(HPĐT) - Ngày 21-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam(sửa đổi); thảo luận tổ về Chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-thành phố Hồ Chí Minh
Bỏ hay giữ lãi suất cơ bản ?
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) đề nghị tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất cơ bản để đảm bảo nguyên tắc Nhà nước quản lý đối với thị trường tiền tệ và làm cơ sở quy định của Bộ Luật dân sự và các văn bản khác. Đại biểu cho rằng, kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi, có thể phát sinh tình huống ngoài khả năng điều tiết bằng các công cụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, cho phép Ngân hàng Nhà nước can thiệp trực tiếp vào cơ chế lãi suất của tổ chức tín dụng để ổn định thị trường như quy định tại khoản 2 Điều 12 là cần thiết. “Khoản 1 Điều 12 có ghi lãi suất tái cấp vốn và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, ở đây phải hiểu lãi suất khác là có cả lãi suất cơ bản. Đại biểu Trần Thế Vượng (Hải Dương) đồng tình: nếu không có lãi suất cơ bản thì điều đó cũng có nghĩa là tội cho vay lãi nặng là cũng không có căn cứ để cho các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện quy định của Bộ luật hình sự. Nếu bỏ thì phải sửa Bộ luật hình sự.
Ngược lại, một số đại biểu lại đồng ý với việc bỏ lãi suất cơ bản. Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, tình huống có diễn biến bất thường trên thị trường tiền tệ, Ngân hàng nhà nước vẫn không thiếu công cụ điều tiết. Để xây dựng nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, các tổ chức tín dụng Việt Nam phải hoạt động tuân theo quy luật cung tiền thực sự, theo nguyên tắc thỏa thuận tối đa. Còn lo ngại “vướng” Bộ luật dân sự, hình sự, đại biểu cho rằng dự luật vẫn có sự mở lối với quy định trong trường hợp thị trường có diễn biến bất thường. Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) lý giải: Khi thị trường bình thường thì chúng ta nên bỏ lãi suất cơ bản và chứng minh bằng quý I năm 2010 Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra lãi suất thỏa thuận tức khắc lãi suất tự nhiên xuống. Nếu để lành mạnh thị trường tiền tệ thì khi thành lập các ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra các điều kiện khắt khe để khi các ngân hàng này vào thị trường có đủ mạnh để có thể hoạt động một cách tốt.
Cần làm rõ hiệu quả của dự án, khả năng huy động vốn
Về chủ trương thực hiện Dự án đường cao tốc Bắc-Nam, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) đề nghị phải tính rõ tính hiệu quả đối với toàn xã hội, với ngành giao thông vận tải thế nào, khả năng huy động vốn ra sao. Cả hai vấn đề này Chính phủ chưa làm rõ. Chúng ta phải hiểu rằng dự án này thực hiện bằng vốn vay mà chủ yếu là vốn vay nước ngoài, vậy khả năng hoàn vốn đến đâu? Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, nếu nhìn về tương lai thì chúng ta mơ ước dự án này trở thành hiện thực. Nhưng vì số tiền quá lớn trong lúc thực lực ngân sách có hạn nê chúng ta cần cân nhắc. Trên thế giới, chỉ mới có 11 nước đầu tư vào loại hình này. Vì vậy, cần cân nhắc năng lực và nhu cầu về dự án.
Ủng hộ chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Bá Thiều (Hải Phòng) cho rằng, đây sẽ là sản phẩm của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển và mang lại nhiều hiệu quả về cả kinh tế, chính trị, xã hội,sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ách tắc trong vận chuyển hành khách Bắc-Nam trong những năm qua. Tin tưởng về khả năng trả nợ khi tổng thu nhập quốc dân tăng trong những năm tới, đại biểu đề nghị Chính phủ tính toán, xác định trách nhiệm trong sử dụng nguồn vốn vay, trách nhiệm trong thực hiện để tránh thất thoát, lãng phí.
Hơn 55 tỷ USD cho Dự án đường cao tốc Bắc-Nam Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư của Dự án sơ bộ được xác định là 1.066.792 tỷ đồng, tương đương 55.853 triệu USD. Ước tính có 16.529 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó 9.480 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng do mất đất ở và 7.049 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng do mất đất sản xuất. Chiều dài toàn tuyến Bắc - Nam: Hà Nội - Hòa Hưng (TP Hồ Chí Minh): 1.570km. Tốc độ khai thác: 300km/giờ (vận tốc thiết kế 350km/giờ). Độ rộng đường sắt: 1.435mm. Thời gian chạy tàu: Hà Nội-Vinh: 1 giờ 24 phút. Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang: 1 giờ 30 phút. Hà Nội-Hòa Hưng: 5 giờ 38 phút (tàu nhanh) và 6 giờ 51 phút (tàu thường). |