Chó, mèo chết mang tới đây đều được làm nghi lễ an táng, và chủ vật nuôi phải bỏ tiền triệu để thú cưng có nơi “yên nghỉ”.
Nghĩa trang chó mèo
Ông Nguyễn Bảo Sinh (SN 1940, ngụ phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chủ khu nghĩa trang cho biết, khoảng những năm 1980, khi con chó cưng của ông qua đời, ông nảy ý nghĩ dựng nghĩa trang dành cho vật nuôi.
Con chó cưng của ông Sinh khi ấy có tên Ami, theo tiếng Pháp nghĩa là “người bạn”, không chỉ là con chó khôn, mà thời điểm đó còn là… “máy kiếm tiền” cho gia đình ông. “Mỗi lần có người dắt chó đến phối giống, phải trả 400 nghìn, mà lúc đó vàng chỉ có giá 180 ngàn đồng/chỉ”, ông Sinh nói.
Chó chết, ông Sinh chôn cất, xây dựng mộ cho “người bạn” này rất hoành tráng, thậm chí trên bia mộ còn khắc dòng chữ “Mộ tổ Ami”. Ông Sinh giải thích: “Vì Ami là con vật được chôn cất đầu tiên tại nghĩa trang này”.
Toàn bộ khu vực “nghĩa trang” này rộng chưa đầy 100m2 nằm ở một góc vườn. Những ngôi mộ chó mèo được xếp bằng bốn viên đá ong, có cả bia mộ in hình con vật, trên đó ghi rõ tên, tuổi, “năm sinh năm mất”, chạy dọc theo bờ một hồ nước nhỏ. Đặt trước bia mộ là một… bát hương với nhiều que hương đã cháy hết, nhìn sợ rợn tóc gáy.
Nơi đặt di ảnh chó mèo và bát hương |
Phía sau những ngôi mộ đá ong là khu vực bia mộ hỏa táng, có một bức tường xây ngăn nhiều kệ, trên đó đặt di ảnh chó mèo và bát hương. Đếm sơ sơ, số lượng tới vài trăm.
Theo quan điểm ông Sinh: “Tôi nghĩ con vật khi chết cũng cần được chôn cất tử tế. Tôi đã xây dựng nghĩa trang này từ lâu, nhưng từ năm 2010, người ta mới biết và tìm đến nhiều”.
Ở khu nghĩa trang, có hẳn một nhà hỏa táng đặt ở góc vườn, được xây bằng gạch theo hình chóp, phía trên còn đề dòng chữ… “Hóa thân hoàn vũ”. Việc hỏa táng còn phải thực hiện bằng củi, chứ không bằng điện hay ga, vì theo ông Sinh, như vậy mới “đúng theo nghi thức hỏa táng”.
Ngoài khu vực nghĩa trang dành cho chó mèo, trên khu đất rộng hơn 2.000m2, ông Sinh còn cho xây dựng một “Vương quốc chó mèo”, ban đầu chủ yếu phục vụ cho vật nuôi trong nhà. Sau này, ông mở rộng quy mô thành “resort chó mèo”, gồm tất cả những dịch vụ từ siêu thị, khách sạn, phòng khám y tế, phòng thẩm mỹ…, thậm chí có… phòng thơ cho chó mèo. |
Ông Sinh tính nhẩm, hiện ở nghĩa trang chó mèo này có tới hơn 400 “phần mộ”. Đó là chưa tính nhiều người chỉ hỏa táng chó mèo rồi mang tro cốt về nhà chứ không để lại nghĩa trang.
“Dị hơn”, cũng sau 3 năm, nghĩa trang lại “cải táng” một lần. Chủ của con vật có thể mang “di cốt” về, hoặc để lại tùy ý.
Nghĩa trang của nhà ông Sinh cũng có hai hình thức an táng cho chó mèo: Địa, hoặc hỏa táng. Địa táng là con vật được đặt trong “áo quan” rồi chôn xuống dưới đất, sau đó xây mộ, dựng bia. Vì là hình thức mất khá nhiều công sức, một con vật chôn cất theo kiểu này, chủ của nó phải móc túi số tiền từ 7,5 - 8 triệu đồng.
