Từ Huế vào Sài Gòn mua xe?
Bước xuống từ chiếc xe chở phạm nhân, dáng người mập mạp, hơi thấp, mái tóc ngắn được búi lên gọn gàng, bị cáo Nha không có vẻ buồn rầu hay lo lắng như những phạm nhân khác, trái lại tỏ ra vui vẻ, miệng luôn cười khi thấy mẹ và người thân xung quanh. Ngồi ở hàng ghế dành cho bị cáo chờ phiên tòa bắt đầu, Nha có vẻ bình tĩnh, khác với sự lo lắng của người mẹ cho những gì sắp xảy ra với con gái mình.
Trước đây, giữa gia đình bị cáo và gia đình bị hại từng có mối quan hệ thân thiết. Đặc biệt, gia đình nạn nhân Phúc coi Nha như “cô em út” trong nhà. Hai bên gia đình vẫn thường qua lại giúp đỡ nhau mỗi khi khó khăn. Tình cảm thân thiết hóa rạn nứt khi Nha dựng lên câu chuyện giúp anh Phúc mua chiếc xe Innova nhập khẩu từ Mỹ về với giá 900 triệu.
Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2010, Nha vào TP.HCM lập nghiệp và có quan hệ tình cảm với một người đàn ông sống ở Bình Dương. Nha cùng người yêu chung vốn để mở quán kinh doanh trà sữa. Cũng trong thời gian này, anh Phúc đưa vợ mới cưới vào Nam chơi và ở lại nhà Nha. Qua trò chuyện, Nha biết vợ chồng anh Phúc có ý định mua xe ô tô để cho thuê.
Sau khi anh Phúc trở về Huế, Nha nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của vợ chồng anh Phúc. “Cô em út” đã gọi điện nói dối với Phúc, bên nhà bạn trai mình có người thân ở Mỹ gửi về 1 chiếc xe Innova nhập khẩu, muốn bán với giá 900 triệu.
Lần đầu mua xe, mù mờ không hiểu biết gì, lại nghe tin xe nhập khẩu, bán với giá “ưu đãi” nên vợ chồng anh Phúc tin tưởng nhờ Nha mua xe giúp. Đồng thời anh Phúc cũng cho rằng đây cũng là “cơ hội” để mình thu nợ hai cây vàng trước đây từng cho Nha mượn.
Nha yêu cầu nạn nhân chuyển trước 180 triệu, số còn lại đến khi giao xe sẽ thanh toán hết. Thế nhưng, thực chất không hề có chiếc xe nào nhập khẩu từ Mỹ về. Lo mọi chuyện bại lộ, Nha đã đến Công ty Hiroshima Tân Cảng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) ký hợp đồng mua một chiếc xe Innova (lắp ráp tại Việt Nam) giá 700 triệu, tên người ký trong hợp đồng là bạn trai Nha. Hợp đồng thỏa thuận sẽ thanh toán 30% giá trị, còn 70% sẽ do Ngân hàng Kiên Long bank chi nhánh Sài Gòn chi trả.
Sau khi đóng 50 triệu tiền đặt cọc cho công ty, Nha gọi anh Phúc vào Sài Gòn xem xe. Khi tới nơi, anh Phúc được Nha đưa tới một bãi xe lạ chỉ vào một chiếc xe Innova đã cũ, chứ không hề có chiếc xe nhập khẩu nào ở công ty Hiroshima Tân Cảng như lời Nha đã nói trước đây.
Sự việc diễn ra khiến anh Phúc bất ngờ, nên yêu cầu Nha trả lại tiền. Một lần nữa Nha “giở tro”, hứa hẹn sẽ giao xe ít ngày tới, nếu không sẽ trả lại toàn bộ số tiền đã nhận. Một lần nữa anh Phúc tin lời “cô em gái”, trở về Huế chờ đợi ngày đi lấy xe.
