Từ bao đời nay, người dân Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, cứ lặng lẽ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Ấy mà chỉ hơn 10 năm nay, sự có mặt của khu công nghiệp đã giúp cuộc sống người dân trong xã cải thiện đáng kể, diện mạo nông thôn mới từng bước đổi thay…
Đổi thay nhờ công nghiệp
Theo quốc lộ 5 từ Hà Nội đi xuôi về hướng Đông khoảng 30 phút, Lạc Hồng hiện ra trước mắt tôi với những ngôi nhà cao tầng mọc san sát. Lẩn khuất dưới mái ngói nhấp nhô, xen lẫn tán cây là những con đường “không ngõ”, rộng khoảng 7 - 9m, được quy hoạch theo ô bàn cờ từ hơn 40 năm nay đang chứng kiến sự đổi thay từng ngày của vùng đất này.
Con đường bê-tông hóa dẫn qua cây cầu chạy từ đầu xã tới thôn Hồng Cầu như một khu phố, tuy chưa quá sầm uất nhưng dọc đường làng, nhiều ngôi nhà mới được xây lên khá khang trang.
Hầu như nhà nào cũng mở hàng, mở hiệu, từ quán ăn, quán bia, quán cà phê... đến các khu nhà trọ, cửa hàng bách hóa, siêu thị mini, dịch vụ gội đầu, may mặc thời trang... mọc ra như nấm. Các bậc cao niên trong làng Hồng Cầu nói: từ 5 - 6 năm nay, vóc dáng làng thay đổi đến chóng mặt.
San sát những ngôi nhà cao tầng, riêng phần xây cũng đáng giá 400 - 500 triệu đồng mỗi ngôi. Làng có hơn 300 hộ, hộ nào cũng có vài ba chiếc xe máy đắt tiền, nhiều hộ còn có ô tô. Bà chủ quán tên Hồng giải thích: Có được thế này là nhờ công nghiệp cả đấy!.
Làng Hồng Cầu có 340 hộ với 1080 nhân khẩu, nhưng có tới vài chục hàng quán, gần 1.000 công nhân thuê trọ. Từ bao đời nay, cuộc sống của người dân cứ lặng lẽ, cần mẫn bên những thửa ruộng, tuy hệ thống “đường - trường - điện” ở Lạc Hồng đã có từ 40 năm trước nhưng dân làng vẫn nghèo, cho đến cách đây hơn 10 năm, từ khi công nghiệp về làng, mọi chuyện đã đổi thay.
Năm 2000, thấy được lợi thế của một vùng giao thông thuận tiện (bên tàu hỏa, bên ô tô), có nhiều tiềm năng phát triển, Tập đoàn Hòa Phát đã đầu tư và hình thành khu công nghiệp Phố Nối A, lúc đầu chỉ vài ba công ty giáp đường 5, sau 1 năm thấy làm ăn được, chuyển sang mở rộng tiếp, mua thêm đất của dân, đến nay đã thu hút gần 100 DN (cả trong và ngoài nước từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... ), với hàng chục nghìn lao động. Nhờ đó, cuộc sống của nhân dân khá lên trông thấy, đặc biệt là từ 5 - 6 năm nay, khi người dân chuyển sang kinh doanh dịch vụ xây nhà trọ và bán hàng cho công nhân.
Theo ước tính, tại làng Hồng Cầu, nếu một gia đình có nhà trọ, cộng với lương đi làm công ty của hai vợ chồng thì trung bình mỗi tháng họ cũng có hơn 10 triệu đồng, còn bán hàng thì không tính hết... Đấy là chưa kể, kinh tế khá lên, nhu cầu xây dựng nhiều, những người làm nghề xây dựng cũng có thu nhập từ 150 - 200 nghìn đồng/ngày.
“Rõ ràng, nếu so với làm ruộng trước kia thì nay có lợi hơn nhiều” - chị Hồng so sánh. Thậm chí lợi đơn lợi kép, vì tiền bán ruộng người dân để làm nhà và đi làm công ty, còn nhà cũ thì cho thuê và bán hàng... Chính vì thế có không ít người trước đây ra ngoài kiếm sống, nay đều trở về quê mưu sinh. “Ngay như tôi, trước đây đi chợ Hà Nội, mỗi ngày kiếm 300 - 400 ngàn đồng/ngày, nay cũng ở nhà mở quán bán hàng ăn cho công nhân. Tuy không to tát như Hà Nội, nhưng được cái đông công nhân, nên thu nhập cũng kha khá...” - chị Hồng tươi cười nói.
