Trước năm 2010, không ai nghĩ vùng bãi bồi ven biển thuộc ấp Biển Đông, xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu với những vuông tôm, rừng ngập mặn… sẽ có ngày hình thành nên một tổ hợp năng lượng công nghệ cao.
Thế nhưng, chỉ trong hai năm, nhiều đoàn du khách đã tìm đến đây để chiêm ngưỡng những cột điện gió hiện đại đầu tiên tại Việt Nam mọc lên ngay trên mặt biển. “Đất chín Rồng đâu chỉ là vựa lúa, biển Nam bộ không chỉ có cá tôm”. Đằng sau thành công của dự án, không thể không nhắc đến vai trò “bà đỡ” của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Tua bin điện gió Bạc Liêu nhìn từ trong bờ |
Nguồn điện trụ cột trong tương lai
Theo Cty TNHH Xây dựng thương mại du lịch Công lý – chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu, dự án điện gió này được khởi công từ tháng 9/2010, đây là dự án điện gió đầu tiên tại Đồng bằng Sông Cửu Long.
Mặc dù nơi đây có gió tốt nhất trong khu vực và không có vật cản gió, tuy nhiên, điện gió cần vốn đầu tư lớn, khả năng sinh lời không nhanh, nên rất khó tiếp cận vốn từ các ngân hàng thương mại. Chỉ khi Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ vào cuộc, nhà máy điện gió Bạc Liêu mới dần mọc lên.
Công trường của dự án điện gió Bạc Liêu (ấp Biển Đông A – xã Vĩnh Trạch Đông - TP Bạc Liêu) nằm sát bãi bồi ven biển, khuất sau những rặng đước, rặng bần cao vút.
Ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công lý cho biết: Đến nay, dự án điện gió Bạc Liêu giai đoạn 1 đã được VDB giải ngân nguồn vốn trên 644 tỷ đồng, đạt trên 95% hợp đồng vay vốn. Và kết quả, đến nay, trên bờ biển xã Vĩnh Trạch Đông đã “mọc” lên 10 cột điện gió sừng sững, mỗi cột có công suất phát điện 1,6MW. Dự án đã được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý về nguyên tắc bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến 2025 (quy hoạch điện VII)
Dự kiến, nhà máy điện gió Bạc Liêu sẽ bắt đầu hòa lưới điện quốc gia vào tháng 1/2013. Ông Tô Hoài Dân tin tưởng khi đi vào hoạt động, về lâu dài, nhà máy điện này sẽ có thể đóng góp cho ngân sách tỉnh Bạc Liêu cả trăm tỷ đồng/năm. Ngoài ra, ông Dân cũng có kế hoạch biến khu vực nhà máy điện gió thành trung tâm du lịch, thu hút khách trong vùng đến nghỉ dưỡng.
Với những cột điện gió cao 80m, đường kính đáy lên tới 4m, cánh quạt có sải cánh 42m… tô điểm nền trời và nằm trên mặt nước biển, cách đất liền cả cây số, hiện chưa có trung tâm du lịch nào mở tại đây nhưng đã có nhiều đoàn khách đến thăm “kỳ quan nhân tạo” này. Ông Tô Hoài Dân cũng cho biết thêm, chúng tôi đang cho xây hệ thống đường dẫn từ đất liền kết nối với cả 10 trụ điện gió. Vì thế, du khách sắp tới sẽ có thể đi ra tận chân cột điện gió để thăm quan.
Như vậy, nhà máy điện gió từ chỗ là dự án không thuộc diện hiệu quả để được các ngân hàng thương mại cho vay, tới đây nó sẽ không chỉ giúp tạo ra nguồn điện bổ sung nguồn cung điện cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang thiếu trầm trọng, mà còn có thể giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương và trực tiếp giúp tỉnh Bạc Liêu có thêm một nguồn thu quan trọng để phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Theo VDB, cùng với dự án điện gió Bạc Liêu, dự kiến khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ được hỗ trợ thêm 500 triệu USD để xây dựng 300 cột điện gió vào năm 2015. “Hãy thử tưởng tượng sẽ có những cột điện gió chạy dọc bờ biển, dài cả trăm km, hút tầm mắt, diện mạo Việt Nam sẽ đẹp như thế nào” - ông Dân vui vẻ nói và cho rằng, cần tiếp tục ưu đãi và chú trọng đầu tư cho các dự án phát triển bền vững, bởi nó không chỉ đem lại lợi ích về môi trường, mà còn đem lại những hiệu quả về mặt xã hội khó có thể đong đếm hết khi lập dự án tiền khả thi.
Kinh tế bừng sáng nhờ điện gió…
Đánh giá về dự án, ông Võ Văn Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu nhấn mạnh: Tỉnh Bạc Liêu tin tưởng vào sự thành công của dự án sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, đưa Bạc Liêu thoát khỏi tỉnh nghèo và lạc hậu trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Nhà máy điện gió không xả khí thải ra môi trường, có thể cùng phát triển hài hòa với ngành nông nghiệp và dịch vụ nên đảm bảo phát triển bền vững. Tỉnh Bạc Liêu sẽ quy hoạch đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản ở ngay vùng phát triển điện gió để tận dụng diện tích mặt nước ven biển.
Ông Dũng cho biết thêm: Từ thành công của Nhà máy điện gió Bạc Liêu, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục triển khai dự án Trung tâm điện gió miền Tây tại các tỉnh ven biển Trà Vinh và Sóc Trăng. Sau khi hoàn thành vào năm 2015, Trung tâm điện gió miền Tây có quy mô công suất khoảng 500 MW. Điện gió là nguồn năng lượng tái tạo mới, xanh - sạch lại không chiếm diện tích lớn như nhiệt điện hay thủy điện. Biển Nam bộ sẽ bừng tỉnh, các nhà đầu tư sẽ còn kéo về nơi đây để đầu tư xây dựng những “cánh đồng điện gió”.
Nguyễn Hoàng Gia Bảo