Làm "ôsin" hầu hạ...người chết

Làm ôsin cho người chết tuy hơi kỳ quặc, nhưng có lẽ còn nhàn hạ hơn làm ôsin cho người sống anh nhỉ? Người chết có quát nạt, mắng nhiếc được đâu?

Làm ôsin cho người chết tuy hơi kỳ quặc, nhưng có lẽ còn nhàn hạ hơn làm ôsin cho người sống anh nhỉ? Người chết có quát nạt, mắng nhiếc được đâu? Mới đây, theo anh bạn lên Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng (xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Nội) để viếng người thân, tôi đã bị choáng ngợp bởi khung cảnh nơi đây: một khu nghĩa địa rộng lớn, mênh mông ngút tầm mắt. Những vuông đất đã được chia lô, cứ như thể một khu đô thị. Người ta xây tường bao, xây dựng các công trình liên quan đến ngôi mộ. Nhiều công trình mồ mả cầu kỳ, đẹp đẽ không khác gì một khu biệt thự giữa một khu rừng ôn đới, lại có những ngôi mộ như những lâu đài thu nhỏ giữa một rừng hoa. Lang thang dọc khu vực “biệt thự mộ”, tôi dừng chân trước một ngôi mộ rộng gần 200 mét vuông. Theo anh Nguyễn Văn Quang, Trưởng Ban quản lý công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, mỗi mét vuông đất ở nghĩa trang có giá 5 triệu đồng. Như vậy, riêng tiền mua đất của ngôi mộ này đã là ngót 1 tỉ đồng. Qua chiếc cổng gỗ thấp lè tè, lạc vào khuôn viên ngôi mộ rộng tương đương với mảnh đất của biệt thự liền kề, tôi không có cảm giác như vào một khu mộ, mà như lạc vào một vườn hoa thơm cỏ lạ. Dọc lối đi là những khóm hoa đỗ quyên đỏ rực. Hai bên là những ô đất chia nhỏ, được trồng bằng loại cỏ thường dùng ở các sân vận động đẳng cấp. Xung quanh tường bao là tre trúc và liễu rủ thơ lơ.
Ngôi "mộ biệt thự" rất đẹp của ông  Nguyễn Văn H. (Ảnh: Phạm Nguyệt  Diễm)
Ngôi "mộ biệt thự" rất đẹp của ông Nguyễn Văn H. (Ảnh: Phạm Nguyệt Diễm)
Con đường lát sỏi dẫn đến trung tâm phần mộ khá giản dị, ấm cúng. Trong ánh chiều tà, người đàn bà dáng vẻ lam lũ đang trằn lưng tỉ mẩn lau từng ngóc ngách phần mộ. Người nằm dưới ngôi mộ quý tộc này là ông Nguyễn Văn H. Trông người đàn bà lam lũ kia, hẳn không phải người thân của người nằm dưới ngôi “mộ biệt thự” này. Tôi hỏi, chị bảo: “Em làm công việc chăm sóc cho phần mộ này anh ạ. Người ta vẫn gọi em là ôsin cho người chết. Người sống có ôsin là chuyện bình thường rồi, người chết giờ cũng cần có ôsin anh ạ! Người giàu sướng thế, chết rồi vẫn có người chăm sóc, hầu hạ”.
Mô tả ảnh.
Công việc hàng ngày bên ngôi "mộ biệt thự" của chị Phùng Thị Đảm. (Ảnh: Phạm Nguyệt Diễm)
Sau khi lau sạch bóng khu phần mộ, người đàn bà lam lũ dẫn tôi ra góc khuôn viên phần mộ ngồi trò chuyện. Chỗ này, chủ nhân ngôi mộ lợp cả mái che, có ghế xích đu, ghế đá dưới những hàng cây rợp bóng. Lại còn có cả cái tủ đá lớn, bên trong chứa ngập bát đĩa, xoong nồi. Đến ngày giỗ, con cháu người chết kéo lên, căng bạt thành mái che, rồi tổ chức nấu nướng, cúng bái, ăn uống tới 10 mâm cỗ ngay trong khuôn viên ngôi mộ.  Người đàn bà chăm sóc ngôi “mộ biệt thự” này là chị Phùng Thị Đảm, nhà ở xã Vật Lại, cách nghĩa trang Vĩnh Hằng 3km. Cuộc đời chị Đảm tràn ngập bi kịch. Nhà nghèo, không được học hành gì, lớn lên thì được cha mẹ gả chồng cho một anh trong làng, cũng nghèo rớt nghèo rãi.
Ngoài việc chăm sóc phần mộ, chị Đảm  còn phải trông nom, bảo vệ ngôi  mộ.  (Ảnh: Phạm Nguyệt Diễm)
Ngoài việc chăm sóc phần mộ, chị Đảm còn phải trông nom, bảo vệ ngôi mộ. (Ảnh: Phạm Nguyệt Diễm)
