Bên cạnh việc tập trung đầu tư mạnh cho sản xuất nông nghiệp, huyện Vĩnh Bảo đặc biệt chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung cho giá trị kinh tế cao...
Ở thôn Kim Ngân (xã Vĩnh An), là hình ảnh làng quê yên bình, xanh, sạch, đẹp của mảnh đất nằm ở phía Bắc quốc lộ 10. Giữa các xóm dân cư là những con đường bê tông, những ngôi nhà mái ngói truyền thống…, nổi bật giữa vườn cây chuyên canh ngút tầm mắt.
Hì hục khiêng những quả dưa hấu chất lên chiếc xe tải nhỏ đang chờ sẵn bên vệ đường, anh Nguyễn Văn Cảnh cho biết: “Mấy năm gần đây, với củ đậu, dưa hấu và thuốc lào chuyên canh, mỗi năm vợ chồng tôi thu về không dưới 100 triệu đồng. Nhờ nó mà cuộc sống gia đình mới khá lên, chứ cứ bám riết với cây lúa thì biết đến khi nào thoát khỏi cái nghèo”.
Nông dân thôn Hội Am, xã Cao Minh (Vĩnh Bảo) thu hoạch cá giống. |
Ở thôn “Vàng Bạc” này, không riêng vợ chồng anh Cảnh mà nhiều người dân cũng biết làm giàu . Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh An Vũ Tiến Hòa cho biết, địa phương đã quy hoạch hàng loạt cánh đồng chuyên canh các loại cây trồng như: dưa các loại, củ đậu, thuốc lào… với tổng diện tích gần 50 héc ta, bình quân mỗi năm 1ha đất ở vùng này cho thu nhập khoảng 100 đến 120 triệu đồng...
Không chỉ chọn hướng đột phá từ vùng sản xuất cây trồng tập trung, Vĩnh An còn trú trọng xây dựng vùng chăn nuôi tập trung. Hiện, khu vực chăn nuôi của xã có diện tích hơn 30ha, trong đó, 15 trang trại lợn với quy mô 600 con/trại, 7 trang trại gà với quy mô 5000 con/trại. Ông Hòa cho biết thêm, bình quân mỗi trang trại thu nhập từ 100-120 triệu đối với gà và 150-180 triệu đồng đối với lợn, sau khi trừ chi phí.
Khác với Vĩnh An, nông dân xã Cao Minh quyết định lấy cây lúa và nghề sản xuất cá giống truyền thống để tạo bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp. Phó chủ tịch UBND xã Cao Minh Đỗ Văn Thiết cho biết, những năm qua xã sớm nhìn ra các lợi thế để đầu tư, phát triển nền kinh tế theo hướng “chuyên canh”. Bước đầu xã xây dựng các vùng sản xuất tập trung gồm: 426ha đất trồng lúa với năng suất 12,7 – 13 tấn/ha/2 vụ; 53ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 28ha chuyển từ vùng đất trũng trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản chuyên canh, thu nhập 200 triệu đồng/năm (sau khi trừ chi phí). Cũng nhờ chọn cây lúa và cá giống làm hướng mũi nhọn trong phát triển kinh tế hộ, thời gian qua hàng trăm gia đình ở Cao Minh thực sự thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhanh chóng. Hiện, toàn xã chỉ còn 7,3% số hộ nghèo.
Trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với việc xây dựng những vùng sản xuất hàng hóa tập trung nhằm từng bước nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích được xem là hướng đi chính trong phát triển nông nghiệp của huyện Vĩnh Bảo. Đây cũng là nội dung trọng tâm mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH TƯ Đảng (khóa 10) đặt ra. Nhờ vậy, kinh tế của huyện trong những năm qua có bước tăng trưởng đáng kể, nhiều chỉ tiêu về KT-XH vượt so với nghị quyết đề ra, tiềm lực kinh tế ngày càng phát triển. ./.