Để làm rõ hơn căn cứ pháp lý của vụ việc, phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thanh Hà - Trưởng phòng Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp).
Sự việc Cảnh sát Giao thông (CGST) Hải Dương bắt lỗi tài xế về “trang phục” đang khiến dư luận xôn xao. Theo bà, việc CGST Hải Dương xử phạt tài xế về hành vi này là đúng hay sai?
- Do không trực tiếp chứng kiến việc xử phạt này nên tôi không có điều kiện để khẳng định người lái xe taxi trong vụ việc có mặc đồng phục lái xe taxi hay không. Nhưng qua theo dõi thông tin báo chí về vụ việc, nếu người lái xe taxi thực tế không mặc đồng phục theo quy định thì CSGT Hải Dương thực hiện việc xử phạt đối với hành vi này là có căn cứ pháp lý. Cụ thể, hành vi vi phạm này được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 23 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ. Trong trường hợp người lái xe taxi cho rằng mình đã mặc đồng phục đúng quy định và việc xử phạt của CSGT về hành vi này đối với mình là không đúng thì có thể khiếu nại về quyết định xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) nói trên theo quy định của pháp luật về XPVPHC.
Thưa bà, trong trường hợp lái xe taxi “không mặc đồng phục” thì ai là người được bắt lỗi lái xe?
- Đối với hành vi “không mặc đồng phục” như đã đề cập ở trên, theo quy định tại Điều 68, Điều 70, Điều 71 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP thì CSGT đường bộ, thanh tra giao thông vận tải, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ đều có thẩm quyền XPVPHC. Trong vụ việc cụ thể này, CSGT Hải Dương là người phát hiện VPHC nên thực hiện việc xử phạt đối với hành vi “không mặc đồng phục” là đúng thẩm quyền.
Xin nói thêm, kể cả khi CSGT Hải Dương yêu cầu dừng xe về lỗi lấn vạch, người vi phạm giải trình về việc mình không vi phạm lỗi này và được CSGT chấp nhận, sau đó, CSGT Hải Dương tiếp tục phát hiện vi phạm “không mặc đồng phục” thì việc xử phạt đối với hành vi này vẫn là phù hợp quy định pháp luật.
Bà Nguyễn Thanh Hà. |
Bà có thể chia sẻ một số ý kiến về việc thực thi, chấp hành pháp luật trong thực tiễn qua sự việc này?
- Tôi cho rằng, đây là vụ việc VPHC đơn giản, rõ ràng, khi xảy ra có thể xác định được ngay hành vi vi phạm, người vi phạm cũng như thẩm quyền xử phạt đối với vi phạm. Mặc dù vậy, khi vụ việc được đưa lên phương tiện thông tin đại chúng vẫn có nhiều ý kiến trái chiều vì mỗi người có nhận thức, quan điểm riêng của cá nhân mình.
Tuy nhiên, cần lưu ý là việc chủ động tìm hiểu, biết và tự giác thực hiện các quy định của pháp luật nói chung và trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân. Ở thời điểm hiện tại và tương lai, tôi cho rằng, việc nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân nói chung, người tham gia giao thông nói riêng vẫn luôn cần được chú trọng, ưu tiên.
Về phía người có thẩm quyền, trong các trường hợp cụ thể cần kiên trì giải thích, hướng dẫn quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng để người vi phạm hiểu, rút kinh nghiệm cho lần sau, qua đó dần dần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trong lĩnh vực giao thông đường bộ và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Xin cảm ơn bà!