“Bỏ qua” tiêm phòng, con… mang họa
Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”, sinh ra, lớn lên rồi lấy chồng, sinh con khi còn chưa đủ tuổi kết hôn, cô bé Lường Thị Kết (17 tuổi), người dân tộc Thái ở Kim Bôi, Hòa Bình nào có nghe nói đến chuyện tiêm phòng trước khi mang thai.
Chuyện siêu âm, khám thai thường kỳ lại càng trở lên quá xa xỉ với vợ chồng cô. Để rồi khi đứa con mà cô mang nặng đẻ đau suốt 9 tháng 10 ngày cất tiếng khóc chào đời, cả nhà mới tá hỏa khi nhìn thấy hình hài dị dạng của bé (hốc mồm, hốc mũi của bé gần như thông với nhau, hai ngón tay út và áp út thì không thể tách rời). Nhìn con thơ ngơ ngác với khuôn mặt kỳ dị “vừa như khóc, vừa như cười” mà người mẹ trẻ như “đứt từng khúc ruột”.
Với trường hợp của chị Nguyễn Thị Xuyến (28 tuổi, Vũ Thư, Thái Bình) cũng bi đát không kém. Chị kể: “Nghe đài báo, thậm chí đài truyền thanh của xã nói về việc tiêm phòng trước khi mang thai cũng nhiều. Nhưng phần vì bận việc ruộng đồng, hơn nữa nghĩ chắc số không may mắn đó chả rơi vào con mình nên tôi bỏ qua việc tiêm phòng, ai ngờ…”.
Theo chị Xuyến cho biết, trong quá trình mang thai chị có bị sốt một lần và nổi mẩn khắp người, nhưng nghĩ chỉ là do nóng quá bị phát ban nên chị cũng không đi khám. Đến lúc sinh con các bác sỹ nói con bị dị tật là do mẹ mắc bệnh rubella vợ chồng chị mới bàng hoàng nhớ lại.
“Giờ có hối hận thì cũng quá muộn rồi. Giá như có thể đổi cả tính mạng của mình cho con có khuôn mặt lành lặn tôi cũng cam lòng. Hy vọng ca phẫu thuật sẽ thành công để xoa dịu nỗi đau cho con tôi, nếu không tôi sẽ phải dằn vặt cả đời…”
An toàn cho cả mẹ và con – tiêm phòng trước khi mang thai!
Theo các chuyên gia y tế, với phụ nữ đang mang thai mà bị sốt cao trên 38 độ C, do nguyên nhân nhiễm trùng như nhiễm vi khuẩn, virus cúm, rubella… có thể tấn công trực tiếp vào thai nhi gây nhiều biến chứng đáng lo ngại. Nếu nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C, sốt cao kéo dài thì hết sức nguy hiểm và có thể là một dấu hiệu báo trước mẹ bị nhiễm trùng nghiêm trọng gây dị dạng, dị tật ở con. Do vậy, nhiều trường hợp các bà bầu đã được khuyến cáo hoặc chỉ định bỏ thai nhi chỉ vì không may mắc cảm cúm, sốt virus, rubella…
Cảnh báo về sự nguy hiểm của bệnh do virus, các nghiên cứu khoa học cho biết, các bệnh nhiễm trùng do virus có thể là cấp tính, mạn tính, tiềm tàng hoặc nhiễm trùng chậm và cũng có thể gây ung thư. Khi virus nhân lên bên trong tế bào, nhiễm sắc thể của tế bào có thể bị gẫy, bị phân mảnh hoặc có sự sắp xếp lại, gây ra hậu quả sau nhiễm virus.
Sự sai lệch nhiễm sắc thể thường gây ra tai biến cho thai nhi ở phụ nữ có thai trong những tháng đầu. Chính bởi vậy, tiêm phòng trước khi mang thai là rất cần thiết để an toàn cho cả mẹ và con. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, tùy vào điều kiện của từng người có thể tiêm nhiều hay ít các loại vắc xin.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay rất ít phụ nữ biết sự cần thiết của tiêm phòng trước khi mang thai. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến các hậu quả đau lòng trên…
Cụ thể, theo Bác sỹ Hoàng Tuyết Mai, Phòng khám đa khoa Hà Đông, Hà Nội, đối với bệnh sởi - rubella: Nếu người mẹ bị nhiễm rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ sẽ lây cho thai nhi gây ra sẩy thai hoặc nhiều dị tật bẩm sinh cho trẻ như mù, điếc, suy dinh dưỡng bào thai, dị tật ở tim; chậm phát triển tinh thần, tật đầu nhỏ, viêm não - màng não...
Vì vậy, trước khi để có thai ít nhất 3 tháng, phụ nữ nên đi tiêm phòng rubella. Tuy nhiên, nếu đã bị nhiễm rubella trước đó (được bác sĩ chẩn đoán hoặc làm xét nghiệm máu dương tính) thì không cần tiêm phòng nữa. Đối với phụ nữ không được tiêm phòng sởi khi chuẩn bị mang thai cần đến cơ sở y tế để được tư vấn cụ thể. Nếu mẹ mắc bệnh sởi trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ thì nguy cơ dị dạng thai nhi là rất lớn.
Còn trong giai đoạn tiếp theo của thai kỳ thì nguy cơ bị sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc thai nhiễm sởi tiên phát... cũng khá cao. Bên cạnh sởi – rubella, các bà mẹ tương lai cũng phải hết sức quan tâm đến việc tiêm phòng bệnh viêm gan siêu vi B (VGSVB).
Tại các nước đang phát triển như nước ta, VGSVB được lây truyền chủ yếu qua các đường từ mẹ truyền sang con, truyền máu, thực hành tiêm truyền không an toàn, quan hệ tình dục. Thống kê cho thấy nếu mẹ mang thai bị VGSVB trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì tỉ lệ lây truyền bệnh cho trẻ sơ sinh không đáng kể (1%) nhưng nếu mẹ bị VGSVB trong 3 tháng giữa, nguy cơ lây truyền cho trẻ là 10%-20%, nguy cơ này tăng lên đến 90% nếu mẹ bị nhiễm bệnh trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Phụ nữ có thể bị nhiễm VGSVB trước hoặc bất kỳ lúc nào trong thời gian mang thai. Vì thế phụ nữ nên tiêm chủng vắc xin phòng VGSVB trước khi mang thai để tránh lây truyền cho con.
Ngoài ra, chị em cũng nên tiêm phòng cúm trước khi có ý định mang thai để phòng tránh phòng tránh dị tật thai khi bị cúm trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên, văc xin tiêm phòng cúm thường hiệu lực chỉ trong 1 năm. Vì vậy, phòng chống cúm khi mang thai là một yếu tố cần thiết của việc chăm sóc trước sinh, và các chiến lược hiệu quả nhất để ngăn ngừa cúm là tiêm chủng hàng năm.
Không chỉ có vậy, đối với phụ nữ đang mang thai, mối nguy hại của bệnh thủy đậu cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi, cụ thể khoảng 2% số bé có mẹ mắc thủy đậu trong 5 tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ mắc dị tật, gồm dị dạng hình thể, liệt chân tay. Không chỉ thế, người mẹ mắc thủy đậu còn có thể chuyển virus gây bệnh này sang cơ thể con trong khi sinh nở. Vì vậy, trước khi chuẩn bị có bầu, phụ nữ nên tiêm phòng bệnh thủy đậu một lần duy nhất và ít nhất 3 tháng sau đó mới nên có em bé./.