Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định khá đầy đủ và toàn diện trong Phần thứ bảy của Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005. Tuy nhiên, hiện nảy sinh nhiều bất cập về phạm vi áp dụng các quy định của Phần này, nhất là quy định về áp dụng pháp luật Việt Nam, Điều ước quốc tế, pháp luật của nước ngoài và tập quán quốc tế.
Ảnh minh họa |
Rất ít khi được “tin tưởng”
Việc áp dụng pháp luật Việt Nam, Điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán quốc tế trong các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định cụ thể tại Điều 759 BLDS hiện hành. Quy định này cơ bản đã đáp ứng một phần nhu cầu của công dân về việc xác định pháp luật áp dụng đối với các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại có yếu tố nước ngoài mà họ thiết lập.
Đặc biệt, đối với các hợp đồng thương mại quốc tế, các bên tham gia hợp đồng đã ý thức được quyền lựa chọn luật áp dụng đối với các hợp đồng của họ. Hầu hết các hợp dồng thương mại quốc tế, đầu tư, dầu khí, hợp đồng vay vốn, thỏa thuận tái cơ cấu… của các cá nhân, tổ chức kinh tế Việt Nam và tổ chức kinh tế nước ngoài, các hợp đồng đều có điều khoản lựa chọn luật áp dụng.
Tuy nhiên, các bên tham gia hợp đồng rất ít khi lựa chọn pháp luật của Việt Nam bởi các quy định pháp luật Việt Nam thường thiếu tính minh bạch và tính ổn định. Thông thường, các tổ chức kinh tế (ngân hàng hoặc tổ chức tài chính, bảo hiểm) chỉ sử dụng các quy định pháp luật về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài để xử lý một số trường hợp người nước ngoài có tài sản và tài sản nợ tại các ngân hàng Việt Nam hoặc có quan hệ bảo hiểm với các tổ chức bảo hiểm Việt Nam bị chết.
Bên cạnh đó, khi giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế, thương mại có yếu tố nước ngoài, nếu như các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng, thì hầu như Tòa án Việt Nam chỉ áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp mà không viện dẫn lý do tại sao lại áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết các tranh chấp ấy.
Phần lớn các bản án không đưa ra khẳng định tòa án Việt Nam có thẩm quyền đối với các vụ việc cụ thể có yếu tố nước ngoài và cũng không dẫn chiếu áp dụng quy định của Phần 7 BLDS hoặc các văn bản có liên quan để xác định luật nội dung áp dụng giải quyết các tranh chấp. Như vậy, đối với hoạt động xét xử của Tòa án, cho đến nay các quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài gần như chỉ tồn tại về mặt hình thức.
Cần xây dựng Luật Tư pháp quốc tế
Thực trạng trên đã được đưa ra tại tọa đàm tổng kết thực tiễn áp dụng Phần 7 BLDS do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây trong khuôn khổ Dự án JICA. Để hoàn thiện quy định của Phần 7 và nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, nhiều ý kiến cho rằng, cần khẩn trương nghiên cứu và xây dựng các quy định mang tính nguyên tắc cũng như có hướng dẫn chi tiết trong việc áp dụng các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Ngoài ra, cần tìm giải pháp quy định cụ thể hoặc giải thích về khái niệm “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” để cân nhắc áp dụng bởi đây là khái niệm được nhắc đến nhiều và gần như xuyên suốt trong các quy phạm xung đột của Phần 7 BLDS.
Riêng đối với ngành Tòa án, bà Bùi Thị Dung Huyền (TANDTC) kiến nghị phải chú trọng nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ Tòa án qua các hình thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án phù hợp với xu thế hội nhập khu vực và quốc tế như hòa giải, trọng tài theo hướng các bên tự thỏa thuận với nhau và đến Tòa án yêu cầu ra quyết định công nhận sự thỏa thuận này để làm cơ sở pháp lý cho việc có thể cưỡng chế thi hành trong thực tế.
“Giải pháp này sẽ góp phần giải tỏa gánh nặng về khối lượng vụ việc trước mắt cho ngành Tòa án trong bối cảnh Tòa án đang không ngừng cải cách nhằm nâng cao chất lượng xét xử của ngành”, bà Huyền nhấn mạnh.
Giải pháp lý tưởng nhất mà Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) Hoa Hữu Long đề xuất là xây dựng Luật Tư pháp quốc tế nhằm pháp điển hóa các quy định về tư pháp quốc tế làm cơ sở cho việc thiết lập, thực hiện các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của người Việt Nam cũng như người nước ngoài khi xử lý các việc dân sự có yếu tố nước ngoài hoặc giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.
Trường hợp chưa xây dựng Luật Tư pháp quốc tế, theo ông Long, Phần 7 nên có tiêu để là luật áp dụng đối với các vấn đề dân sự có yếu tố nước ngoài và kết cấu lại thành các chương, mục, đồng thời rà soát các quy định về xác định luật áp dụng trong các luật chuyên ngành.
Theo báo cáo tổng kết thi hành Phần thứ bảy Bộ luật Dân sự 2005 mà một số cơ quan, Bộ, ngành gửi Bộ Tư pháp, trong thời gian từ ngày 1/1/2006 đến ngày 31/12/2012, các cơ quan có thẩm quyền đăng ký và quản lý hộ tịch đã thực hiện giải quyết hơn 174 nghìn vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, bao gồm đăng ký khai sinh; đăng ký kết hôn; ghi chú kết hôn; khai tử; nhận cha, mẹ, con; giám hộ; thay đổi, cải chính hộ tịch; đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn; ghi chú ly hôn. Từ năm 2005 đến tháng 3/2013, Bộ Tư pháp đã giải quyết cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài 9.729 trường hợp. TANDTC cũng giải quyết gần 12,5 nghìn vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Bộ Tài chính đã giải quyết 47 vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài liên quan đến các lĩnh vực chứng khoán, cấp thẻ thẩm định viên về giá. Ngoài ra, còn xử lý một số trường hợp về quà biếu, tặng cho, mua sắm tài sản có yếu tố nước ngoài. |
Thục Quyên