Xa lắm Leng Su Sìn
Trên đường vào dự Lễ khánh thành Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Thọ, Đại tá Nguyễn Ánh Quang bồi hồi nhớ lại những tháng ngày gian khó, vất vả của cán bộ chiến sĩ Đồn BP Leng Su Sìn để thực hiện “3 cùng” với đồng bào các dân tộc huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc. Những kí ức thuở nào giờ đây cùng ùa về trong anh như một cuốn phim chiếu chậm mỗi khi xe đi qua một địa danh nào đó.
Anh kể, năm 1981, sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng, anh được cấp trên phân công vào Đồn BP Leng Su Sìn công tác với nhiệm vụ làm Trợ lý Tổng hợp. Gần 20 năm công tác, gắn bó với mảnh đất được ví là xứ sở của mây mù, núi cao và khe sâu, trải qua nhiều chức trách khác nhau như: Đội trưởng, Đồn phó, Tiểu khu trưởng Tiểu khu 40, rồi anh lại được vinh dự quay lại làm Đồn trưởng Đồn BP Leng Su Sìn.
Đại tá Nguyễn Ánh Quang, nguyên Đồn trưởng Đồn BP Leng Su Sìn vui mừng gặp lại những người dân từng một thời gắn bó. |
Ngày đó, nơi đây là vùng rừng thiêng nước độc. Chỉ có ba cách để đến được nơi đây. Thứ nhất là đi trực thăng quân đội. Thứ hai là đi từ TP Điện Biên Phủ đến ngã ba Chà Cang rồi đi bộ khoảng 8-9 ngày qua các huyện Nậm Pồ, Mường Tè…mới đến được Leng Su Sìn. Con đường này phải qua dốc Pa Tần, Tà Tổng, mà độ cao chỉ thua đèo Pha Đin nổi tiếng của Tây Bắc, leo cật lực nửa ngày mới lên đến đỉnh, nửa ngày nữa mới xuống hết dốc. Nếu không, chỉ còn cách ngược thượng nguồn sông Đà bằng thuyền độc mộc, từ đó đi bộ 6 ngày qua các bản Si Nế, Mù Cả, Ma Ký, Ma Ú, San Sà Hồ, Gò Cứ, Sen Thượng... để đến Leng Su Sìn. Vì vậy lính Biên BP hay cán bộ các sở, ban, ngành ở Trung ương cũng như của tỉnh Lai Châu muốn vào Leng Su Sìn chỉ có cách duy nhất là đi bộ.
“Từ xưa đến nay, dù là anh cán bộ BP công tác lâu năm ở Tiểu khu 40, muốn vào công tác ở Đồn BP Leng Su Sìn bao giờ cũng phải có hai người, lỡ ngã bệnh, gãy chân còn cõng nhau ra… Chính vì giao thông cách trở như vậy nên cuối năm 1987, khi ông cụ thân sinh mất, mãi đến 3 tháng sau tôi mới hay tin để về chịu tang thì cũng là ngày làm tuần 100 ngày cho bố. Tôi chỉ kịp ra mộ thắp hương, tưởng niệm và mong ông ở nơi chín suối hãy tha thứ cho mình vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc” - Đại tá Nguyễn Ánh Quang bùi ngùi nhớ lại.
Còn theo như lời ông Lý Kim Khoa, năm nay đã ngoài 80 tuổi, trú ở bản Leng Su Sìn, một trong những người lính BP đầu tiên có mặt tại Đồn BP Leng Su Sìn từ năm 1959 kể lại: “Hồi mới vào đây công tác, anh em chúng tôi thật sự không hiểu tại sao khi thấy cán bộ chiến sĩ BĐBP là trẻ con khóc thét lên, người già, phụ nữ kêu la, hốt hoảng bỏ chạy hết vào rừng. Họ còn cắm cành cây làm các dấu hiệu trừ tà ma trước cửa nhà...”.
Tìm hiểu, các chiến sĩ BP mới biết do kẻ xấu đã tuyên truyền cho dân bản hình ảnh: “BĐBP là những người keo (người Kinh). Người keo xấu cái bụng lắm, ban ngày hình dạng nó bình thường, ban đêm tóc dài ra tận chân, răng to như quả chuối. Ai đến gần thì nó sẽ ăn thịt đấy!”. Bấy lâu nay sống cô lập nơi rừng sâu núi thẳm, không được học cái chữ, không được tiếp xúc với bên ngoài nên không ít người tin đó là sự thật. Để xóa tan những tin đồn thất thiệt của kẻ xấu và để dân tin, nghe theo Đảng, các cán bộ chiến sĩ BP đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, thực hiện khẩu hiệu “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân.
