Lai Châu là tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; địa hình chia cắt; giao thông đi lại khó khăn; trình độ dân trí còn thấp chưa đồng đều… ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo của tỉnh. Song với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cùng tinh thần đoàn kết vươn lên của nhân dân. Đến nay, cuộc sống của nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu có những bước thay đổi rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ngày càng giảm mạnh.
Xác định công tác xóa đói, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, tỉnh Lai Châu đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phát huy sức mạnh đoàn kết của cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành và nhân dân trong công cuộc giảm nghèo.
Qua đó, đã huy động sức mạnh và sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo nguồn lực to lớn cùng với nguồn lực của Nhà nước thông qua các chương trình, chính sách giảm nghèo như 30a, 135… triển khai trên địa bàn.
Nông dân xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên) thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Thu Trang |
Để giảm nghèo nhanh và bền vững,tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết bố trí nguồn lực, ngân sách thực hiện Nghị quyết và tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện phù hợp với thực tế địa phương để làm sao mang lại hiệu quả cao nhất. Kết hợp với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức tự giác, tự lực tự cường trong lao động sản xuất, đoàn kết giúp đỡ nhau vươn lên thoát nghèo của nhân dân.
Đặc biệt là tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở, sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động được triển khai tích cực. Nhờ đó, mỗi nằm trên địa bàn có hàng nghìn lao động được đào tạo, giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, các địa phương đã căn cứ vào nguồn vốn được giao từ các chương trình, dự án giảm nghèo để chủ động phân bổ thực hiện và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đặc biệt là chính sách hỗ trợ sản xuất.
Với sự nhập cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn, công tác giảm nghèo ngày càng đạt hiệu quả cao, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc đã có những thay đổi tích cực, nâng lên.
Ông Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Việt Nam (thứ 2 từ trái sang) thăm vườn cây mắc ca tại xã Bản Giang (huyện Tam Đường). Ảnh: Phương Ly |
Với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, triển khai các đề án, chính sách hỗ trợ và ưu tiên nguồn lực thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; thâm canh, mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm như sản xuất lúa hàng hóa, mở rộng vùng trồng chè. Đặc biệt là phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, cây dược liệu như: Cây mắc ca, cây quế, thảo quả, sa nhân, tam thất, đương quy...
Người dân xã Thu Lũm (huyện Mường Tè) đang làm giàu từ cây sa nhân tím. Ảnh: Hà Dũng |
Cùng với đó, ngành chăn nuôi theo hướng hàng hóa cũng không ngừng phát triển, ngày càng xuất nhiều mô hình chăn nuôi tập trung với quy mô lớn có kiểm soát, hình thành các loại hình liên kết chăn nuôi giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với các nhóm hộ, từng bước nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm như phát triển nuôi trồng thủy sản, nuôi cá nước lạnh, nuôi cá lồng trong các lòng hồ thủy điện... góp phần quan trọng giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao đời sống của nhân dân.
Mô hình chăn nuôi bò của đảng viên huyện Nậm Nhùn. Ảnh: Lò Dinh |
Có thể nói hiện nay, hiệu quả các chính sách, dự án giảm nghèo được thực hiện tại các địa phương trong tỉnh ngày càng được phát huy. Nổi bật là hệ thống công trình hạ tầng được đầu tư đã có tác động lớn trong việc thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, miền núi của tỉnh, nhất là những công trình phục vụ đời sống dân sinh như giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, công trình nước sinh hoạt, nhà cộng đồng... tạo điều kiện thuận lợi cho cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển các dịch vụ kinh doanh trong vùng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và đời sống của người dân, nhất là người nghèo.
Nhờ triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong sản xuất phát triển kinh tế gia đình, mạnh dạn áp dung tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tập quán chăn nuôi kiểu chăn thả rông trước đây dần được thay đổi theo hướng chăn nuôi tập trung, chuồng trại. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế được đưa vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, những năm qua tỉnh Lai Châu đã được đầu tư hơn 2.344 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ sản xuất, giáo dục đào tạo và dạy nghề, nhân rộng mô hình giảm nghèo...
Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm; 93% số hộ ở nông thôn được sử dụng điện lưới; tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 84%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 99,9%... tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm 5,07%.
Dự kiến hết năm 2020, tỉnh còn 16,62% tỷ lệ hộ nghèo. Toàn tỉnh có 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới, y tế, giáo dục, văn hoá được quan tâm. Công tác giảm nghèo đạt được kết quả rõ rệt, nhân dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.