Khai thác giá trị văn hóa độc đáo
Thời gian qua, nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh, nhiều lễ hội và nghề thủ công truyền thống đã được khôi phục. Đặc biệt, công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn các nghi lễ, làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian trong các lễ hội được tổ chức, phục dựng và truyền giữ trong cộng đồng dân cư. Chính điều này đã góp phần quan trọng thu hút khách du lịch và làm nên thương hiệu du lịch của Yên Bái.
Qua việc khôi phục, bảo tồn các lễ hội truyền thống không chỉ tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân mà còn quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống ngày càng được lan tỏa rộng rãi, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Điển hình như: Lễ Mừng cơm mới của dân tộc Xá Phó tại xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên; Lễ Tết nhảy của dân tộc Dao đỏ tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên; Lễ hội Xé then của dân tộc Thái tại thị xã Nghĩa Lộ; Lễ Cầu mưa của dân tộc Dao họ tại xã Đông An; Lễ hội đền Đông Cuông của dân tộc Tày tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên; Lễ hội Hạn khuống của dân tộc Thái tại xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ; Lễ hội Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải…
Bay dù lượn - hoạt động được nhiều du khách đón chờ tại mỗi Tuần văn hóa Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải. |
Ngoài công tác bảo tồn các lễ hội truyền thống, Yên Bái chú trọng tới việc tôn tạo, bảo tồn các làng, bản cổ dân tộc thiểu số, làng nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, điển hình như: Làng cổ Pang Cáng của dân tộc Mông tại xã Suối Giàng; Làng cổ Viềng Công của dân tộc Thái tại xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn; Bản cổ Sà Rèn của dân tộc Thái tại xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ…Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều thú vị độc đáo về phong tục tập quán, đời sống tâm linh, lối sống, trang phục, văn hóa, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc; được thưởng thức ẩm thực độc đáo từ các món ăn đặc trưng của mỗi dân tộc vùng cao; được chăm sóc sức khỏe từ thảo dược của núi rừng Tây Bắc.
Cùng với văn hóa ẩm thực, các nghi lễ, phong tục tập quán, dân ca, dân vũ truyền thống và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ là những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn, thu hút du khách. Do vậy, để khai thác tiềm năng du lịch thông qua các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên ban tặng, Yên Bái đã thường niên tổ chức thành công các hoạt động văn hóa lớn như: mở tuyến du lịch văn hóa “Về cội nguồn”; tổ chức Tuần văn hóa du lịch Mường Lò, trọng tâm là Lễ hội Xòe Thái Mường Lò đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng” được tổ chức tại danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang trên đèo Khau Phạ, Mù Cang Chải; Lễ hội Âm vang hồ Thác Bà… Điều đó đã khẳng định vị trí, đẳng cấp du lịch của Yên Bái trong nước và quốc tế.
Bảo tồn văn hóa từ cộng đồng dân cư
Hiện nay, mỗi năm du khách đến với Yên Bái đã đạt trên 1 triệu lượt người, trong đó du khách đến với các lễ hội tâm linh, lễ hội truyền thống chiếm trên 50%, du khách đi du lịch sinh thái khám phá chiếm trên 30%, còn lại rất ít du khách đến Yên Bái bởi các loại hình du lịch khác. Vì vậy, để các lễ hội được bảo tồn nguyên gốc và có sức sống bền vững, Yên Bái đã xây dựng nhiều lễ hội thành sản phẩm du lịch được tổ chức hàng năm, với những quy mô tổ chức khác nhau, trong đó cộng đồng dân cư bản địa là chủ thể và cũng là người thụ hưởng thành quả từ lễ hội mang lại. Thực tế cho thấy, các lễ hội là lý do lớn nhất thu hút khách du lịch đến với Yên Bái.
Tuy nhiên, cùng với xu thế hội nhập và phát triển, những luồng văn hoá khác nhau đang xâm nhập, lai căng vào đời sống xã hội ở vùng đồng bào DTTS, gây ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến văn hoá truyền thống, nguy cơ làm phai mờ, biến dạng bản sắc dân tộc. Do vậy, Yên Bái tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, mỗi dân tộc tự khơi dậy niềm tự hào về những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Chính quyền hỗ trợ đầu tư nghiên cứu khoa học cơ bản văn hóa, văn nghệ các tộc người; xây dựng yếu tố hạt nhân là nghệ nhân văn hóa dân gian, các đội văn nghệ quần chúng và hướng dẫn nghiệp vụ sinh hoạt và truyền dạy.
Hình tượng vòng xòe cổ của dân tộc Thái lớn nhất được thực hiện bởi trên 2.000 người tham gia. |
Đến nay, Yên Bái là một trong số ít tỉnh, thành phố trên cả nước còn duy trì thường niên hoạt động liên hoan nghệ thuật quần chúng từ cấp xã, phường, huyện, thị và cấp tỉnh. Đó chính là cách truyền giữ tốt nhất các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc nơi đây. Nhờ vậy, Yên Bái luôn duy trì hoạt động của 1.228 nhà văn hóa thôn, bản và hầu hết các thôn, bản, khu dân cư đều có đội văn nghệ quần chúng tổ chức hàng trăm buổi diễn mỗi năm, có nơi có tới 2, 3 đội. Ngoài ra, Yên Bái còn vinh dự khi có 2/3 người đầu tiên trong toàn quốc được tặng danh hiệu nghệ nhân văn hóa dân gian là ông Giàng A Su dân tộc Mông ở huyện Trạm Tấu và bà Đặng Thị Thanh người Xa Phó ở huyện Văn Yên.
Phấn khởi trước thành quả mà văn hóa Mường Lò mang lại thông qua du lịch cộng đồng, ông Tòng Văn Dơn ở bản Đêu, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết, làm du lịch cộng đồng thì không khó. Chủ yếu là mình cố gắng giữ gìn các nét văn hóa của dân tộc mình, từ trong sinh hoạt hàng ngày đến trang phục, ẩm thực, nơi ăn, chốn nghỉ sạch sẽ, mang đúng tập quán, phong tục dân tộc để rồi giới thiệu với du khách, tạo điều kiện cho du khách được tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng, nhất là đối với du khách quốc tế. Bản thân tôi cũng đang truyền dạy cho con cháu những điệu múa, những làn điệu dân ca truyền thống. Như vậy, chúng tôi vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa của ông cha để lại, vừa hấp dẫn du khách đến để làm du lịch.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn giá trị văn hóa các DTTS, Yên Bái đã cụ thể hóa thành các đề án, dự án giữ gìn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, bảo tồn di tích cách mạng, di tích văn hóa, cảnh quan và môi trường văn hóa ở từng vùng, từng địa phương. Trên cơ sở đó gắn với du lịch địa phương để liên tục tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần đánh thức tiềm năng phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn văn hóa truyền thống.