[links()]Có lẽ chưa bao giờ, những cái đám cưới nhà giàu lại trở thành những câu chuyện cửa miệng rôm rả đến thế. Từ đó, người hay hoài niệm lại thích nhớ về cái đám cưới kiểu tập thể của mình ngày trước…
Ảnh minh họa. |
Bác cán bộ hưu trí ngồi ngơ ngẩn, nhớ lại cái đám cưới mình những năm đầu thập niên 70: "Hồi ấy hai vợ chồng tổ chức cưới trong phòng lớp học của vợ tôi. Hai vợ chồng chỉ đủ tiền để mua bánh kẹo, còn áo dài cưới và vest thì đi mượn của bạn bè khá giả. Quà cưới bạn bè tặng là tranh tự vẽ, áo gối tự thêu. Giờ bà ấy mất rồi tôi cứ nhớ mãi cái hình ảnh bà mặc áo dài cưới màu hồng phấn, nom e lệ đáng yêu quá đỗi. Nay nghe đám cưới đến cả chục tỷ, nghe hoa cả mắt".
"Chục đâu mà chục. Cả dăm chục, bằng tiền mình làm mấy chục đời ấy chứ"- anh xe ôm vẫn hay dựng xe đầu ngõ phản bác. "Đám cưới ông anh vậy là còn sang chán, thằng em cách đây chục năm đi lấy vợ đâu có tiền làm đám cưới, dẫn nhau về ở, có cái nhà rách đến không thể rách hơn, chui ra chui vô vậy mà giờ cũng ba đứa, sống vẫn êm đềm chán, cần gì siêu đám cưới cho mệt xác".
Nhưng bà lão bán thuốc lá cạch đó thì cho rằng, ai chẳng muốn con cái mình lấy được "chồng ngon lành", gia đình giàu có để được nhờ, mà cả gia đình cũng nở mày nở mặt với tứ bề. Cứ thế, những nhận xét, quan điểm của cư dân buôn bán ngay đầu hẻm trên đường Lê Văn Sỹ, TP HCM, râm ran suốt buổi sáng, sau khi tin đọc trên báo về đoàn xe siêu sang rước dâu ở tỉnh miền Tây.
Chuyện thiên hạ ở đâu nhưng tin đám cưới dăm chục tỉ trên tờ báo ngày kia lại khiến không ít đám cư dân làm ăn nhờ vỉa hè này thoáng chút chạnh lòng.
Anh xe ôm như đang quay chậm lại cuốn phim “ngày ấy chúng mình” bằng căn nhà nhỏ rách nát, vợ chồng con cái chen chúc, những chiếc xe máy cũ kĩ vừa hao xăng vừa kêu sòng sọc. Và những cái siêu đám cưới, đám cưới siêu xe, siêu sao, siêu biệt thự... như tồn tại ở một thế giới nào đó ngoài họ, rất xa lạ. Tự dưng nó như còn muốn len lỏi vài ước mơ đổi đời với cả những cô gái mới lớn đang ngồi ăn sáng ở tủ phở bà mập bên trong hẻm. Ai đó bỗng đùa: "Hoá ra trong mấy ngàn cách đầu tư, sinh lãi nhất vẫn là đầu tư cho các cô con gái trong nhà, phải không bà con?”.
Anh xe ôm, có vẻ không hài lòng lắm với cách nói đùa này, nói lớn cho cả người đi đường nghe thấy: "Đổi đời thì cũng năm bảy nghĩa nha các ông anh. Ngay trong xóm tôi đây, cách đây dăm năm cũng có một cô hoa khôi xóm làm giáo viên tiểu học. Lấy chồng là con trai một tiệm vàng lớn gần chợ Bến Thành, đúng là cả nhà đổi đời thật, từ nhà lá lên nhà xây. Cô giáo đi dạy vàng đeo đầy tay, mỗi lần về thăm cha mẹ lại có xe con đưa rước. Rồi được hơn hai năm thì trở về nhà cha mẹ, hai bàn tay trắng. Mãi không sinh cho cái nhà đại gia nọ quý tử nào, nên nhà ấy cho về. Thử nói nhá, đổi hai năm con gái lấy cái nhà đẹp cho gia đình, nói rẻ là rẻ, mà nói đắt thì cũng quá đắt...".
Câu chuyện vừa xong, mọi người cùng quay nhìn bác cán bộ hưu trí ái ngại, ai ở đây chẳng biết chuyện nhà bác, cũng cô con gái duy nhất làm dâu nhà giàu sụ khi vừa tốt nghiệp Trung cấp Dược. Nay đang nuôi chồng tàn tật do một cuộc đua xe sau trận "đập đá". Có một thời, đám cưới con gái bác từng là cái đám cưới sang trọng nhất khu dân cư này với dàn xe mui trần được thuê rước dâu, khách sạn 5 sao sang nhất nhì thành phố...
Và rồi, những câu chuyện kéo những cư dân làm ăn ở hè phố đến với những điều họ đã đọc và ngẫm hôm qua, họ chạnh nghĩ đến một cô dâu Xuân Thùy ở Cần Thơ, 18 tuổi, sau một đám cưới đại gia làm gia đình nở mày nở mặt, giờ còn lại là nhục nhã, thất vọng, tan hoang. Và con đường nào để làm lại cuộc đời?.
Rồi họ nghĩ đến một “hot girl”, cả nhà chưa kịp mừng khi con gái lấy chồng giàu con đại gia, nay đứng trước mối lo nhà thông gia sắp vỡ nợ và tai tiếng. Thực tế, những cuộc hôn nhân còn non trẻ này không dễ để vượt qua những cơn sóng quá lớn này, khi họ chưa có chút kinh nghiệm và được sống bao bọc đủ đầy trước đó.
Trân Trân