Sau những ngày chờ đợi tin tức, cuối cùng anh Phúc cũng nhận được tin từ Nha gọi về. Nhưng lần này Nha nói có ký hợp đồng mua chiếc xe Innova Việt Nam với giá 700 triệu và nếu anh Phúc đồng ý, sẽ sang tên lại cho anh Phúc. Mong muốn lấy lại tiền, vợ chồng anh Phúc chấp thuận theo lời Nha. Vợ anh Phúc tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản của Nha.
Anh Phúc cho hay, lần thứ 2 vào lấy xe, nhưng đến cuối ngày thì Nha bảo hôm nay là thứ Sáu, cuối ngày rồi ngân hàng không làm việc nên không vay được tiền. Đồng thời, Nha hứa sáng thứ 2 tuần sau sẽ có xe. “Lại chờ, rồi cũng đến ngày hẹn nhưng Nha không giao xe với lý do Ngân hàng không duyệt vay số tiền trên. Tôi yêu cầu Nha trả lại hết số tiền 402 triệu nhưng Nha chỉ trả lại tôi 10 ngàn USD (khoảng 200 triệu VNĐ)”, bị hại nói.
Hình chỉ có tính minh họa |
Bị cáo tố ngược bị hại
Khi đại diện VKS hỏi anh Phúc: “tại sao đã hai lần không mua được xe rồi mà vẫn tiếp tục tin lời bị cáo?”. Anh Phúc trả lời vẻ thật thà: “Dạ, vì vợ chồng tôi quá tin lời Nha. Chúng tôi không nghĩ là Nha bịa ra những chuyện như vậy”.
Tại tòa, khi thẩm phán hỏi: “Lúc bị hại yêu cầu bị cáo trả lại tiền, tại sao không trả mà lại viết giấy đã nhận tiền đặt cọc? Tại sao bị cáo nói không hề biết gì về xe cộ nhưng vẫn hứa sẽ tiếp tục mua xe cho anh Phúc?”. Bị cáo “tố ngược”: “Việc tiếp tục tìm mua xe là do bị hại nhờ bị cáo. Bị cáo không hề nói tiếp tục mua xe và cũng không hề nói đến xe nhập khẩu mà chỉ nói mua xe Innova mà thôi. Chuyện chỉ có vậy. Còn những tình tiết khác là do bị hại bịa ra”.
Thẩm phán hỏi tiếp: “Số tiền lần cuối bị hại chuyển vào cho bị cáo, tại sao bị cáo không chuyển cho công ty bán xe để lấy xe?”. Nha trả lời vẻ bực tức: “Số tiền 10.000USD lần cuối anh Phúc chuyển là anh Phúc nhờ bị cáo trả cho một người tên Giàu ở Tây Ninh và chi phí tiền ăn ở khách sạn, vé máy bay… mà lần trước anh Phúc mượn bị cáo vì đi chơi mất ví. Bị cáo không lấy tiền của ai hết, cũng không có chuyện anh Phúc gửi tiền vào mua xe thêm lần nào nữa”.
Mẹ bị hại xin phát biểu, vẻ ấm ức không kém: “Con tôi sinh ra, lớn lên ăn học ở Huế, lấy mô bạn ở Tây Ninh mà nhờ Nha đi trả tiền. Không ngờ Nha lại gian xảo như vậy, dựng mọi tình huống để chiếm đoạt tiền. Con trai tui cũng vì tin tưởng vào tình bạn mấy chục năm ni nên mới bị lừa. Hồi đó, nghe con đầu tư mua xe làm ăn, tôi cũng dồn tiền cho nó mượn, giờ xe không có, tiền cũng mất. Tất cả vốn liếng của vợ chồng nó coi như bị lừa hết”.
Sau nhiều lần hội ý, phiên tòa kết thúc với mức án 4 năm 6 tháng tù dành cho Nha về tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đoạn đường ra xe về trại giam, bị cáo ngoái đầu nhìn mẹ: “Con sẽ viết đơn kháng cáo”./.