Xin dự án ở Hà Nội khó quá, có dự án đi xin 10 năm chưa được, một chủ đầu tư bất động sản trong một cuộc gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm đầu tư mới đây.
Khác với TP HCM và Đà Nẵng, các nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội đều nhận thấy, việc đi xin dự án tại Hà Nội trong những năm qua gặp rất nhiều khó khăn.
Quỹ đất của Hà Nội hạn hẹp, lại đang lập quy hoạch chung Thủ đô cho nên vấn đề xin dự án dường như gặp trở ngại rất lớn. Điều này rất khác biệt so với thị trường TP HCM, nơi đô thị đã mở ra rất rộng lên đến hàng chục km2, quỹ đất huy động nhiều hơn đã đẩy giá nhà ở mềm hơn so với Hà Nội, và cũng tạo cơ hội rộng mở hơn cho các nhà đầu tư.
Quỹ đất dự án của Hà Nội hiện nay gần như không còn. Ngay cả khu mở rộng phía Tây thì cũng đã có chủ, được “phân chia” thành 3 nhóm chính: Các Tổng Công ty (Dầu Khí, Vinaconex, HUD, Sông Đà, Handico, UIDC…), các nhà đầu tư nước ngoài đã được cấp phép trước đây khi thị trường khát vốn và nhóm các doanh nghiệp tư nhân lớn (Bitexco, Vincom, Nam Cường, Geleximco, Cienco 5…). Trong khi đó, thị trường Hà Nội cung hạn chế cầu phong phú, nên một khi chủ đầu tư đã nắm chắc trong tay dự án, coi như chắc thắng bởi việc bán hàng rất dễ dàng.
Nhưng xét đi xét lại, chuyện khó dễ cuối cùng vẫn tại con người. Tại sao quy định thủ tục cả nước là giống nhau, đi xin dự án mỗi địa phương lại khác nhau? Cũng là do nhiều văn bản pháp luật liên quan quá, nào là về đất đai, kiến trúc, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy,… Thế là, khi thủ tục, hoặc người thực thi thủ tục, không “chạy bay”, thì chủ đầu tư dự án, nhất là chủ đầu tư dự án nhỏ lẻ, lại càng gặp nhiều khó khăn.
Chẳng thế mà một chuyên gia trong lĩnh vực này mới bình luận, đã vào một dự án là coi như "cưỡi lên hổ", vào dự án to thì cưỡi lên hổ to, vào dự án nhỏ thì cưỡi lên hổ nhỏ.
Tuấn An