Ông Đỗ Xuân Hiền - Chủ tịch UBND xã Lạc Hồng cho biết, Hồng Cầu là thôn rất có tiềm năng phát triển dịch vụ. Vì thế, gần đây, đã được huyện và xã quan tâm nhiều hơn như lắp thêm bốt điện, làm đường bê tông, xây nhà văn hóa... Trong tương lai, sẽ quy hoạch nơi đây thành vùng phát triển dịch vụ tập trung, quy hoạch lại đường giao thông hướng tới mô hình “vườn trong phố, phố trong làng”, đồng thời tích cực bảo vệ môi trường sinh thái.
Khát vọng... “phố” trong “làng”
Về Lạc Hồng hôm nay, đi trên những con đường đã được bê-tông hóa khắp thôn xóm, chúng tôi cảm nhận được sự “lột xác” của vùng đất ven đô này. Tất cả đều mang một diện mạo mới, khang trang hơn, đẹp đẽ hơn. Bên cạnh những con đường mới, có không ít những ngôi nhà cao tầng mọc lên, càng tô thêm mảng màu tươi sáng cho làng quê.
Không chỉ có vậy, trước thêm xuân mới Quý Tỵ, người dân Lạc Hồng còn đón nhận thêm một tin vui lớn hơn, đó là: từ nay đến năm 2015, ngoài việc duy trì và phát triển các khu dịch vụ hiện có, Lạc Hồng sẽ có thêm 4 khu sản xuất công nghiệp, 1 khu chăn nuôi, hình thành thêm các khu chợ, khu thương mại, xây dựng và mở rộng nhiều khu văn hóa, và đặc biệt là hệ thống giao thông trên toàn xã sẽ được bê-tông hóa toàn bộ từ 7 - 9m (thay cho 3m bê-tông hiện nay) với hệ thống thoát nước và vỉa hè hai bên. Khi dự án hoàn thành, những thay đổi này sẽ khoác thêm cho Lạc Hồng bộ áo mới. Diện mạo nông thôn mới của toàn xã sẽ thay đổi đáng kể, do tạo được sự liên kết giữa các thôn.
Vậy điều gì khiến bộ mặt nông thôn ở Lạc Hồng lại thay đổi nhanh đến vậy? Theo ông Hiền, ngoài lợi thế về phát triển công - thương nghiệp, thì việc quy hoạch và phát triển hệ thống giao thông nông thôn được xã thực hiện từ rất sớm theo “ô bàn cờ” với những con đường rộng và thẳng tắp là điều kiện hết sức thuận lợi để Lạc Hồng sớm hoàn thành mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đây là một lợi thế để Lạc Hồng phát triển mô hình nông thôn mới theo hướng công - nông - thương nghiệp - dịch vụ trong tương lai.
Đêm Lạc Hồng, thong dong trên đường Hồng Cầu, tiếp xúc với nhiều người dân, chúng tôi mới vỡ lẽ được nhiều điều. Người dân Lạc Hồng có một khát vọng đến cháy bỏng. Khát vọng được vay nhiều vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế và cả khát vọng được xây “phố” trong “làng” ngay tại quê hương mình.
Khi ánh đèn đường tắt, là lúc người dân Lạc Hồng đã say giấc nồng, nghe tiếng gió thổi mà như tôi thấy tiếng thở Lạc Hồng. Tất cả người dân Lạc Hồng rất vô tư, mến khách. Ngày mai, khi bình minh thức dậy, cảnh nhộn nhịp một ngày mới lại bắt đầu, người Lạc Hồng lại thấy mọi vật đổi thay hơn hôm nay. Tiếng máy kêu rộn rã trong nhà máy. Tiếng kéo xe lách cách của người bán xôi, phở và bánh mỳ buổi sáng. Tiếng còi ô tô, xe máy xin đường inh ỏi... Không còn xa nữa! Một làng quê hiện đại sẽ mọc lên với cuộc sống đầy âm thanh và sắc màu của phố phường nhộn nhịp.
Đức Phương