Tại cuộc làm việc, Thủ tướng mong muốn các ngân hàng đề xuất các chính sách mới thích ứng tình hình, trong đó có chính sách với những DN, người dân bị thiệt hại trong cơn bão lũ; đồng thời hiến kế giải pháp liên quan tăng trưởng tín dụng, lãi suất hợp lý với tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ; hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, DN.
Cần nhắc lại, trước đó, từ 18 - 20/9, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (khóa XIII), thống nhất xác định thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là mục tiêu cao nhất trong năm 2025. Trung ương xác định sẽ thực hiện với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, với các giải pháp hiệu quả nhất... bảo đảm đạt và vượt các mục tiêu đề ra. Trung ương cũng yêu cầu chăm lo tốt nhất cho đời sống người dân, đặc biệt là với các địa phương chịu hậu quả nặng nề của bão số 3.
Để khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 143/NQ-CP đề ra 6 giải pháp cơ bản. Quan điểm của Chính phủ là chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm... Các chuyên gia kinh tế đánh giá, đây là Nghị quyết cấp thiết rất đúng và trúng để giúp các DN sớm phục hồi, tái thiết sản xuất, thực hiện các mục tiêu kinh tế đã đề ra.
Đối với các NHTM, nhiệm vụ đặt ra là phải thực hiện các chính sách giãn nợ, hoãn nợ và không chuyển nhóm nợ xấu với các DN bị thiệt hại. Điều này giúp các DN có thêm nguồn lực tài chính để khôi phục sản xuất, không phải lo lắng về áp lực trả nợ ngay lập tức. Đây cũng là một trong những định hướng và thông điệp rõ ràng của Chính phủ.
Tại buổi làm việc với Thường trực Chính phủ, các NHTM cổ phần đều cam kết trên cơ sở lãi suất huy động giảm và nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động, với tinh thần hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng DN và Nhân dân. Có ngân hàng đã tiến hành giảm lãi suất cho vay mạnh mẽ cho tất cả các phân khúc khách hàng để tăng cường kích thích cả cung và cầu xã hội, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, còn một số vấn đề vướng mắc về pháp lý, đặc biệt là việc xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu là rất khó khăn...
Điều này cho thấy, việc hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động tín dụng đang đặt ra cấp bách. Bản thân các NHTM cũng vươn tới chuẩn mực quản trị rủi ro và quản trị DN tiên tiến, minh bạch; tiết giảm triệt để chi phí, chuyển đổi số mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cả đi vay và cho vay của nền kinh tế.