Còn hỏa táng, giá cả có phần “nhẹ nhàng” hơn, khoảng 3 triệu đồng, xác con vật được đưa đi thiêu, sau đó lấy phần cốt cho vào lọ.
Ông chủ “nghĩa trang” lạ lẫm này cho hay người tìm đến thường là những “đại gia”, người có thu nhập cao, kinh tế khá giả. Nhưng thỉnh thoảng cũng có những sinh viên… góp tiền làm lễ an táng cho vật nuôi của mình.
Bi hài chuyện chôn cất chó mèo
Nghe ông Sinh kể đám tang của con vật được tổ chức có đầy đủ hoa quả, hương nến, cờ quạt… và các nghi lễ, khách vừa há miệng ngạc nhiên, vừa chạnh lòng.
Trước khi chôn cất, con vật sẽ được ông Sinh làm “lễ cầu siêu” với mong muốn “hồn của con vật sẽ không phải lang thang ở chốn trần gian nữa”. “Lễ cầu siêu” diễn ra khoảng 15 phút, bằng việc ông Sinh đọc một bài kinh, đại ý là “ngày sống đã làm con vật chịu nhiều khổ ải, lúc chết hồn hãy siêu sinh mà an nghỉ”.
Chủ nhân của nghĩa trang chó mèo |
Xong đâu đấy, cả chủ lẫn khách chỉ còn chờ… giờ tốt là đưa chó/ mèo chết đi chôn cất. Theo lời ông Sinh, người đến làm đám ma cho vật nuôi thường rất kỹ tính, họ thường xem trước giờ giấc chôn cất, còn chọn cả hướng mộ và vị trí mộ phù hợp với… tuổi và ngày giờ chết của con vật.
Thường thì khách đã xem giờ an táng trước, yêu cầu nhân viên của nghĩa trang làm theo giờ đó. Nhưng nếu có vị khách nào vì đau buồn quá mà “quên” xem giờ, ông Sinh sẽ gợi ý cho “giờ tốt” để làm đám.
“Nhiều người nuôi đến 2 - 3 con chó, mèo còn đặt trước “phần mộ” cho vật nuôi. Tôi sẵn sàng giữ chỗ mà không lấy chi phí nào cả”, ông Sinh cho hay.
Tất cả những con vật ở nghĩa trang này khi mới chết đều được cúng tuần đầu, cúng 49 ngày hay cúng 100 ngày. Lễ cúng có hương, hoa, thậm chí cả món ăn mà con vật khi còn sống yêu thích.
Những ngày mùng một, hôm rằm, các “phần mộ” đặc biệt này đều được các nhân viên tại đây chuẩn bị hương hoa chu đáo. Ông chủ cho biết: “Khách chỉ phải trả chi phí một lần duy nhất, không phải bận tâm chuyện “hương khói” vào những ngày mùng một, hôm rằm. Nhưng đến hôm ấy, nhiều người vì nhớ vật nuôi vẫn cứ tới thăm nom bình thường”.
Không chỉ riêng chuyện chôn cất chó mèo, nghĩa trang của ông Sinh cũng có nhiều chuyện liên quan tới cả người chủ vật nuôi. Ông chủ nghĩa trang kể cho khách nghe câu chuyện lạ lùng về một cô gái cứ đúng 10h30’ hàng đêm lại đến nghĩa trang thăm mộ con chó của mình. Ngồi cạnh ngôi mộ, cô gái vừa hút thuốc vừa ho sặc sụa.
Nhiều lần như vậy, ông Sinh tò mò hỏi chuyện, được biết con chó đã chết kia nghiện mùi thuốc lá của bố cô ấy, ngày còn sống, cứ đến giờ này nó lại chạy tới chân bố cô ngửi mùi thuốc mới chịu đi ngủ, nếu không cả đêm nó sẽ sủa loạn lên.
“Tôi ở đây chứng kiến tình cảm của nhiều người chủ. Khi chó mèo mất đi, họ cũng khóc lóc, nghe có vẻ tang thương lắm”, ông Sinh nói.
Theo Xa lộ pháp luật