Các anh đã đến từng nhà, vận động từng người để nhân dân dời nhà xuống núi, về sinh sống ở vùng có nguồn nước, dạy dân trồng cây lúa nước, tổ chức cai nghiện thuốc phiện, mở trường dạy chữ cho lũ trẻ... giúp dân bản không còn đói, không còn rét nữa. Thế là bà con rỉ tai nhau: “Cái BĐBP tốt lắm, chúng nó miệng nói như cái bụng nghĩ chứ không phải như bọn kẻ xấu vẫn nói đâu”.
Người con ưu tú của Leng Su Sìn
“Trước đây, khi mới còn là chàng chiến sĩ trẻ vào nhận công tác tại Đồn BP Leng Su Sìn, tôi đã được nghe nhiều câu chuyện cảm động về Anh hùng Liệt sĩ Trần Văn Thọ. Ngày ấy, trong những câu chuyện hàng ngày của đồng bào dân tộc nơi đây, từ người già đến trẻ nhỏ đều truyền tai nhau những câu chuyện về Anh hùng Liệt sĩ Trần Văn Thọ, rôm rả trong mỗi căn nhà” - Đại tá Nguyễn Ánh Quang bắt đầu câu chuyện về Anh hùng Liệt sĩ Trần Văn Thọ.
Nhân dịp khánh thành Khu tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Trần Văn Thọ, Trung tướng Phạm Huy Tập, Chính ủy BĐBP, Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, Phó Chính ủy BĐBP đã đến thăm và tặng quà cho bà Chang Xá Mơ, tại bản Leng Su Sìn. |
Chuyện kể rằng, những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, Thiếu úy Trần Văn Thọ là Đội trưởng Đội vận động quần chúng của Đồn 5 (nay là Đồn BP Leng Su Sìn) Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lai Châu (nay là BĐBP tỉnh Điện Biên). Ngày ấy, người dân Hà Nhì sống rải rác trong các cánh rừng hay trên những núi cao quanh năm mây mù phủ kín, chỉ biết phát nương trồng ngô, trồng sắn, săn bắn con thú trong rừng.
Do năng suất thấp lại phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên một năm có đến 9/12 tháng người dân trong vùng thiếu đói. Anh Thọ gom dân, lập bản lấy tên là bản Đoàn Kết, rồi một mình về dưới xuôi, lặn lội đi bộ cả tháng trời gùi lên một gùi thóc giống và một chiếc lưỡi cày. Anh dùng trâu xẻ đất, dẫn nước, đắp bờ làm ruộng và dạy người Hà Nhì cách trồng lúa nước.
Năm ấy, lúa do anh trồng bông nặng trĩu hạt và cho thu hoạch cao hơn rất nhiều so với lúa của đồng bào. Thấy được kết quả việc anh làm và nghe anh kể về những cánh đồng lúa nước bao la ở dưới xuôi nên ai cũng muốn làm theo. Và cũng kể từ khi ấy, bữa cơm đầu tiên của mỗi vụ lúa mới, bà con Hà Nhì đều mang lên mộ anh để hương thơm của bát cơm lúa mới hòa vào lòng đất nơi anh yên nghỉ với lòng thành kính tri ân.
Bên cạnh đó, anh Thọ cùng các cán bộ chiến sĩ trong Đội vận động quần chúng về ở bản, giúp nhân dân xây dựng bản, dạy những đứa trẻ người Hà Nhì học hát, học múa, học chữ Bác Hồ; vận động nhân dân cai nghiện thuốc phiện, bỏ hủ tục, không nghe theo phỉ, vận động phỉ đầu hàng… vì thế, ai cũng quý, cũng thương. Anh Thọ hy sinh khi vừa tròn 26 tuổi, vì căn bệnh hiểm nghèo sau bao ngày dầm mưa, dãi nắng trong rừng sâu, ăn đói, mặc rét để tiễu trừ phỉ. Anh được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân ngày 1/7/1967 và vinh dự là Anh hùng LLVT nhân dân đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP).
Về Leng Su Sìn hôm nay, vẫn còn đó ngôi mộ của anh Thọ ở lưng chừng núi. Và ngay trước cổng Đồn BP Leng Su Sìn còn có thêm Khu tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Trần Văn Thọ với bức tượng của anh Thọ cùng với 3 nhân vật đại diện cho các dân tộc trên biên giới được đặt trang trọng bên trong khuôn viên các loại hoa, cây cảnh như lời nhắc nhở các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đơn vị suốt đời phấn đấu, học tập tấm gương “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Bên dòng Păng Pơi, người dân Hà Nhì nơi ngã ba biên giới ngày ngày vẫn hát bài hát “Dòng Păng Pơi vẫn hát” để ngợi ca những chiến công của người anh hùng. Tên anh giờ cũng đã được đặt cho một con đường ở TP Điện Biên và một số trường học trên địa bàn huyện Mường Nhé. Những cống hiến tận tụy của Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Thọ đã góp phần xây dựng vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc ngày càng giàu đẹp./.