Cùng với việc lãi suất huy động vốn bị đẩy lên cao từ ngày 11-11 trở lại đây, các doanh nghiệp lần lượt nhận được “trát” của ngân hàng về việc tăng lãi suất. Mức lãi suất cho vay sản xuất cao nhất tới 18-19%/năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn “đau đầu” vì bài toán tỷ giá ngoại tệ khi các nhà cung cấp nguyên liệu đồng loạt yêu cầu bù lỗ do tỷ giá.
Ai bù cho doanh nghiệp ?
Ông Nguyễn Mộng Lân, Tổng giám đốc Công ty TNHH VICO bức xúc: “Doanh nghiệp thật không biết xoay xở ra sao. Ngân hàng vừa có thông báo nâng lãi suất vay vốn từ 14,5% lên 15,5%. Chúng tôi cũng biết đây là mức lãi suất ưu đãi khách hàng “ruột” so với nhiều doanh nghiệp khác, song bên cạnh đó, một loạt các nhà cung cấp nguyên liệu yêu cầu chúng tôi bù lỗ tỷ giá ngoại tệ do phải mua ngoại tệ với giá thực tế cao hơn giá niêm yết của ngân hàng. Tính ra, lãi suất vay vốn tăng cộng với tỷ giá ngoại tệ thực tế tăng khiến chi phí vốn của doanh nghiệp tăng 8-10% so với trước. Trong khi đó, doanh nghiệp không thể tăng giá bán sản phẩm ngay và tăng bằng với chi phí do sức ép cạnh tranh.” Quả là, những thiệt hại của doanh nghiệp, nếu không tính vào người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán sản phẩm thì phải giảm lợi nhuận hoặc chịu lỗ.
Mặt hàng sắt thép cũng bị ảnh hưởng do lãi suất ngân hàng và tỷ giá tăng cao. Ảnh: Duy Thính |
Không riêng trường hợp của VICO, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang khó khăn với tỷ giá ngoại tệ và lãi suất vay vốn, nhất là các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất và đang thực hiện các dự án đầu tư như LS Vina Cable, Ắc quy Tia Sáng, Bao bì PP, Sơn Hải Phòng, các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng phải nhập phôi… Mới đây, giá thép đã tăng khoảng 200.000- 300.000 đồng/tấn so với cuối tháng 10. Ông Nguyễn Thành Đồng, Phó Tổng giám đốc Công ty thép VPS cho biết, thực ra, giá phôi thép trên thế giới không biến động nhiều, nhưng do tỷ giá ngoại tệ doanh nghiệp phải mua hơn 20.000 đồng/USD làm cho giá nhập khẩu phôi thép tăng lên. Trong thời gian tới, nếu chi phí về tỷ giá ngoại tệ không giảm, cộng với lãi suất vay vốn VNĐ tăng lên, các doanh nghiệp sản xuất thép cũng sẽ khó giữ được giá thép như hiện tại.
Ngân hàng có thiếu vốn ?
Theo lãnh đạo của nhiều ngân hàng, việc tăng lãi suất huy động vốn nhằm “giữ chân” khách hàng cũ và hợp lý hóa, minh bạch hóa việc tăng lãi suất “ngầm” diễn ra trước đó. Trong 10 tháng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố huy động vốn đạt hơn 44 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi dư nợ cho vay 50,8 nghìn tỷ đồng, tăng tới gần 20% so với cùng kỳ trước đó. Đến nay, lãi suất vay của nhiều chi nhánh ngân hàng đồng loạt tăng. Haububank Hải Phòng cho vay 17 - 19%/năm; Sacombank Hải Phòng cho vay 16-18%. BIDV Hải Phòng cho vay với lãi suất thỏa thuận tiêu dùng là 16%, cho vay sản xuất tùy theo mức độ tín nhiệm với doanh nghiệp. ACB Hải Phòng công bố lãi suất cho vay là 17,5%/năm… Cũng có ngân hàng, tuy công bố lãi suất cho vay công khai nhưng thực tế doanh nghiệp chưa chắc đã vay được với mức lãi suất đó mà phải chấp nhận vay với mức lãi suất cao hơn. Có ngân hàng buộc phải tạm dừng cho vay tiêu dùng.
Một điều dễ nhận thấy, khi công bố kết quả kinh doanh, hầu hết ngân hàng đều có lợi nhuận. Thu nhập của nhân viên ngân hàng khá cao so với mặt bằng chung. Trong khi các ngân hàng kêu thiếu vốn do nguồn huy động khó khăn thì một số ngân hàng vẫn cho cán bộ, nhân viên ngân hàng mình vay với lãi suất rất ưu đãi. Phần lớn nguồn vốn này được sử dụng vào mục đích tiêu dùng.
Mai Hương