Vợ chồng đầu tắt mặt tối kiếm miếng ăn, với mấy sào ruộng cằn cỗi. 6 năm trước, khi bé út chập chững biết đi, thì chồng tử nạn vì bị một chiếc xe máy tông vào khi đang cuốc bộ trên đường đi làm đồng về. Một nách nuôi 3 đứa con lóc nhóc, chị vất vả nhiều hơn. Đúng lúc túng quẫn vì bữa no, bữa đói, thì Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng xây dựng. Ông Giám đốc Nguyễn Mạnh Thản, ông chủ khu du lịch Ao Vua và cũng là ông chủ nghĩa trang này, vốn là người Ba Vì, đích thân về xã, chọn những người có hoàn cảnh khó khăn, cần công ăn việc làm đưa về Công ty công viên Vĩnh Hằng để làm công nhân. Chị Đảm là người khó khăn nhất, nghèo khổ nhất xã, nên được ông Thản tuyển chọn. “Công việc chính của em là làm công nhân cho công ty đấy chứ, có phải làm ôsin cho người chết đâu. Nhưng nhiều người có nhu cầu cần thuê người chăm sóc mộ, mà em thì lại cần tiền, cần việc làm, nên thành ôsin cho người chết thôi” – chị Đảm giải thích.
Để những khu mộ rộng mênh mông thế  này sạch sẽ  tinh tươm, không thể thiếu bàn tay chăm sóc của những người  làm công  việc ôsin cho người chết. (Ảnh:  Phạm Nguyệt Diễm)
Để những khu mộ rộng mênh mông thế này sạch sẽ tinh tươm, không thể thiếu bàn tay chăm sóc của những người làm công việc ôsin cho người chết. (Ảnh: Phạm Nguyệt Diễm)
Thương người đàn bà nghèo khó, bất hạnh, ông giám đốc Thản đã dành riêng một căn phòng ở cạnh Ban quản lý công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng cho 4 mẹ con chị Đảm ở miễn phí. 6 năm qua, chị làm việc ngày đêm ở nghĩa trang này, 3 đứa con cũng lớn lên bên những ngôi mộ. Đứa lớn giờ đã 13 tuổi, bé thì đã 8 tuổi. Các cháu đều được ăn học đầy đủ nhờ công việc công nhân chăm sóc mồ mả và công việc ôsin cho người chết. Người thuê chị Đảm làm ôsin cho người đã khuất là bà H. Bà H. là giáo viên, đã về hưu, nhà ở khu vực Đại học Bách Khoa (Hà Nội). Người đàn bà này quá thương, quá yêu chồng, nên đã dành rất nhiều tâm trí, tiền bạc vào khu mộ của chồng. Ngày ông mới mất, hầu như bà H. sống ở trên ngôi mộ này. Bà sắm cả xoong nồi, bát đĩa, làm cả mái che, trồng rất nhiều loại cây, hoa trong mộ chồng. Tuy nhiên, sức khỏe của bà yếu dần, không đi lại thường xuyên được, nên đã nghĩ ra chuyện thuê chị Đảm làm công việc chăm sóc phần mộ chồng bà. Tôi hỏi mức lương công việc làm ôsin cho người chết, chị Đảm có vẻ không muốn nói, chỉ bảo: “Cũng chỉ là làm thêm, nên thấp lắm anh ạ. Được đồng nào hay đồng ấy, nên em cứ làm thôi”. Ban ngày, chị Đảm vẫn làm công việc của một công nhân ở nghĩa trang, nhưng chiều xuống, thậm chí cả đêm, chị dành cho việc chăm sóc khu mộ. Công việc hàng ngày cũng khá vất vả. Chị phải lau chùi phần mộ, các công trình xung quanh mộ cho sáng bóng, rồi nhổ cỏ dại, cắt cỏ cho phẳng, quét lá khô, bắt sâu, bón phân cho cây cối, thậm chí là phun thuốc sâu. Việc vất vả nhất là tưới nước. Chị Đảm phải xuống tận chân đồi gánh từng xô nước lên tưới. Những ngày nắng nóng, khô hạn, công việc này càng vất vả hơn. Xong mọi việc thì chị thắp nhang cho phần mộ ấm cúng. Vào những ngày rằm, lễ, bà H. sẽ gọi điện cho chị Đảm, yêu cầu chị mua đồ, thường là bánh, giò, hoa quả, gà luộc, xôi, rượu, vàng mã… rồi thắp hương trên phần mộ, khấn vái thay cho bà. Hương khói xong, chị Đảm mang lộc về dùng. Tình hình về ngôi mộ như cây nào héo, chết, cây nào nở hoa… cũng được chị Đảm liên tục báo cáo qua điện thoại. Cứ hết tiền điện thoại, bà H. lại nhắn mã số thẻ để chị tự nạp tiền. Bà H. cũng lo quần áo cho chị mặc, lo sách vở cho bọn trẻ con nhà chị. Chị Đảm nói vui: “Làm ôsin cho người chết tuy hơi kỳ quặc, nhưng có lẽ còn nhàn hạ hơn làm ôsin cho người sống anh nhỉ? Người chết có quát nạt, mắng nhiếc được đâu?”. Chị Đảm nở nụ cười đầy ám ảnh, rồi chị tiếp tục công việc cắt cỏ. Cắt xong cả trăm mét vuông cỏ cho bằng phẳng, quả là công việc không nhàn hạ gì. (Còn nữa)
Theo Phạm Nguyệt Diễm
VTC

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.