Hàng năm, cứ mỗi mùa mưa lũ về, tại các huyện miền núi cao Quảng Nam, những chiếc xe máy mang tên Minsk, Win100 phân khối lớn của người dân bản địa dùng để vận chuyển lương thực vào tận thôn bản “cứu đói” cho bà con dân tộc thiểu số, được ví như những chiếc “xe tăng”, vì dưới bánh xe được các bác tài gắng “xích” để “vượt” những đồi núi dốc dựng đứng và những con suối chông chênh toàn đá.
“Xe tăng “cứu đói”
Trong những ngày mưa lũ vừa qua ở Quảng Nam, chúng tôi có chuyến công tác về lại huyện miền núi Phước Sơn. Những cơn mưa xối xả vùng núi đến bất chợt làm cho người dân nơi đây trở tay không kịp.
Đường đi thì nhầy nhụa, đi bộ được vào những bản vùng sâu, vùng xa của bà con dân tộc thiểu số đang sinh sống đã khó, huống chi chuyện vận chuyển hàng hóa vào cho bà con ở những nơi hẻo lánh này.
Nếu mưa lũ kéo dài nhiều ngày, đường sá bị sạt lở nghiêm trọng, việc lưu thông của bà con khi ra ngoài mua lương thực rất khó khăn, có nguy cơ thiếu lương thực là rất cao.
Tất cả những chiếc xe gùi hàng vùng cao này cả hai bánh đều được gắng xích mới băng rừng, vượt thác được. |
Từ đó, cứ đầu mùa mưa lũ, tại huyện miền núi thường xuất hiện rất nhiều lực lượng xe ôm để góp phần “giải quyết” cái lo về lương thực, thực phẩm cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy mới qua một đợt mưa, nhưng tuyến đường từ trung tâm Thị Trấn Khâm Đức đến được 5 xã vùng cao: Phước Thành, Phước Hiệp, Phước Lộc, Phước Chánh và Phước Kim của huyện Phước Sơn, ô tô không thể nào vào được.
Phương tiện đi lại chủ yếu là xe ôm. Đội xe ôm nơi đây gần 30 người cùng 30 chiếc xe Minsk và Win100 - loại xe chuyên vượt địa hình đồi núi ghồ ghề mà các bác tài thường quấn thêm “xích vào hai bánh”, như một chiếc “xe tăng” đã trở nên quen thuộc ở vùng cao nơi đây.
Anh Trần Hoàng Tuấn (48 tuổi, trú Thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn), một tay lái xe ôm có thâm niên 10 năm trong nghề cho biết: “Mùa mưa, chúng tôi vận chuyển hàng hóa vào các bản làng bằng loại xe công suất lớn gắng thêm “xích” như thế này. Bình quân mỗi tuần, mỗi xe chở một chuyến hàng nặng gần 100kg vào cung cấp cho bà con, vào rừng có khi 2 - 3 ngày mới trở ra”.
Theo lời Tuấn, ngày nào cũng có vài anh em lái xe ôm “cùng ăn, cùng ở” với đồng bào dân tộc thiểu số. Khi vào trao đổi hàng xong, họ tiếp tục ở lại để đợi đưa khách từ xã ra thị trấn công tác nữa.
“Làm nghề này, dù có cơ bắp dẻo dai, có kinh nghiệm lái xe địa hình nhưng chuyện té ngã vẫn xảy ra thường xuyên. Cho nên, chúng tôi thường xuyên hoạt động theo tổ tự quản chứ không hoạt động riêng lẻ. Bởi hơn ai hết, chúng tôi hiểu nghề này lắm gian nan, nguy hiểm nên cần phải đoàn kết”, Tuấn cho biết.
Bác tài Tuấn có 10 năm thâm niên trong nghề xe ôm vận chuyển hàng hóa cho bà con dân tộc thiểu số đang kiểm tra lại xe trước khi xuất phát. |
Người anh em của đồng bào dân tộc!
Ông Nguyễn Văn Hà (50 tuổi, trú xã Phước Thành, huyện Phước Sơn) tâm sự: “Những năm trước, vào mùa mưa như thế này, ở các xã vùng cao huyện Phước Sơn không có xe ôm vận chuyển hàng hóa vào thì giá thực phẩm tươi sống thường cao gấp 3 - 4 lần so với thị trường. Tuy nhiên, giờ đây khoảng cách ấy rút ngắn dần nhờ các anh xe ôm đã đưa lương thực vào kịp cho dân bản địa chúng tôi. Dân làng mình thương các bác xe ôm lắm!
Nhà không có tiền, mình phải nhờ họ mua “hàng ký nợ” giùm, đến lúc thu hoạch rẫy hoặc bán heo mới trả nợ một lần. Khi thấy họ đèo hàng vào, đồng bào mình rất phấn khởi. Các bác lái xe ôm như cầu nối giữa người dân ở rẻo cao với vùng thấp.
Nhiều trường hợp, người dân đau ốm đột xuất, phải chuyển viện về tuyến huyện, các bác ấy luôn có mặt kịp thời. Họ đúng là người anh em tốt bụng của đồng bào chúng tôi”.
Chia tay các bác tài xe ôm, chúng tôi thấy tình thương yêu của bà con dân tộc thiểu số dành cho họ bằng những “nụ cười” tươi khi nhận được hàng hóa. Vì họ chính là những người cứu đói cho bà con dân tộc thiểu số vào mùa mưa lũ.
Trương Gia Hân