho các tập thể cá nhân đã có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực Lâm nghiệp, như Huân chương Hồ Chí Minh trao tặng cho ngành Lâm nghiệp năm 1995, nhiều cá nhân được phong tặng anh hùng lao động, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ.