Thời gian gần đây, thực trạng game online đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của dư luận bởi tác động tiêu cực của nó được cho là làm băng hoại thế hệ trẻ.
Những hình ảnh game online thế này có tác động tiêu cực lớn đến thế hệ trẻ. Ảnh tư liệu. |
Cả nước hiện nay có 20.000 đại lý Internet, 20 triệu người chơi game online, trong đó có 5 triệu người chơi thường xuyên. Trong các trò chơi trên mạng, có tới 77% trò chơi bạo lực, 9% trò chơi cờ bạc và chỉ có 14% trò chơi thể thao giải trí. Theo kết quả điều tra 1.000 học sinh ở 5 thành phố lớn của nước ta, 2/3 học sinh ở lứa tuổi tiểu học chơi game online từ 1-8 lần/tuần, bậc THCS và THPT là 81% và đại học là 75%.
Thời gian chơi game online dài nhất của học sinh tiểu học là 12 giờ/lần chơi, THCS là 24 giờ/lần chơi. Quả thật, những con số này cho thấy thực trạng nhức nhối và sự phổ biến đến chóng mặt của game online trong thời đại công nghệ. Thử hình dung một học sinh cứ dán mắt vào thế giới ảo này liên tục 12 giờ và ngày nào cũng thế thì tinh thần, thể lực có bị bào mòn hay không? Nếu 2/3 học sinh tiểu học, 81% học sinh THCS, THPT chơi game online và đều nghiện cái thế giới ảo này thì tương lai của thế hệ trẻ quả thật đáng lo ngại.
Đó là chưa nói đến vì quá nghiện game mà trở nên trầm cảm, lầm lì, thay đổi thái độ với cuộc sống xung quanh hoặc tính cách trở nên hung bạo, hay giận giữ, la hét. Cuối tháng 6 vừa qua, thông tin về một game thủ phải nhập viện vì “cày” game online và sút đến 9kg càng là hồi chuông báo động khẩn cấp để các nhà chức trách phải xắn tay vào cuộc.
Thật ra, game online cũng có những trò chơi giải trí, nhưng các trò chơi bạo lực lại được ưa chuộng nhất. Mới đây, trong một phóng sự của VTV, một thiếu niên khi bị bắt vì giết ông ngoại để lấy tiền chơi game đã ăn năn cho biết: Trong thế giới ảo, người bị bắn chết có thể phục hồi trở lại để tiếp tục cuộc “chinh chiến”, nhưng thế giới thật thì người chết đi không thể sống lại. Những giọt nước mắt lăn dài của hung thủ và của người mẹ tiễn chân con vào trại giam sao mà nhói lòng!
Cũng vào đầu tháng 7 này, một tòa án ở Seoul (Hàn Quốc) đã kết án một con nghiện game online 20 năm tù giam vì giết mẹ sau khi bị mẹ mắng. Chính phủ Hàn Quốc đang đau đầu vì vấn nạn game online bởi xứ sở kim chi này đang có 2 triệu người nghiện Internet, chiếm 1/10 tổng số người sử dụng Internet.
Trong khi đó, tại Trung Quốc - quốc gia có 220 triệu game thủ với doanh thu bán hàng từ các trò chơi trên mạng đạt 23 tỷ Nhân dân tệ (3,3 tỷ USD) vào năm 2009 - đã ban hành quy định từ ngày 1-8-2010, các game thủ phải dùng tên thật và số chứng minh nhân dân của mình để đăng nhập tài khoản đăng ký game online. Đồng thời, các công ty sản xuất game online, các chủ cửa hàng game online phải kiểm soát chặt chẽ từ việc sản xuất đến lưu hành.
Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác trên thế giới, game online là một trong những nguyên nhân của không ít tệ nạn xã hội như: giết người, cướp của, nghiện hút... Ban hành luật định kiểm soát game online là cần thiết, nhưng quan trọng hơn vẫn là giáo dục được ý thức, lành mạnh hóa tâm hồn của giới trẻ để các em không sa đà vào thế giới ảo. Và việc này không chỉ đơn thuần là trách nhiệm của các nhà chức trách mà còn của mỗi gia đình, mỗi tế bào xã hội.
VĨNH AN