Chuyển đổi từ 3 sào cà phê già cỗi sang trồng luân canh hoa và ớt ngọt trong nhà kính, hộ gia đình anh nông dân Chử Văn Thành ở thị trấn Nam Ban, Lâm Hà, thu lãi cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh Chử Văn Thành và Lãnh đạo Hội Nông dân thị trấn Nam Ban, Lâm Hà bên vườn ớt công nghệ cao. |
Từ lãi hoa hàng chục triệu đồng Năm nay 43 tuổi, nhà nông Chử Văn Thành đã có 20 năm sinh sống trên hoa lợi cà phê với 3 sào đất tại khu phố Đông Anh 1, thị trấn Nam Ban, Lâm Hà. Nhìn lại, nhà nông Thành thấy rằng 3 sào cà phê của mình ngày càng già cỗi, gắng hết sức thâm canh cũng chỉ đạt được từ 1,2 tấn đến 1,5 tấn cà phê nhân trong suốt một năm ròng. 20 mùa cà phê đi qua, giá tăng lên cao nhất chỉ được đôi, ba mùa, thời gian tăng giá không dài, nên khó có được khoản thu nhập vươn lên giàu có cho gia đình mình. Suy nghĩ, trăn trở tìm hướng đi mới trên 3 sào đất cà phê vườn nhà, nhà nông Thành tự làm chuyến tham quan nhiều vùng rau, hoa công nghệ cao trong tỉnh, từ thành phố Đà Lạt đến huyện Đức Trọng và huyện Đơn Dương. “Đi, thấy và đối chứng, tính toán thì trồng rau, hoa trong nhà kính có thể gặp nhiều cơ hội đạt lãi cao vượt trội. Trong khi quanh quẩn độc canh với 3 sào cây cà phê thì cơ hội này gặp rất hiếm…” - Nhà nông Thành tự vấn rồi quyết định phá bỏ toàn bộ 3 sào cà phê để trồng hoa công nghệ cao. Đó là vào đầu năm 2009, Thành huy động nguồn vốn tự có của mình và của gia đình, người thân, bạn bè, cộng với nguồn vốn vay ngân hàng, tất cả hơn 500 triệu đồng, xây dựng hoàn thành một nhà kính trên 3 sào đất, lắp đặt hệ thống điện thắp sáng, hệ thống tưới tiêu tự động bơm tử giếng nước ngầm sâu hơn 40 mét. Đưa về trồng 3 giống hoa mới trong nhà kính là hoa cát tường, cầm chướng và hoa cúc. Vừa trồng vừa học hỏi cách thức, kỹ thuật của những nhà vườn truyền thống trong tỉnh, trong đó đặc biệt là nhà vườn Đà Lạt, nhà nông Thành đã trồng có hoa thu bán lần lượt 3 lứa hoa cúc, 2 lứa hoa Cát tường và 1 lứa hoa Cẩm chướng trong năm 2009. Tính ra đạt tổng lãi trong năm khoảng 40 triệu đồng, nhưng với Thành vẫn chưa đạt được chỉ tiêu đặt ra. Nhà nông Thành nhận định: Khoản lãi hạn chế do năng suất trồng hoa cát tường và hoa cẩm chướng ở đất Nam Ban chỉ bằng một phần ba so với trồng trên đất Đà Lạt. Nhiệt độ ở Nam Ban tương đối cao hơn nhiệt độ ở Đà Lạt, khiến hoa cát tường và cẩm chướng chỉ thu hoạch được 1 lứa trong năm, trong khi trồng ở Đà Lạt được 3 lứa trong năm. Với hoa cúc vẫn thu được 3 lứa hoa với năng suất và chất lượng như nhau, nhưng vì phải tốn các chi phí đầu tư vật tư, phân bón và vận chuyển sản phẩm tiêu thụ xa hơn, nên trồng ở Nam Ban chỉ đạt lợi nhuận bằng 70% trồng ở Đà Lạt. Đầu năm 2010, nhà nông Thành tiếp tục chuyển đổi cây trồng trong nhà kính, 2 sào đất trồng hoa cát tường và hoa cẩm chướng sang trồng cây ớt ngọt, chỉ giữ lại 1 sào trồng hoa cúc. Qua 2 lứa hoa cúc thu được lần này, nhà nông Thành thu lãi mỗi lứa 20 triệu đồng, tăng không đáng kể so với lứa hoa cúc năm 2009.Đến lãi ớt bạc trăm triệu đồng Dịp Tết Tân Mão 2011, nhà nông Chử Văn Thành tiếp tục thu hoa cúc chất lượng cao trên 1 sào đất để bán, dự tính kiếm lãi được đôi chục triệu đồng. Tuy nhiên, điều thành công nhất trong năm 2010 của nhà nông Thành là cây ớt ngọt. Đầu tiên vào tháng 4/2010, qua những những bạn nhà nông có nhiều kinh nghiệm trong tỉnh, nhà nông Thành trồng thử nghiệm 1 sào ớt trong nhà kính. Trồng và chăm sóc từng giờ từng phút, đến 3 tháng sau vườn ớt của nhà nông Thành quả đậu trĩu cành. Thu bán trung bình 1 ký có 5 quả; nhiều luống chỉ hái 3 quả đủ cân nặng 1 ký. Từ tháng 7 đến tháng 10/2010, cứ mỗi tuần, nhà nông Thành thu được 4 tạ ớt, bán với giá mỗi ký từ 5 ngàn đồng đến 6 ngàn đồng. Từ tháng 10/2010 đến tháng 01/2011, với số lượng thu tương tự, giá ớt thị trường thu mua tăng cao lên 12 ngàn đồng đến 15 ngàn đồng mỗi ký, số lãi theo đó tăng lên nhiều lần. 1 sào ớt ngọt tiếp theo được nhà nông Thành trồng mới vào tháng 7/2010. Đến tháng 10/2010, 1 sào ớt này cùng kỳ thu hoạch chung với 1 sào ớt trồng trước đó. Nhà nông Thành làm phép cộng trong năm 2010 đạt lãi từ 120 triệu đồng đến 140 triệu đồng trên 2 sào đất trồng ớt ngọt. “Nước, phân, cần, giống là 4 yếu tố cần và đủ để canh tác cây trồng. Nhưng với cây trồng ớt ngọt trong nhà kính phải đảm bảo được độ ánh nắng mặt trời vừa đủ cho cây quang hợp mới cho ra quả tròn căng, màu xanh đậm sáng, chất lượng sẽ ngon hơn, hấp dẫn người tiêu dùng hơn” - Nhà nông Thành nói và cho biết sau Tết Tân Mão sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 sào trồng ớt ngọt trong nhà kính nữa. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Nam Ban, Lâm Hà, ông Thái Văn Mai nói rằng, hộ nông dân Chử Văn Thành đã trồng cây ớt ngọt đầu tiên thành công trên đất Nam Ban, Lâm Hà. Đây là một nông dân điển hình mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, tiếp cận nhanh với khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm canh tác cây trồng chuyển đổi mới, đạt hiệu quả kinh tế cao. Chính quyền thị trấn Nam Ban đang phổ biến, vận động nông dân địa phương học hỏi cách chuyển đổi cây trồng đạt lợi nhuận cao như nông dân Chử Văn Thành.
Văn Việt