Xác định cà phê, chè và dâu tằm là các “mũi nhọn” để đột phá - tăng tốc phát triển kinh tế xã hội, năm 2008, Huyện ủy Lâm Hà đã ban hành Nghị quyết số 16NQ/HU. Nội dung của nghị quyết chuyên đề này là khôi phục và phát triển vùng chuyên canh dâu và chè chất lượng cao nhằm có được một vùng cây nguyên liệu vững chắc phục vụ ngành chế biến nông sản đang ngày càng được mở rộng ngay tại địa bàn.
Trồng Quýt ngọt tại Lâm Hà. |
Ông Nguyễn Văn Tự - Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, Lâm Hà hiện đã có vùng cây nguyên liệu vào loại lớn và tập trung của tỉnh gồm 39.255 ha cà phê, 406 ha chè, 1.432 ha dâu tằm. Tuy có diện tích lớn và năng suất hàng năm đều tăng so với năm trước, song do giá cả và đầu ra của nông sản không ổn định nên phần lớn nông dân của huyện lâu nay vẫn còn nặng tư tưởng chạy theo lợi ích trước mắt mà chưa quan tâm nhiều tới lợi ích lâu dài; cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở ở một số điạ phương của huyện lại cũng chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề này. Do vậy, để xây dựng vùng cây nguyên liệu ổn định bền vững với năng suất và chất lượng cao, cùng với việc nâng diện tích lên khoảng 2.800 ha dâu tằm, 508 ha chè và 40.200 ha cà phê, ngành nông nghiệp Lâm Hà chủ yếu tập trung đầu tư cho thay đổi cơ cấu giống, đưa tiến bộ KHKT vào thực tế sản xuất, đồng thời cương quyết chỉ đạo bà con nông dân cơ cấu cây trồng theo đúng kế hoạch của huyện ở từng vùng, tiểu vùng. Thực hiện định hướng này, ngoài ngân sách của UBND tỉnh đầu tư cho địa phương từ các chương trình nông nghiệp trọng tâm như chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nông nghiệp công nghệ cao… UBND huyện đã chi ngân sách địa phương hàng trăm triệu đồng mỗi năm hỗ trợ nông dân thay đổi giống dâu cà phê và dâu tằm ở những vùng quy hoạch (riêng năm 2009, ngân sách tỉnh và huyện đã chi cho công việc này gần 1,2 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm nay đã hỗ trợ nông dân trồng mới 260 ha dâu tằm). Tới tháng 6/2010 vừa qua, toàn huyện chuyển đổi được 3.873 ha cà phê catimo chưa kể hàng trăm ha cà phê ghép chồi và phần lớn diện tích dâu đang canh tác đã được thay thế bằng các giống dâu mới như bầu đen, dâu lai. Riêng với cây chè, mặc dù không nằm trong vùng quy hoạch của tỉnh nhưng hiện tại đã có một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tới liên kết với huyện trồng chè chất lượng cao bằng các giống chè ngoại nhập với phương thức Nhà nước(cụ thể là UBND huyện) hỗ trợ 60% giá cây giống, 40% còn lại do doanh nghiệp liên kết đầu tư trực tiếp cho nông dân; hiện tại đã có 4 doanh nghiệp tới Lâm Hà liên kết trồng mới 170 ha chất lượng cao như Kim Tuyên, O Long, Thúy Ngọc theo phương thức này (toàn huyện hiện có 200 ha chè chất lượng cao). Chủ trương đầu tư hỗ trợ nông dân trồng và thâm canh cà phê, chè, dâu tằm được triển khai với từng loại cây phù hợp với định hướng của ngành nông nghiệp huyện dựa vào các điều kiện tự nhiên có thế mạnh của từng vùng và chỉ tập trung hỗ trợ các hộ dân có diện tích trồng thuần theo hướng đầu tư thâm canh. Theo đó, các địa bàn đầu tư trồng mới cây dâu như Đông Thanh, Gia Lâm, Mê Linh, Đan Phượng được ngân sách huyện hỗ trợ trực tiếp 100% giống dâu lai Quế ưu và 20% lượng phân bón và không quá 1 ha/hộ; cây cà phê được hỗ trợ 50% đơn giá cây giống… cùng với việc nâng cao khả năng thâm canh. Theo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện, với định hướng đúng và tập trung đầu tư Lâm Hà đến nay đã có được vùng cây nguyên liệu bền vững và ổn định, thu hút được 20 cơ sở sản xuất giống tằm, 7 cơ sở ươm tơ, 1 cơ sở dệt lụa tơ tằm, 3 cơ sở thu mua- chế chè và một số doanh nghiệp thu mua - chế biến cà phê như Công ty Thái Hòa - Lâm Đồng… và hiện đang là địa chỉ thu hút nhiều doanh nghiệp tới địa bàn đầu tư các cơ sở thu mua - chế biến lĩnh vực nông sản. Từ kết quả này, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 của ngành nông nghiệp Lâm Hà đã đạt trên 9,6%/ năm. Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ở Lâm Hà năm nay ước đạt 1.445 tỷ đồng - chiếm tỷ lệ 61,7% tổng giá trị sản xuất kinh tế năm của cả huyện.
Đức Hưng