Báo Hải quân Việt
Nhà báo “3 trong 1”
Trong những lần đi công tác ra đảo Bạch Long Vỹ, tôi bất ngờ khi thấy một phóng viên mang quân phục Hải quân với bộ đồ tác nghiệp đồ sộ. Chỉ vào chiếc túi nặng tới gần 50 kg, trung úy Chu Văn Dũng, phóng viên Báo Hải quân khoe “ trong đó có 1 máy quay ca-mê-ra, 1 máy ảnh cùng một “cơ số” vật dụng, đồ nghề khác. Anh Dũng lúc quay camera, lúc giơ máy ảnh lên chụp rồi lại cặm cụi ghi chép. Phóng viên Báo Hải quân Việt
Báo Hải quân hội tụ cả báo viết và báo hình. Ngoài tờ báo in có mặt ở 711 xã, phường, thị trấn; 36 huyện thuộc 28 tỉnh, thành phố ven biển, Báo Hải quân còn sản xuất chương trình “truyền hình Hải quân Việt Nam” phát sóng trên 32 đài phát thanh truyền hình khu vực, địa phương.
Những chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa luôn là thử thách lớn đối với sức chịu đựng của nhiều người. Những người lính Hải quân luôn vượt lên đầu sóng, chiến đấu với thiên nhiên, căng mắt, căng tai bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong số những người lính hải quân đó có những người là phóng viên Báo Hải quân. Đại úy Nguyễn Trọng Thiết, phóng viên Báo Hải quân có tới 7 lần ra công tác tại quần đảo Trường Sa. Với anh, những ngày dài lênh đênh trên biển, những ngọn sóng bạc đầu và mỗi lần đi công tác “ôm” theo túi hành lý là lỉnh kỉnh máy quay phim, máy ảnh nặng tới vài chục kg là “chuyện thường ngày”. Phóng viên Duy Khánh, Báo Hải quân cho biết: Nhiều chuyến công tác cùng những người lính biển, chỉ có phóng viên Báo Hải quân đi cùng. Phóng viên và người lính cùng chia sẻ với nhau những bữa cơm “vừa ăn vừa giữ nồi”. Có hôm sóng cấp 7, cấp 8, mặc dù say sóng nhưng các anh vẫn phải cố dậy, vừa vịn vào lan can tàu, vừa quay, chụp để có được những thước phim, hình ảnh mà mình biết rằng nếu bỏ qua sẽ khó có dịp tái hiện.
Biển cả luôn thử thách những người đi biển, người lính và cả người làm báo nơi đầu sóng nhưng cũng ban cho họ những phần thưởng quý giá. Những bức ảnh, thước phim về Trường Sa, về người lính Hải quân luôn là “hàng độc”, được quan tâm đặc biệt. Năm 2009, Báo Hải quân Việt Nam gửi dự thi truyền hình toàn quân 3 tác phẩm, cả 3 đều đoạt giải trong đó có 2 huy chương vàng.
Phóng viên Báo Hải quân tác nghiệp tại Trường Sa |
40 năm đồng hành với những người giữ biển
Ðại tá Phan Văn Diễn, Tổng biên tập Báo Hải quân Việt Nam cho biết: “Báo Hải quân Việt Nam thành lập ngày 30-7-2010, tiền thân là Báo Quân Bạch Ðằng. 40 năm qua, bằng phẩm chất phóng viên - chiến sĩ, những người làm Báo Hải quân Việt Nam bám biển, đảo, tàu, bộ đội, gắn bó với cơ sở để sáng tạo những tác phẩm báo chí”.
Trong mưa bom, bão đạn, cán bộ, phóng viên cùng bộ đội chiến đấu chống kẻ thù. Khi bộ đội nghỉ ngơi là tranh thủ viết bài tuyên truyền về các tập thể, các cán bộ, thuyền trưởng, chiến sĩ dũng cảm chiến đấu, tiêu diệt địch, bắn rơi máy bay, đánh đuổi tàu chiến Mỹ, rà phá thủy lôi và bom từ trường, bảo vệ nhân dân, vươn lên làm chủ khí tài hiện đại, bảo vệ vùng trời, vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Cán bộ, phóng viên của Báo Hải quân Việt
Hòa bình lập lại trên đất nước ta gần nửa thế kỷ, nhưng ở ngoài biển cả bao la, những cơn sóng lớn, sóng ngầm vẫn không ngừng gầm gào, thử thách lòng kiên trung của những người lính biển. Trên mặt trận báo chí, tuyên truyền, những người lính- nhà báo Hải quân cũng ngày đêm chiến đấu với các thế lực thù địch. Với ngòi bút sắc bén, bản lĩnh chính trị vững vàng, những người làm báo của biển vẫn đang từng ngày, từng giờ xây đắp truyền thống vẻ vang: "Phóng viên - chiến sĩ; vượt mọi khó khăn; nhanh nhạy, sáng tạo; hoàn thành tốt nhiệm vụ”./.